.

Cơ hội nào cho học sinh không vào được lớp 10 công lập?

Cập nhật: 16:45, 22/03/2019 (GMT+7)

Năm học 2019-2020, dự kiến có khoảng 4.000 HS lớp 9 trên địa bàn tỉnh không vào được các trường THPT công lập. Câu hỏi đặt ra là nếu các em không vào được lớp 10 công lập và muốn tiếp tục con đường học tập thì có thể học ở đâu, chi phí như thế nào? Phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT xung quanh vấn đề này.

● Phóng viên: Xin ông cho biết vì sao chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm học 2019-2020 tiếp tục giảm?

- Ông Nguyễn Thanh Giang: Theo lộ trình, chỉ tiêu HS vào lớp 10 công lập hàng năm sẽ giảm dần, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 còn 60% HS vào lớp 10 công lập. Theo Dự thảo kế hoạch trường lớp, HS công lập năm học 2019-2020 trên địa bàn tỉnh, năm học tới, trong tổng số gần 16.000 HS lớp 9, chỉ có khoảng hơn 11.800 HS được tuyển vào lớp 10 công lập. Như vậy, chỉ tiêu HS vào lớp 10 công lập của tỉnh tiếp tục giảm nhẹ, còn 74,95%. Điều này hoàn toàn phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD-ĐT và định hướng của địa phương trong thực hiện công tác hướng nghiệp và phân luồng HS sau THCS. 

Nhiều trường THCS trên địa bàn tỉnh đã phối hợp đưa HS tới tham quan, trải nghiệm tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trong ảnh: Học sinh THCS tham quan, trải nghiệm tại Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ BR-VT.
Nhiều trường THCS trên địa bàn tỉnh đã phối hợp đưa HS tới tham quan, trải nghiệm tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trong ảnh: Học sinh THCS tham quan, trải nghiệm tại Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ BR-VT.


Như vậy, số HS không vào được lớp 10 công lập sẽ có những lựa chọn nào khác để tiếp tục con đường học tập của mình, thưa ông? 

- HS không vào được lớp 10 công lập có thể lựa chọn một trong những con đường như: học tiếp THPT ở các trường ngoài công lập, học hệ bổ túc văn hóa ở các trung tâm giáo dục thường xuyên (TTGDTX) hay học nghề ở các trường trung cấp, CĐ nghề. Ngành giáo dục đã và đang đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh sau THCS bằng cách yêu cầu các trường THCS căn cứ năng lực, nguyện vọng, hoàn cảnh của từng HS để tư vấn, định hướng cho không chỉ riêng các em mà cả phụ huynh. 

Bên cạnh đó, các nhà trường cũng phối hợp chặt chẽ với các trường nghề để hướng nghiệp, đưa HS tới tham quan, trải nghiệm, từ đó phần nào giúp các em đưa ra lựa chọn cho bản thân mình. Và việc quan trọng nhất là phải nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền để HS và phụ huynh nói riêng, xã hội nói chung chuyển dần nhận thức từ việc học để có bằng cấp sang học để có nghề nghiệp.

Ông có thể phân tích rõ hơn mặt tích cực của những lựa chọn ngoài lớp 10 công lập? 

- Hiện nay, toàn tỉnh có 8 TTGDTX và 5 trường THPT ngoài công lập. Mức học phí THPT hệ GDTX không chênh lệch quá lớn so với học phí THPT công lập. Cụ thể, tại khu vực nông thôn, học phí của bậc THPT công lập là 60 ngàn đồng/tháng, THPT hệ GDTX là 70 ngàn đồng/tháng; tại khu vực thành thị, học phí THPT công lập là 90 ngàn đồng/tháng, THPT hệ GDTX là 100 ngàn đồng/tháng. HS sau khi tốt nghiệp THCS theo học hệ trung cấp chuyên nghiệp nếu học thêm chương trình THPT thì đóng học phí theo quy định của TTGDTX. 

Với chương trình THPT hệ GDTX, số môn học ít hơn ở trường THPT. Còn các trường THPT ngoài công lập trên địa bàn tỉnh hiện nay, tuy học phí cao hơn nhưng cơ sở vật chất, chất lượng dạy học tương đối bảo đảm, thu hút được đội ngũ GV có trình độ. Bên cạnh đó, dù HS theo học tại TTGDTX hay THPT ngoài công lập, tấm bằng tốt nghiệp THPT đều có giá trị như nhau.

Hiện nay, hệ thống các trường trung cấp, ĐH, CĐ nghề trên địa bàn tỉnh đều có cơ sở vật chất khang trang, trang thiết bị dạy học hiện đại, phương pháp đào tạo thường xuyên được đổi mới và hoàn thiện. Không chỉ vậy, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn tăng cường liên kết với các DN, cam kết tạo việc làm cho SV sau khi ra trường. HS tốt nghiệp THCS theo học trung cấp, CĐ nghề ngoài việc được miễn 100% học phí, sau khi tốt nghiệp còn có thể đi làm ngay hoặc học liên thông lên CĐ, ĐH. Hiện nay, các trường trung cấp, CĐ nghề còn liên kết với các TTGDTX mở lớp bồi dưỡng văn hóa, học song song với chương trình giáo dục nghề nghiệp. Do đó, chỉ sau 3 năm, khi tốt nghiệp, các em đã có trong tay 2 tấm bằng: bằng tốt nghiệp THPT và bằng trung cấp, CĐ nghề. Đây là một hướng đi thiết thực bởi có thể rút ngắn thời gian học tập, tiết kiệm chi phí cho gia đình và giải quyết tình trạng thất nghiệp, thừa thầy thiếu thợ hiện nay.

Xin cám ơn ông!

Bài, ảnh: HOÀNG DƯƠNG

.
.
.