Giờ ra chơi, một nhóm học sinh nô đùa, chạy nhảy trong sân trường. Bất chợt, các em thấy một ông lão tóc bạc phơ, mặt mũi hiền từ ngồi dưới gốc phượng già, trên tay cầm một cuốn sách. Ông giở một trang sách ra đọc, giọng xúc động:
“Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường…”
Thấy lạ, nhóm học sinh chạy tới đứng xung quanh. Một cậu bé ngồi xuống cạnh ông lão hỏi:
- Ông cũng biết bài “Tôi đi học” của Thanh Tịnh hả ông?
Ông lão gật đầu nói “biết” và hỏi lại:
- Cháu có biết bài văn nói về cái gì không?
- Dạ, nói về cảm xúc tươi mới, hồi hộp, xúc động của ngày đầu tiên đến trường ạ!
Ông lão ồ lên như thể được gặp bạn tâm giao:
- Đúng, đúng! Xem ra học sinh thời nào cũng vậy, ngày đầu tiên đi học là vẫn ngày thiêng liêng nhất, đáng nhớ nhất.
Một cô bé lắc đầu nói:
- Tụi cháu không còn những cảm xúc bồi hồi ấy trong ngày khai trường nữa đâu ông ơi.
Ông lão kinh ngạc:
- Sao thế? Cháu có biết “khai” nghĩa là khởi đầu, mà sự khởi đầu bao giờ cũng tươi mới. Hôm nay là ngày khai trường, ngày đầu tiên đi học...
- Dạ, tụi cháu biết. Nhưng trường tụi cháu “khai” đã lâu rồi. Lễ khai giảng mà ông thấy hồi nãy chỉ là… thủ tục thôi!
Ông lão nghe xong chưng hửng, thở dài đứng dậy bước đi.
Cậu bé chạy theo hỏi:
- Ông ơi, ông ở đâu vậy, danh tánh là chi?
Ông lão nhìn cậu bé, mỉm cười:
- Ông là nhà văn Thanh Tịnh cháu à.
HẢI LĂNG