Sáng 27/5, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội nghị tập huấn, giải đáp các thắc mắc trong công tác thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Năm nay, ngoài phương châm “4 đúng, 3 không”, bộ bổ sung “2 tăng cường” trong công tác tổ chức thi.
![]() |
Học sinh Trường THPT Vũng Tàu ôn tập chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. |
Lưu ý quy trình thi với 2 nhóm đối tượng
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay diễn ra trong bối cảnh đặc biệt khi đây là lần đầu tiên một kỳ thi có 2 đề thi cho 2 chương trình khác nhau và diễn ra trong thời điểm cả nước đang thực hiện sắp xếp bộ máy. Trong khi đó, cả nước có trên 1,16 triệu thí sinh đăng ký dự thi, tăng gần 100 ngàn em so với năm trước. Dù chỉ có khoảng 25 ngàn em dự thi theo chương trình 2006, nhưng lại rải rác ở cả 63 tỉnh, thành nên tất cả các địa phương đều phải tổ chức điểm thi riêng cho các thí sinh này.
GS.Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT đề nghị, các hội đồng thi phải đặc biệt lưu ý để không nhầm lẫn khi quy trình thi giữa 2 nhóm đối tượng này áp dụng theo hai quy chế thi khác nhau. Ví dụ, thí sinh thi theo chương trình 2006 chỉ dự thi môn thi thứ 2 trong bài thi tự chọn/tổ hợp phải có mặt trước thời gian thi môn thi 10 phút; thí sinh thi theo chương trình 2018 phải có mặt từ đầu buổi thi và chờ tại phòng chờ.
Thời gian giữa 2 môn thi trong bài thi tự chọn/tổ hợp với thí sinh dự thi theo chương trình 2006 là 10 phút trong khi thời gian giữa 2 môn thi với thí sinh dự thi theo chương trình 2018 là 15 phút. Với môn Địa lý, thí sinh thi theo chương trình 2006 được mang Atlat vào phòng thi trong khi thí sinh thi theo chương trình 2018 không được mang Atlat vào phòng thi.
“4 đúng, 3 không” và “2 tăng cường”
Năm nay, khâu tổ chức thi phức tạp hơn trong khi cả nước đang thực hiện tinh gọn, sắp xếp bộ máy. Lực lượng thanh, kiểm tra cũng có sự thay đổi khi từ ngày 1/6 tới đây, Thanh tra Bộ GD-ĐT chính thức chuyển về Thanh tra Chính phủ. Ở các địa phương, thanh tra của Sở GD-ĐT cũng chuyển về thanh tra tỉnh, còn thanh tra cấp huyện kết thúc hoạt động.
Thông tin về việc phối hợp giữa các lực lượng thanh tra, kiểm tra, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho hay, với tinh thần chuẩn bị từ sớm, từ xa, không để khoảng trống, Bộ GD-ĐT đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành công điện số 58/CĐ-TTg về việc tổ chức Kỳ thi Tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đầu cấp giáo dục phổ thông năm 2025; công điện số 61/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT, bảo đảm biên chế giáo viên mầm non, phổ thông và nghỉ hè cho trẻ em, HS năm 2025.
Thủ tướng chỉ đạo cấp tỉnh tổ chức lực lượng thanh tra các cấp. Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề nghị các Sở GD-ĐT chủ động tham mưu để sớm xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra…
Cũng theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, với tính chất đặc biệt của kỳ thi năm nay, ngoài chỉ đạo “4 đúng, 3 không” (gồm: đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng và đủ quy trình; đúng vị trí, chức trách nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm để kịp thời xử lý tình huống, sự cố bất thường; không lơ là, chủ quan; không căng thẳng, áp lực thái quá; không tự ý xử lý tình huống, sự cố bất thường) như mọi năm, Bộ GD-ĐT bổ sung “2 tăng cường”, gồm: Tăng cường tinh thần trách nhiệm, ý thức và nâng cao trình độ nghiệp vụ của cán bộ tham gia tổ chức thi; tăng cường ý thức thực hiện đúng quy chế thi của thí sinh.
“Cần tập huấn kỹ lưỡng và tập huấn sớm yêu cầu bắt buộc tất cả các chủ thể tham gia kỳ thi đều phải nắm chắc quy chế. Cán bộ thanh tra, kiểm tra phải nắm kỹ quy chế và giải quyết được các vấn đề bất thường, đặc biệt là các vấn đề có khoảng mờ mà quy chế chưa bao quát hết được”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh.
Bài ảnh: HẢI BÌNH