Tuổi trẻ thúc đẩy chuyển đổi số ở cộng đồng

Thứ Hai, 05/05/2025, 17:21 [GMT+7]
In bài này
.

Thông qua các mô hình, hoạt động thiết thực, các tổ chuyển đổi số cộng đồng do đoàn viên, thanh viên (ĐVTN) làm nòng cốt đã và đang đưa công nghệ số đến gần người dân hơn, góp phần hướng tới một xã hội số toàn diện.

ĐVTN xã Bàu Chinh (huyện Châu Đức) hướng dẫn, hỗ trợ người dân cài đặt, sử dụng ứng dụng chuyển đổi số.
Đoàn viên thanh niên xã Bàu Chinh (huyện Châu Đức) hướng dẫn, hỗ trợ người dân cài đặt, sử dụng các ứng dụng trên điện thoại.

Lan tỏa tri thức số

Từ năm 2022, hàng trăm tổ chuyển đổi số cộng đồng do Đoàn - Hội thanh niên khởi xướng đã hình thành tại các địa phương trong tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Với đội ngũ nòng cốt là ĐVTN, tình nguyện viên được tập huấn bài bản, các tổ này đã góp phần “phổ cập công nghệ” cho người cao tuổi, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa.

Tiêu biểu là tổ chuyển đổi số cộng đồng xã Bàu Chinh (huyện Châu Đức) với 15 thành viên hoạt động định kỳ vào mỗi cuối tuần. Từ năm 2022 đến nay, các thành viên trong tổ đã hỗ trợ hơn 2.100 người dân cài đặt tài khoản dịch vụ công trực tuyến, chữ ký số; trong đó có hơn 500 đồng bào dân tộc Chơ Ro.

Các bạn trẻ còn hướng dẫn người dân sử dụng điện thoại thông minh tham gia mạng xã hội một cách lành mạnh, cập nhật tin tức qua Zalo cộng đồng, hay sử dụng các ứng dụng thanh toán điện tử, từng bước giúp người dân tiếp cận với khái niệm chuyển đổi số một cách gần gũi và thực tiễn hơn.

 “Trước đây, tôi không biết dùng điện thoại để làm thủ tục gì. Nhờ các bạn trẻ hướng dẫn tận tình, tôi đã biết cách sử dụng điện thoại để giao dịch dịch vụ công trực tuyến, qua đó đỡ tốn thời gian đi lại”, ông Lý Văn Thoại, người dân tộc Chơ Ro chia sẻ.

Để việc hỗ trợ hiệu quả hơn, Đoàn xã Bàu Chinh còn thiết kế tờ rơi hướng dẫn chi tiết các bước thao tác trên điện thoại, in kèm số điện thoại liên hệ của các thành viên trong tổ. “Khi cần, bà con có thể gọi điện để được hướng dẫn từ xa, rất tiện lợi và chủ động”, chị Phạm Nguyễn Quỳnh Anh, Phó Bí thư Đoàn xã Bàu Chinh cho biết.

Tại TP.Vũng Tàu, tổ chuyển đổi số của Đoàn phường 12 đã triển khai một sáng kiến thiết thực "gắn mã QR cho hơn 220 thủ tục hành chính". Nhờ đó, người dân chỉ cần vài thao tác đơn giản là có thể quét mã và thực hiện bước đầu thủ tục hành chính ngay tại nhà.

Ông Nguyễn Đình Hóa, một cán bộ hưu trí phường 12 nhận xét: “Tôi không ngờ giờ đây chỉ cần điện thoại và vài thao tác quét mã là có thể đặt lịch làm giấy khai sinh, chỉnh sửa giấy tờ đất; không phải xếp hàng, không chờ đợi. Việc này rất tiện cho dân”.

Toàn tỉnh hiện có hơn 100 tổ chuyển đổi số cộng đồng thanh niên, với hơn 1.200 tình nguyện viên. Ngoài nhiệm vụ hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến hay các ứng dụng như VNeID, VSSID, hơn 50 mô hình phụ trợ đã được xây dựng nhằm gắn kết công nghệ với đời sống hàng ngày.

Một số tổ còn phát huy tính sáng tạo, tổ chức các sân chơi ứng dụng công nghệ. Đơn cử, Thành Đoàn Phú Mỹ tổ chức giải thể thao điện tử E-Sport Liên Quân Mobile nhằm tạo không gian số phù hợp với sở thích giới trẻ. 

Bình dân học vụ số 

Từ hiệu quả bước đầu, các tổ chuyển đổi số cộng đồng đã được nhân rộng bằng việc thành lập đội hình “Bình dân học vụ số”, với phương châm “dễ hiểu, dễ làm, dễ tiếp cận”. Thông qua các buổi tập huấn, tổ chức Đoàn - Hội đã hướng dẫn người dân cách tích hợp bảo hiểm y tế, cài đặt ứng dụng sức khỏe điện tử, khai báo thông tin trên VNeID... nhằm hướng tới một xã hội số toàn diện.

Theo anh Thôi Đại Việt, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, với những mô hình, việc làm cụ thể, các tổ chuyển đổi số cộng đồng do ĐVTN làm nòng cốt đã và đang góp phần làm thay đổi tư duy, thói quen của người dân trong kỷ nguyên số. Không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ tuyên truyền, hỗ trợ người dân, các tổ chuyển đổi số còn chủ động tham mưu cho chính quyền địa phương những giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số hiệu quả hơn. 

Bài, ảnh: MAI NGỌC

 

 

;
.