Ngư dân "đóng tàu 67" trông chờ được gỡ khó

Thứ Năm, 13/04/2023, 19:33 [GMT+7]
In bài này
.

Nhiều ngư dân vay tiền ngân hàng đóng tàu theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ gặp khó khăn do nợ đọng kéo dài, mất khả năng chi trả.

Tàu ông Châu Văn Nhỏ (xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) đóng theo Nghị định 67 nằm bờ từ năm 2020.
Tàu ông Châu Văn Nhỏ (xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) đóng theo Nghị định 67 nằm bờ từ năm 2020.

Ngư dân ôm nợ, bị khởi kiện

Ông Nguyễn Văn Thuyết (xã Phước Hưng, huyện Long Điền) vay ngân hàng 9,3 tỷ đồng năm 2016 (trả trong 10 năm) để đóng tàu cá BV-96329-TS công suất hơn 800CV theo Nghị định 67 của Chính phủ. Ba năm đầu ông cũng cố gắng trả tiền lãi 80 triệu đồng/quý và 1 tỷ đồng tiền gốc. Nhưng ngư trường ngày càng cạn kiệt, dịch COVID-19 ập tới, giá xăng dầu tăng mạnh khiến những chuyến ra khơi của ông sau đó liên tiếp thua lỗ, tàu khai thác không hiệu quả, gia đình phải bán đất để trả nợ ngân hàng. Từ năm 2020 đến nay ông không còn khả năng trả nợ, bị ngân hàng đưa vào danh sách nợ xấu và khởi kiện ra tòa ngày 26/8/2022.

Trong khi đó, ông Châu Văn Nhỏ (xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) có 1 tàu dịch vụ hậu cần vỏ thép, vận tải hàng hóa trên biển (mua bán hải sản, nhiên liệu, nước ngọt và nước đá) đóng theo Nghị định 67. Tàu dài 55m, trọng tải 2.000 tấn chở hàng, hoạt động từ năm 2017. “Tôi vay Ngân hàng Agribank hơn 33 tỷ đồng để đóng con tàu này. Hoạt động được 2 năm đến cuối năm 2019, tuy nhiên tàu không được vận chuyển xăng dầu mà chỉ được vận chuyển nước đá cây và hải sản”, ông Nhỏ kể.

Việc thay đổi giấy phép này đã khiến việc kinh doanh của gia đình ông Nhỏ liên tục thua lỗ. Ông Nhỏ đã cho tàu nằm bờ từ năm 2020 vì không có chi phí đầu tư ra khơi và bán hết 2 tàu giã cào, 1 máy xúc để trả nợ cho “tàu 67” này nhưng vẫn không đủ. Hiện gia đình ông còn nợ ngân hàng 29 tỷ đồng. “Áp lực phải trả nợ ngân hàng cùng với chi phí thuê chỗ neo đậu cho tàu, nhân công trông coi, bảo dưỡng tàu làm gia đình tôi lâm vào cảnh nợ nần”, ông Nhỏ nói.

Ngân hàng Agribank đã cơ cấu lại, giãn nợ cho ông Nhỏ 6 lần, chuyển sang nợ xấu từ ngày 22/11/2021 và đã đưa ra khởi kiện ngày 24/8/2022. Để có phương án trả nợ, ông Nhỏ đã làm đơn gửi các cơ quan chức năng xem xét, bổ sung cho tàu thêm chức năng được vận tải nhiên liệu, hàng hóa trên biển, được phép cập cảng thương mại để có cơ hội vận hành phương tiện, kiếm thu nhập nuôi sống gia đình và trả nợ ngân hàng.

Gỡ khó cho ngư dân

Thống kê từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh BR-VT, tính đến nay trên địa bàn tỉnh có 69 tàu (10 tàu dịch vụ hậu cần, 58 tàu khai thác hải sản và 1 tàu nâng cấp) vay vốn theo Nghị định 67. Tổng số tiền đã giải ngân hơn 1.017 tỷ đồng. Đến nay, các ngân hàng cho vay đã thu nợ được 210 tỷ đồng. Tuy nhiên, 45 khoản vay nhóm nợ xấu có khả năng mất vốn với dư nợ là 675,359 tỷ đồng, chiếm 82,62% dư nợ của chương trình. Trong đó có 19 tàu cá đóng theo Nghị định 67 hoạt động cầm chừng, không hiệu quả, không trả nợ được gốc, lãi cho ngân hàng theo cam kết.

Các ngân hàng cũng đã thực hiện nhiều biện pháp đôn đốc thu hồi nợ đối với các chủ tàu. Đồng thời, xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với 24 tàu. Tuy nhiên, khoản vay bị chuyển nợ quá hạn, nợ xấu trên địa bàn tỉnh vẫn ngày càng tăng cao. Đặc biệt, có 29/69 tàu có hoạt động nhưng chây ì, không thiện chí hợp tác với ngân hàng để trả nợ. Do đó, 4 ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã thực hiện khởi kiện ra tòa đối với 27 khoản vay của 24 chủ tàu với dư nợ xấu hơn 360 tỷ đồng.

Theo Sở NN-PTNT, Nghị định 67 được đánh giá là hệ thống chính sách đồng bộ, thể hiện quyết tâm của Chính phủ hỗ trợ ngư dân vươn khơi khai thác hải sản xa bờ, góp phần phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo. Tuy nhiên, theo bà Phạm Thị Na, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, sau một thời gian thực hiện, nhiều tàu hoạt động không hiệu quả do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, giá xăng dầu tăng cao, ngư trường cạn kiệt, giá bán hải sản giảm, đi biển thất thu, thua lỗ. Một số tàu phải nằm bờ, khó có khả năng trả nợ cho ngân hàng theo như hợp đồng đã ký kết…

Để tháo gỡ khó khăn, Sở đã có kiến nghị Chính phủ có chính sách cơ cấu lại nợ, giãn nợ, hỗ trợ việc duy tu, sửa chữa; chính sách bảo hiểm, chuyển đổi chủ tàu để tháo gỡ khoản vay nợ xấu. Đồng thời sửa đổi Nghị định 67 cho phép các tàu dịch vụ hậu cần vận chuyển dầu, nhiên liệu phục vụ cho các tàu khai thác hải sản xa bờ để có thể tiếp tục duy trì hoạt động, có khả năng trả nợ cho ngân hàng theo đúng cam kết.

Bài, ảnh: NGUYÊN MINH

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN-PTNT đang chủ trì thực hiện việc sửa đổi Nghị định 67. Hiện nay đã có dự thảo lần thứ 3 và đang tiếp tục xin ý kiến các bộ, ngành và địa phương tổ chức các hội thảo để đánh giá những khó khăn, vướng mắc, đồng thời đưa ra giải pháp tháo gỡ. Trong đó, có việc cơ cấu lại nợ, chính sách chuyển đổi chủ tàu để tháo gỡ khoản vay nợ xấu với các tàu cá đóng mới theo Nghị định 67.

 

 

;
.