![]() |
4 tháng qua, dù chưa phải là cao điểm của dịch sốt xuất huyết (SXH)nhưng trên địa bàn tỉnh ghi nhận nhiều ca mắc. Phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu đã trao đổi với bác sĩ Nguyễn Viết Điện, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát tật (CDC) tỉnh để làm rõ nguyên nhân.
* Phóng viên: Thưa bác sĩ, tại sao 4 tháng qua, trên địa bàn tỉnh lại ghi nhận nhiều ca mắc SXH hơn so với cùng kỳ năm 2024?
- Bác sĩ Nguyễn Viết Điện: Từ đầu năm đến giữa tháng 4/2025, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có hơn 530 ca mắc SXH, trong đó có 1 trường hợp tử vong. Số ca mắc tập trung chủ yếu ở TP.Vũng Tàu, TP.Phú Mỹ và huyện Châu Đức. Điều đáng lo ngại, số ca mắc ở thời gian này tăng 270 ca so với cùng kỳ năm 2024, trong khi chưa tới mùa mưa.
Nguyên nhân khiến số ca sốt xuất huyết gia tăng là do ở các địa bàn dân cư còn nhiều bãi đất trống chưa quản lý tốt, chưa thu gom hiệu quả rác thải, phế liệu. Đây là môi trường thuận lợi cho muỗi sinh sôi, phát triển. Bên cạnh đó, mưa trái mùa kết hợp với thời tiết nắng nóng trong những tháng đầu năm cũng góp phần làm tăng mật độ muỗi truyền bệnh. Ngoài ra, không ít người dân vẫn còn chủ quan, cho rằng SXH chỉ xảy ra vào mùa mưa nên chưa chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa như diệt muỗi, lăng quăng.
Hơn nữa, qua theo dõi hàng năm về dịch bệnh SXH cho thấy, cứ 3 năm sẽ có 1 đợt dịch bùng phát trên địa bàn. Gần đây nhất như năm 2019 và 2022 là những năm bùng phát dịch SXH trên diện rộng. Do đó, năm 2025 được dự báo sẽ đến chu kỳ của dịch SXH.
![]() |
Ngành y tế huyện Châu Đức giám sát công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết tại cộng đồng. |
* Trước diễn biến phức tạp của sốt xuất huyết, ngành y tế đã chuẩn bị gì trước mùa cao điểm SXH từ tháng 5-11?
- Chúng tôi dự báo, số ca SXH sẽ tăng cao vào mùa mưa. Ngành y tế đang chủ động tổ chức giám sát chặt chẽ các chỉ số côn trùng, giám sát ca bệnh, xử lý 100% các ổ dịch nhỏ cũng như điều tra các ổ lăng quăng nguồn để xử lý kịp thời.
Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống SXH thông qua nhiều kênh như mạng xã hội, loa phát thanh địa phương và truyền thông trực tiếp đến người dân. Qua đó, giúp chính quyền và người dân hiểu rõ mức độ nguy hiểm của bệnh, từ đó chủ động phối hợp thực hiện các biện pháp phòng, chống hiệu quả. Ngành cũng triển khai 2 đợt chiến dịch diệt lăng quăng trên toàn tỉnh, vào ngày 20/5 và 10/9. Hàng tuần, các xã, phường có nguy cơ cao tiến hành các đợt diệt lăng quăng.
Ngành y tế cũng mong muốn người dân tích cực tham gia phòng, chống SXH. Việc này góp phần nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch bệnh, không để bệnh SXH bùng phát, lây lan rộng, kéo dài nhằm bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân.
Người dân chủ động phòng, chống bệnh SXH bằng cách diệt lăng quăng như đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước, thả cá vào bể nước để ăn lăng quăng. Thường xuyên thu gom, lật úp, loại bỏ các vật dụng chứa nước đọng. Vệ sinh máng nước, lu, khạp, khay chậu… ít nhất 1 lần/tuần. Chống muỗi đốt bằng cách ngủ mùng, mặc quần áo dài tay, dùng kem chống muỗi, nhang muỗi, vợt muỗi, máy đuổi muỗi, lắp lưới chống muỗi ở cửa sổ, cửa ra vào. Khai báo y tế khi có người bị sốt, nghi ngờ SXH. |
* Bác sĩ có lưu ý nào đối với bệnh nhân SXH?
- Bệnh SXH do vi rút Dengue gây ra và truyền qua muỗi vằn. Đây là bệnh nguy hiểm chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây tử vong. Bệnh có thể gây ra SXH, chảy máu cam, chảy máu chân răng, sốt xuất huyết tiêu hóa..., nghiêm trọng hơn gây ra biến chứng như: suy gan, thận, tràn dịch màng bụng, màng phổi, xuất huyết não, đe dọa tính mạng người bệnh. Đặc biệt, những người có bệnh nền, thể trạng béo phì, mắc bệnh suy giảm miễn dịch, người già, trẻ em… khi mắc SXH có nguy cơ tử vong cao.
Mặt khác, triệu chứng bệnh SXH ở giai đoạn đầu rất dễ nhầm lẫn với bệnh cảm cúm hoặc các bệnh viêm long đường hô hấp. Người dân thường tự mua thuốc về uống. Nếu uống các thuốc hạ sốt giảm đau như: aspirin, ibuprofen, diclofenac... sẽ làm bệnh diễn tiến nặng lên. Vì vậy, người dân không dùng các thuốc này.
Khi bị sốt, nhất là sốt cao, người bệnh đã dùng thuốc hạ sốt mà không giảm sốt, cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và chỉ định điều trị thích hợp.
* Cảm ơn bác sĩvề cuộc phỏng vấn!
HỒNG PHƯƠNG
(Thực hiện)