![]() |
* Ông đánh giá thế nào về tình hình thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục trên địa bàn tỉnh những năm qua, đặc biệt là từ khi có Nghị quyết 05?
- Từ khi thực hiện Nghị quyết 05 về XHHGD, ngành giáo dục tỉnh đã có những bước chuyển biến mạnh mẽù. Các trường dân lập, tư thục mở ra nhiều hơn từ các cấp mầm non, tiểu học, THCS, THPT đến đại học. Bên cạnh đó, sự đầu tư cho giáo dục của Nhà nước tiếp tục được đẩy mạnh. Ngành giáo dục đã tích cực chuẩn bị những điều kiện để thu hút nhà đầu tư thành lập trường tư thục, dân lập; hiện tại chỉ còn chờ Chính phủ ban hành các chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư về giao đất, thuế, vốn vay tín dụng. Những vùng nông thôn hay khu vực người dân thưa thớt, thu nhập thấp, tỉnh vẫn tiếp tục đầu tư ngân sách củng cố và phát triển thêm hệ thống trường công lập; đồng thời thực hiện chuyển đổi các trường bán công sang công lập tạo điều kiện cho học sinh nghèo đến trường.
Qua 2 năm thực hiện XHHGD nhiều vấn đề đã được làm sáng tỏ hơn: Thứ nhất, phải có nhân lực với trình độ nghề nghiệp và đạo đức phù hợp; có kế hoạch đào tạo giáo viên cả công lập và ngoài công lập trước khi mở trường dân lập hoặc tư thục. Thứ 2, phải có đất. Sở Giáo dục-Đào tạo cần phối hợp chặt chẽ với các huyện, thị, thành phố, các sở, ban ngành có liên quan để quy hoạch đất đai xây dựng trường cho cả công lập và tư thục. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền cũng cần được đẩy mạnh giúp các cá nhân, doanh nghiệp hiểu đúng những quyền lợi cũng như trách nhiệm của mình khi tham gia đầu tư cho giáo dục.
* Hiện nay chất lượng giáo dục còn có vấn đề, theo ông làm gì để kiểm soát chặt chẽ chất lượng cung cấp dịch vụ của các cơ sở giáo dục?
- Chức năng quản lý của Nhà nước về giáo dục đối với tất cả các cơ sở giáo dục ngoài công lập được thể hiện rõ qua hệ thống đánh giá, kiểm định chất lượng các dịch vụ giáo dục. Nhà nước đã quản lý giáo dục đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập thì phải có những quy định để kiểm tra, kiểm định, đánh giá chất lượng của các dịch vụ giáo dục này. Khi một cơ sở giáo dục được thành lập và hoạt động phải bảo đảm các tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, nội dung chương trình, kết quả giảng dạy. Sở GD-ĐT chịu trách nhiệm kiểm tra những tiêu chuẩn này. Nếu cơ sở nào không bảo đảm đủ các tiêu chuẩn buộc phải đóng cửa.
* Trong năm 2008, ngành giáo dục có biện pháp gì để thúc đẩy công tác XHHGD?
- Thời gian tới, Sở GD-ĐT sẽ tham mưu với UBND tỉnh tổ chức hội thảo về XHHGD. Thành phần tham dự sẽ là các doanh nghiệp, nhà đầu tư, chính quyền các cấp, các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị. Những vấn đề vướng mắc sẽ được trao đổi thẳng thắn để làm sao khơi thông được nhận thức cũng như suy nghĩ của nhà đầu tư; đồng thời các nhà đầu tư sẽ trực tiếp nêu yêu cầu, điều kiện để khi đầu tư vào giáo dục được bảo đảm các quyền lợi chính đáng.
![]() |
Đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục phải có đội ngũ giáo viên, cán bộ có chất lượng, quỹ đất và ưu đãi về vốn vay. Trong ảnh: Giờ học của học sinh trường Trung học nghiệp vụ Du lịch Vũng Tàu. |
* Hiện nay, hệ thống cơ sở giáo dục chuyên nghiệp, dạy nghề trên địa bàn tỉnh đang yếu và thiếu về cơ sở vật chất và chương trình đào tạo. Ngành giáo dục có biện pháp gì thu hút nguồn lực xã hội hoá để phát triển mảng đào tạo này?
- Như trong dự thảo đề án XHHGD đã đề ra, để thu hút nguồn lực XHHGD phát triển mảng đào tạo này, thời gian tới ngành GD-ĐT sẽ tập trung thực hiện 4 giải pháp sau: thứ nhất, tăng tỷ lệ học sinh theo học các trường TCCN, dạy nghề, dự kiến là 15% học sinh tốt nghiệp THCS và 15% học sinh tốt nghiệp THPT; thứ hai, đẩy mạnh liên kết đào tạo với các cơ sở có chất lượng; thứ ba, phát triển trường TCCN tại TP.Vũng Tàu và TX.Bà Rịa; thứ tư, vận động xã hội tham gia mở các trường, lớp TCCN ngoài công lập. Mặt khác, ngành giáo dục sẽ “bắt tay” với các doanh nghiệp đào tạo theo nhu cầu của họ. Khi đó các xí nghiệp sẽ hỗ trợ điều kiện thực tập, cung cấp thiết bị thực hành cho sinh viên.
* Ngành giáo dục có những điều chỉnh gì để sinh viên, học sinh ra trường có thể đáp ứng nhanh yêu cầu của các doanh nghiệp?
- Để có thể đáp ứng nhanh các yêu cầu của doanh nghiệp cần tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận với công nghệ sản xuất và thực hành với trang thiết bị hiện đại, tiên tiến. Sở Giáo dục-Đào tạo sẽ phối hợp với Sở Lao động Thương binh & Xã hội làm cầu nối gắn kết giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo. Các doanh nghiệp sẽ tạo điều kiện về thời gian, địa điểm tổ chức cho sinh viên thực hành, thực tập tại nơi sản xuất của họ. Bên cạnh đó, các trang thiết bị trong nhà trường cũng cần phải tăng dần các trang bị hiện đại phù hợp với máy móc đang sử dụng trong sản xuất hiện nay.
* Xin cảm ơn ông!
Minh Thiên
(thực hiện)