Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết về hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục để lấy ý kiến đóng góp của các tổ chức, cá nhân.
![]() |
Học sinh TP.Vũng Tàu tham gia chương trình tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp. |
Dự thảo Nghị định gồm 5 chương, 14 điều, bao quát toàn diện các khía cạnh của công tác hướng nghiệp và phân luồng.
Cụ thể, về nguyên tắc hướng nghiệp và phân luồng, dự thảo Nghị định quy định 4 nguyên tắc nhằm bảo đảm hài hòa giữa nguyện vọng học sinh và nhu cầu phát triển nhân lực gồm: bảo đảm hài hòa giữa nguyện vọng, năng lực của học sinh với xu hướng phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quyền được định hướng nghề nghiệp và được tôn trọng lựa chọn hướng học tập, nghề nghiệp của học sinh; bảo đảm tính hệ thống, liên tục; bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình, xã hội.
Về nội dung hướng nghiệp, tập trung cung cấp thông tin về ngành nghề, xu hướng lao động, kỹ năng cần thiết và tư vấn lộ trình học tập.
Theo đó, dự thảo Nghị định quy định nội dung hướng nghiệp trong giáo dục bao gồm: giáo dục nhận thức về các con đường học tập và nghề nghiệp; cung cấp thông tin về ngành nghề, xu hướng thị trường lao động và nhu cầu nhân lực của xã hội; đánh giá năng lực, sở thích và định hướng nghề nghiệp của học sinh; hướng dẫn lập kế hoạch học tập và rèn luyện phù hợp với định hướng nghề; phát triển kỹ năng mềm và kỹ năng nghề nghiệp cần thiết.
![]() |
Dự thảo Nghị định hướng tới mục tiêu giúp công tác phân luồng hiệu quả hơn, góp phần giảm áp lực cho các trường đại học, tăng tỷ lệ học sinh lựa chọn giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu nhân lực có tay nghề cao của xã hội. |
Về định hướng phân luồng, dự thảo Nghị định quy định rõ ràng, cụ thể về định hướng phân luồng sau khi hoàn thành chương trình THCS và hoàn thành chương trình THPT, với lựa chọn học tiếp, học nghề hoặc tham gia thị trường lao động.
Dự thảo Nghị định cũng quy định cụ thể các biện pháp phân luồng, hướng nghiệp trong giáo dục. Lồng ghép nội dung phân luồng, hướng nghiệp vào chương trình giáo dục, tổ chức trải nghiệm nghề, tư vấn cá nhân, tăng cường phối hợp giữa nhà trường - gia đình - doanh nghiệp - địa phương.
Với các quy định cụ thể, khi được thông qua, dự thảo Nghị định hướng tới mục tiêu giúp công tác phân luồng hiệu quả hơn, góp phần giảm áp lực cho các trường đại học, tăng tỷ lệ học sinh lựa chọn giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu nhân lực có tay nghề cao của xã hội. Về lâu dài, chính sách này sẽ giải quyết tình trạng mất cân đối cung - cầu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng lực cạnh tranh của quốc gia.
Tin, ảnh: KHÁNH CHI