Nhiều công nhân phải tăng ca, làm thêm ngoài giờ với đủ nghề tay trái để trang trải cuộc sống giữa lúc vật giá leo thang. Ai cũng mong được tăng lương để giảm bớt gánh nặng mưu sinh, cải thiện đời sống.
![]() |
Công ty TNHH Greentech Headgear (KCN Châu Đức, huyện Châu Đức) trong giờ sản xuất. |
Tăng ca, làm ngoài vẫn thiếu trước, hụt sau
Chị Phan Thị Đường, công nhân Công ty TNHH E-Top Việt Nam (KCN Tiến Hùng, TP.Phú Mỹ) cho biết, sau hơn 10 năm làm công nhân may, mức lương của chị hơn 8 triệu đồng/tháng, bao gồm lương cơ bản, phụ cấp thâm niên, nhà ở, chuyên cần… Tuy nhiên, mỗi tháng trừ tiền nhà trọ, tiền ăn uống và gửi về quê nuôi hai con nhỏ đang được ông bà chăm sóc, chị hầu như không còn dư đồng nào. “Nếu không tăng ca thì khó đủ sống. Có những tháng phát sinh chi phí đột xuất, tôi phải vay mượn thêm. Dù mệt mỏi nhưng không còn lựa chọn nào khác”, chị Đường chia sẻ.
Tương tự, chị Đào Thị Thủy, công nhân Công ty TNHH Eclat Fabrics Việt Nam (KCN Mỹ Xuân A2, TP.Phú Mỹ) - hiện đang sống cùng con nhỏ trong một phòng trọ chật hẹp. Với mức lương hơn 5 triệu đồng/tháng, chị Thủy phải tằn tiện hết mức để duy trì sinh hoạt tối thiểu.
“Giá cả ngày càng đắt đỏ, nhiều lúc cha mẹ ở quê đau ốm mà muốn gửi biếu vài trăm ngàn cũng không đủ. Mong sao có chính sách tăng lương để cuộc sống bớt nhọc nhằn hơn”, chị Thủy nói.
Không chỉ làm tăng ca trong nhà máy, nhiều công nhân còn tìm kiếm thêm công việc bên ngoài để cải thiện thu nhập. Chị Lê Thị Hương, công nhân làm việc tại KCN Đông Xuyên (TP.Vũng Tàu), cho biết, sau giờ tan ca, chị đi giúp việc nhà theo giờ hoặc phụ bán quán ăn. Chồng chị thì chạy xe ôm công nghệ đến 10 giờ đêm dù mắc nhiều bệnh nền. “Dù mệt mỏi, chúng tôi vẫn cố gắng vì còn phải nuôi con và tích cóp chút ít phòng khi về già”, chị Hương chia sẻ.
Theo khảo sát cuối năm 2024 của LĐLĐ tỉnh, mức lương bình quân của người lao động trong doanh nghiệp có trên 51% vốn nhà nước khoảng 10,5 triệu đồng/tháng; trong doanh nghiệp FDI là khoảng 9 triệu đồng/tháng; còn doanh nghiệp tư nhân là 8,5 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, ở một số ngành như may mặc, giày da, chế biến gỗ, thủy sản… mức lương vẫn rất thấp, nhiều doanh nghiệp chỉ trả lương sát mức lương tối thiểu vùng. Thậm chí, đơn hàng ít khiến nhiều nơi không tổ chức tăng ca, hoặc cắt giảm thời gian làm việc, khiến thu nhập người lao động giảm sút nghiêm trọng.
Anh Dương Văn Lý, công nhân Công ty TNHH Sản xuất giày Vĩnh Uy II (KCN Đất Đỏ), cho biết mức lương hiện tại chưa đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu trong bối cảnh giá cả tăng cao. “Chúng tôi phải tính toán, dè sẻn từng khoản chi tiêu nhỏ nhất. Ai cũng mong được tăng lương để lo cho gia đình tốt hơn”, anh Lý nói.
Cần thiết điều chỉnh lương tối thiểu vùng
Từ tháng 8/2024, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (nay là Bộ Nội vụ) đã triển khai điều tra tiền lương, đời sống người lao động làm cơ sở đề xuất tăng lương tối thiểu năm 2025. Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, phần lớn người lao động được khảo sát đều bày tỏ nguyện vọng tăng lương tối thiểu, bởi mức lương hiện tại chưa theo kịp mức sống thực tế.
Khảo sát mới đây của Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam) cho thấy, có hơn 52% người lao động làm thêm giờ, trung bình hơn 10 ngày mỗi tháng. Trong đó, 76,2% người lao động cho biết sẵn sàng làm thêm để tăng thu nhập, với thời gian mong muốn khoảng 47,3 giờ/tháng. |
Đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, việc điều chỉnh lương tối thiểu còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có ý kiến của đại diện người sử dụng lao động, các cơ quan thống kê, tài chính, và cần sự đồng thuận của Hội đồng Tiền lương quốc gia.
Các chuyên gia cho rằng, để đưa ra mức tăng phù hợp, cần căn cứ vào mức sống tối thiểu, tỷ lệ trượt giá và tốc độ tăng năng suất lao động. Việc xác định tỷ lệ điều chỉnh cần đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người lao động và doanh nghiệp, song phải ưu tiên cải thiện đời sống công nhân - lực lượng lao động trực tiếp tạo ra giá trị sản xuất.
Bài, ảnh: ĐÔNG TRÚC