Hạnh phúc khi được gặp Bác
Nhiều người may mắn, vinh dự được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh nay tuổi đã cao, sức khỏe yếu, nhưng hình ảnh, cử chỉ, lời nói của Bác vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức của họ. Những cuộc gặp gỡ, thưa chuyện với Bác đã trở thành niềm tự hào cũng như động lực, nguồn cảm hứng cho các thế hệ học tập Người.
![]() |
Ông Huỳnh Văn Tiến (ở 1348/14 đường 30/4, TP.Vũng Tàu) vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thưởng Huân chương Khánh chiến hạng Nhì. |
Bác ở trong trái tim người dân
Năm nay ông Huỳnh Văn Tiến (ở 1348/14 đường 30/4, TP.Vũng Tàu) bước sang tuổi 88. Ở độ tuổi này, nhưng ông vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn. Mỗi khi có ai nhắc đến Bác Hồ, ông Tiến đều xúc động và hạnh phúc bởi ông may mắn được gặp Người. Đó là vào tháng 8/1961, ông cùng các chiến sĩ Tàu không số từ tỉnh Bến Tre vượt biển ra Bắc.
Khi ra miền Bắc, ông và đồng đội được Ban Thống nhất Trung ương đón tiếp, bố trí ở tại nhà số 103 Quán Thánh (Hà Nội). Đợt đó, ông ra đúng vào dịp Lễ Quốc khánh 2/9, được ưu tiên đứng trên khán đài B (Quảng trường Ba Đình) nên có cơ hội nhìn thấy Bác Hồ rất rõ. Người mặc bộ đồ kaki cũ bạc màu, mái tóc bạc, râu dài, da hồng hào, giọng nói ấm áp. Ngày hôm sau, đoàn của ông Tiến được gặp Bác tại Phủ Chủ tịch. Bác đã ân cần hỏi thăm nhiều chuyện, từ việc vượt biển từ Nam ra Bắc có mệt không, phong trào đấu tranh ở trong miền Nam như thế nào, các cháu vùng giải phóng có trường lớp đi học không…Người còn tiếp “Các chú ra đây có đề nghị gì với Trung ương, với Bác không”. “Chúng tôi dạ, thưa Bác! Chúng cháu ra đây xin Bác, Trung ương cho mỗi tỉnh một thuyền vũ khí. Cho chúng cháu loại vũ khí gì mà đánh sập lô cốt bằng bê tông cốt thép của giặc. Tự nhiên Bác khóc, lấy khăn mùi soa lau nước mắt. Bác còn bảo chúng tôi yên tâm nghỉ ngơi, trị bệnh, học tập, tham quan. Khi nào Trung ương, Bác cần thì phải sẵn sàng”, ông Tiến kể lại.
Đêm hôm đó, ông Tiến và các thành viên trong đoàn không thể nào chợp mắt được. Gương mặt phúc hậu, giọng nói thân mật nghĩa tình của Bác in đậm vào trong trái tim của mỗi người. Dù cuộc gặp gỡ Bác Hồ đã trải qua hơn 5 thập kỷ, song hình ảnh, lời nói, cử chỉ ấm áp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khắc sâu vào tâm trí ông Tiến. Đây cũng là những ký ức đẹp đẽ, đáng nhớ trong cuộc đời ông. Khi còn đang công tác hay nghỉ hưu, ông Tiến luôn lấy tấm gương của Bác để học tập, làm gương cho đồng nghiệp và con cháu noi theo. Ông Tiến chia sẻ: “Gia đình tôi luôn duy trì cuộc sống giản dị, khiêm nhường, gần gũi, gắn bó với người dân. Con cháu nỗ lực học tập, làm việc để có những đóng góp tích cực cho xã hội”.
Bác là tấm gương vĩ đại
Trong số những người được gặp Bác Hồ năm xưa, bà Ngô Quỳnh Lan (76 tuổi, 28/64 Huyền Trân Công Chúa, TP.Vũng Tàu) may mắn gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh 5 lần. Trong những lần đó, bà ấn tượng và nhớ mãi kỷ niệm được quàng khăn đỏ và tặng hoa cho Bác tại sân bay Gia Lâm (Hà Nội) vào tháng 12/1961 nhân dịp Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm các nước Đông Âu trở về. Khi đó bà Quỳnh Lan học lớp 7C Trường Cấp 2 Trưng Vương (Hà Nội).
Bà học giỏi, là cháu ngoan Bác Hồ, đội viên xuất sắc, liên đội phó Liên đội Trường Cấp 2 Trưng Vương. Hơn nữa, bà còn là học sinh miền Nam tập kết ra Bắc. Đây là những yếu tố để nhà trường chọn bà để tặng hoa và quàng khăn đỏ cho Bác. Bà Quỳnh Lan nhớ lại: “Anh Quỳnh, phụ trách Nhà văn hóa Thiếu nhi Hà Nội phân công tôi tặng hoa cho Bác. Lòng tôi vui và hồi hộp vô cùng vì sắp được gặp Bác. Sau khi chào Bác, tặng hoa và quàng khăn đỏ, Bác âu yếm nhìn tôi và hỏi “cháu tên gì, quê cháu ở đâu…”. Bác ngạc nhiên khi biết tôi là học sinh miền Nam. Người còn căn dặn tôi phải cố gắng học giỏi để lớn lên, trở về miền Nam, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp”.
![]() |
Bà Ngô Quỳnh Lan (ở 28/64 Huyền Trân Công Chúa, TP.Vũng Tàu) luôn học Bác về tình yêu thương con người. Trong ảnh: Bà Quỳnh Lan tặng quà cho người khó khăn. |
Bà Quỳnh Lan còn đứng cạnh Bác rất lâu, nghe Bác nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân thủ đô đang đứng chào đón Bác. Mọi người vẫy tay chào Bác và đồng thanh hô vang “Bác Hồ muôn năm!Hồ Chủ tịch vĩ đại trong sự nghiệp các mạng của chúng ta…”. Trải qua nhiều năm, cuộc gặp gỡ và trò chuyện với Bác ngày nào đã trở thành niềm tự hào, không thể phai mờ trong tâm trí bà Quỳnh Lan.
Nhớ lời Bác dặn, bà nỗ lực học tập, làm việc, đóng góp cho quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Khi về nghỉ hưu vào năm 2002, bà bắt đầu gắn bó với công tác thiện nguyện. Từ đó đến nay, bà giúp đỡ cho hàng trăm lượt người khó khăn. Hiện trung bình mỗi tháng bà hỗ trợ định kỳ cho 15 trường hợp, mỗi quý giúp cho 30 gia đình như người già, người nghèo…, với các phần quà gồm gạo, thực phẩm và tiền mặt. Chi phí mỗi tháng khoảng 12-13 triệu đồng.
“Bác là tấm gương vĩ đại, có nhiều điều phải học tập. Bác giản dị, có trái tim ấm áp, yêu thương đồng bào nên trong cuộc sống tôi cũng học Bác vì điều này. Trong khả năng của mình, tôi sẵn lòng giúp đỡ người yếu thế, động viện, khích lệ họ vượt qua nghịch cảnh”, bà Quỳnh Lan chia sẻ.
Bài, ảnh: HỒNG PHƯƠNG