Chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đang bộc lộ nhiều bất cập, đặc biệt là mức hưởng thực tế quá thấp, không đáp ứng nhu cầu sống cơ bản của người lao động sau khi mất việc. Nhiều ý kiến cho rằng cần tăng mức hưởng đối với lao động chịu rủi ro khi mất việc làm.
![]() |
Người lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh. |
Khoản tiền trợ cấp ít ỏi
Chiều muộn ngày 20/5, tại Trung tâm Dịch vụ Việc làm (Sở Nội vụ) còn khá đông người lao động đến làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp. Bà Mai Thị Thắm (56 tuổi, tạm trú tại đường Lương Văn Can, phường 2, TP.Vũng Tàu) vừa hoàn thành thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp. Bà có hơn 12 năm làm công việc chăm sóc trẻ ở Trung tâm Bảo trợ xã hội.
Với lương gần kề trước khi nghỉ việc là 6 triệu đồng/tháng, dự kiến bà nhận khoảng 3,4 triệu đồng tiền trợ cấp. “Với số tiền này tôi có thể trang trải chi phí tiền thuê nhà trọ, sinh hoạt phí trong thời gian đầu không có việc làm”, bà Thắm bày tỏ.
Tại quầy trả kết quả, chị Nguyễn Thị Nương (phường 10, TP.Vũng Tàu) được nhân viên Trung tâm Dịch vụ việc làm thông tin, với 6 triệu tiền lương hàng tháng trước khi chị nghỉ việc, số tiền trợ cấp thất nghiệp chị dự kiến nhận là 3,6 triệu đồng/tháng. Theo chị Nương, dù số tiền không lớn nhưng có còn hơn không trong thời gian tìm công việc khác.
Tại bộ phận hướng dẫn nộp hồ sơ, chị Quý Ngọc Quyến (TP.Vũng Tàu) nộp hồ sơ hưởng trợ cấp BHTN bằng hình thức trực tuyến. Chị Quyến chia sẻ: “Tôi vừa nghỉ làm nhân viên bán hàng tại một dự án nhà ở do không phù hợp với chuyên môn. Để có tiền trang trải trong thời gian tìm công việc phù hợp, tôi làm chế độ hưởng trợ cấp thất nghiệp”.
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Nội vụ), trong 4 tháng năm 2025, có 4.444 người nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ trợ cấp thất nghiệp. Riêng trong tháng 4 có 1.554 người, tăng 185 người (13%) so với tháng trước. Nguyên nhân thất nghiệp được ghi nhận là do hết hạn hợp đồng lao động, do DN thay đổi cơ cấu… Mức hưởng trung bình là 4,2 triệu đồng/người.
Xem xét nâng mức hưởng
Theo quy định hiện hành, người lao động được hưởng trợ cấp bằng 60% bình quân tiền lương tháng đóng BHTN trong 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc, nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở hoặc lương tối thiểu vùng. Dù tỷ lệ này được cho là “không thấp”, nhưng do phần lớn người lao động chỉ đóng ở mức tối thiểu cộng phụ cấp (khoảng 6 triệu đồng/tháng), nên khoản thực nhận thường chỉ 3,4 triệu đồng/tháng. Mức trợ cấp này không đủ bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho cả gia đình người lao động trong thời gian mất việc.
Liên quan đến mức hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Bộ Nội vụ tiếp tục đề xuất giữ nguyên quy định về mức hưởng trợ cấp. Để bảo đảm quyền lợi cho người lao động bị mất việc làm, nhiều ý kiến đề xuất xem xét nâng mức hưởng lên từ 65-75%...
Trao đổi với phóng viên, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh cho hay, ngày 7/5 vừa qua, đóng góp ý kiến tại nghị trường về Luật Việc làm (sửa đổi), ông đã đề nghị xem xét tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp lên 70% lương bình quân 6 tháng gần nhất trong giới hạn không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng. Đồng thời, cải tiến cách tính thời gian hưởng, theo hướng mỗi 6 tháng đóng thêm được cộng thêm 1 tháng trợ cấp thay vì 12 tháng như hiện nay.
Theo Bộ Nội vụ, chính sách BHTN được triển khai từ năm 2009 với 4 chế độ chính: trợ cấp thất nghiệp, tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề và bảo hiểm y tế. Quỹ được hình thành từ đóng góp của người lao động, người sử dụng lao động, ngân sách Nhà nước và các nguồn hợp pháp khác. Tính đến cuối năm 2024, Quỹ BHTN có số dư lũy kế hơn 64.300 tỷ đồng; khoảng 16 triệu lao động tham gia, chiếm 34% lực lượng lao động trong độ tuổi. |
Theo đại biểu, trong bối cảnh thị trường lao động linh hoạt, nhiều lao động hợp đồng ngắn hạn, thì mức hưởng trợ cấp thất nghiệp 60% lương bình quân như quy định tại dự thảo luật là chưa phù hợp với mặt bằng chi phí sinh hoạt hiện nay.
Trước đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã kiến nghị nâng mức trợ cấp hàng tháng lên 75% bình quân tiền lương đóng BHTN trước khi nghỉ việc. Đồng thời, đề xuất điều chỉnh thời gian hưởng theo số năm đóng thay vì quy định cứng tối đa 12 tháng. Điều này nhằm bảo đảm những người đã tham gia nhiều năm được hỗ trợ tương xứng, có điều kiện duy trì cuộc sống và tìm kiếm việc làm mới.
Bài, ảnh: QUANG LÊ