Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục, với các đề xuất đáng chú ý: bỏ bằng tốt nghiệp THCS, giao hiệu trưởng cấp bằng tốt nghiệp THPT, bỏ quy định bộ phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương, bổ sung đối tượng miễn học phí. Thời gian góp ý đến hết 9/7.
![]() |
Bộ Giáo dục - Đào tạo đề xuất bỏ bằng tốt nghiệp tiểu học cơ sở, giao cơ sở giáo dục xác nhận hoàn thành chương trình tiểu học cơ sở. |
Bỏ bằng tốt nghiệp THCS
Theo dự thảo, trong hệ thống văn bằng, Bộ GD-ĐT bỏ bằng tốt nghiệp THCS, giao cơ sở giáo dục xác nhận hoàn thành chương trình THCS.
Bộ GD-ĐT cho rằng điều này phù hợp với chủ trương tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (theo luật Giáo dục hiện hành, bằng tốt nghiệp THCS do phòng giáo dục cấp), phù hợp với mục tiêu phổ cập giáo dục và với xu thế quốc tế. Theo Bộ GD-ĐT, việc xác nhận hoàn thành chương trình THCS không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của người học.
Nhiều quốc gia phát triển (như Mỹ, Canada, Anh, Úc, Phần Lan) đã không cấp bằng tốt nghiệp THCS mà sử dụng xác nhận của hiệu trưởng về kết quả học tập ở lớp dưới để xét học ở bậc học cao hơn hoặc phân luồng.
Hiệu trưởng cấp bằng tốt nghiệp THPT
Dự thảo luật chuyển thẩm quyền cấp bằng tốt nghiệp THPT từ giám đốc sở GD-ĐT cho hiệu trưởng nhà trường. Theo ban soạn thảo, điều này nhằm thực hiện chủ trương phân cấp, phân quyền.
Dự thảo luật cũng phân cấp quản lý cơ sở giáo dục MN, TH, THCS cho Chủ tịch UBND cấp xã khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, trường THPT hoặc trường phổ thông có nhiều cấp học thuộc quản lý của sở GD-ĐT (trừ những trường thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT).
Dự thảo luật nêu Bộ GD-ĐT sẽ chủ trì xây dựng cơ sở dữ liệu về văn bằng, chứng chỉ của ngành giáo dục đồng bộ, tương thích, kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về GD-ĐT.
Bộ GD-ĐT sẽ ban hành thông tư quy định cụ thể về văn bằng, chứng chỉ số và lộ trình cấp, sử dụng văn bằng, chứng chỉ số (trong đó sẽ quy định cụ thể việc xử lý, sử dụng dữ liệu số, lộ trình thực hiện sao cho phù hợp, khả thi, an toàn...).
Bỏ khái niệm trường trung cấp
Dự thảo bỏ khái niệm trường trung cấp, chuyển thành trung học nghề và bổ sung trung học nghề là cấp học trong hệ thống giáo dục quốc dân. Trường trung học nghề sẽ tích hợp kiến thức nghề và kiến thức chương trình trung học phổ thông.
Theo đó, trong chương trình trung học nghề HS có 2 lựa chọn: được cấp chứng chỉ sơ cấp nghề hoặc trung cấp nghề. Hết lớp 9, HS có 3 lựa chọn: vào THPT, học trung học nghề với chứng chỉ sơ cấp hoặc học trung học nghề với chứng chỉ trung cấp nghề. Việc sửa đổi, bổ sung theo hướng như trên tạo cơ hội cho người học có nhiều lựa chọn sau trung học cơ sở, tạo cơ hội học liên thông… đồng thời phù hợp với cách tiếp cận hệ thống của UNESCO.
Cấp tỉnh thẩm định, phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương
Dự thảo luật tách riêng quy định về tài liệu giáo dục địa phương thành khoản riêng, không nằm trong khoản quy định về SGK nhằm xác định rõ tài liệu giáo dục địa phương không phải là SGK.
Luật giao giám đốc sở GD-ĐT tổ chức biên soạn tài liệu giáo dục địa phương, giao hội đồng thẩm định cấp tỉnh thẩm định và UBND cấp tỉnh phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương thay vì Bộ GD-ĐT phê duyệt như hiện nay.
Bộ GD-ĐT cho rằng việc tài liệu giáo dục địa phương được hiểu là SGK dẫn đến việc Bộ GD-ĐT có trách nhiệm phê duyệt, định giá tối đa không phù hợp với thực tiễn, không hợp lý.
Dự thảo Luật Giáo dục được công bố để nghiên cứu góp ý trên Cổng Thông tin điện tử Bộ GD-ĐT tại địa chỉ: https://moet.gov.vn/van-ban/vbdt/Pages/chi-tiet-van-ban.aspx?ItemID=1691. Ý kiến góp ý bằng văn bản gửi về: Vụ Pháp chế, Bộ GD-ĐT, địa chỉ: Số 35 Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội, Email: vupc@moet.gov.vn. |
Trường tư được đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học
Cập nhật chỉ đạo mới của Bộ Chính trị, dự thảo luật bổ sung quy định về miễn học phí cho trẻ MN và HS phổ thông trong trường công lập, hỗ trợ tiền đóng học phí cho trẻ MN, HS phổ thông trong cơ sở giáo dục dân lập, tư thục.
Dự thảo luật quy định: "Cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục phổ thông tư thục được hưởng chính sách hỗ trợ cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu; mức hỗ trợ do HĐND cấp tỉnh quyết định".
Theo Bộ GD-ĐT, điều này nhằm khuyến khích, tạo điều kiện để phát triển trường ngoài công lập theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa giáo dục.
Bài, ảnh: HẢI BÌNH