Ngoài việc cắt tỉa, hạ độ cao, các đơn vị quản lý cây xanh trên địa bàn tỉnh đã chủ động triển khai nhiều giải pháp khác nhằm bảo vệ cây xanh cũng như sự an toàn về tài sản và tính mạng cho người dân mùa mưa bão.
![]() |
Công nhân UPC cắt nhánh hạ độ cao cho cây trên đường Hồ Quý Ly, TP.Vũng Tàu. |
Tiềm ẩn nguy cơ gãy đổ
Thống kê của Công ty CP Phát triển Công viên cây xanh và Đô thị Vũng Tàu (UPC) cho thấy, mùa mưa năm 2024, trên địa bàn TP.Vũng Tàu có gần 1.000 trường hợp cây xanh, cành nhánh bị gãy đổ, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người dân.
Các địa phương khác cũng xảy ra hàng loạt vụ cây xanh gãy đổ trong mùa mưa hàng năm. Trong đó có những vụ cây xanh gãy đổ làm tê liệt giao thông hàng giờ đồng hồ. Cụ thể, cuối tháng 10/2024, một trận mưa dông lớn kèm theo gió mạnh, lốc xoáy khiến 5 cây me tây cao lớn trên Quốc lộ 51 đoạn giáp ranh giữa TP.Vũng Tàu và TP.Bà Rịa bị đổ, chắn ngang đường gây nên tình trạng giao thông hỗn loạn.
Cũng đầu mùa mưa 2024, vào tháng 7, trận mưa lớn kèm dông lốc, sấm sét, gió giật mạnh làm 44 cây bằng lăng, me tây, osaka, sao đen… trên địa bàn TP.Phú Mỹ bị bật gốc, gãy đổ. Theo Công ty Công viên cây xanh (thuộc Công ty CP Dịch vụ đô thị Tân Thành), trong môi trường đô thị, không gian sống của cây xanh bị thu hẹp, dễ bị xâm hại. Vì vậy, nhiều cây trên địa bàn TP.Phú Mỹ phát triển cong queo, lệch tán, nghiêng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Tăng cường kiểm tra “sức khỏe” cây xanh
Ông Hoàng Văn Thao, Tổng Giám đốc UPC cho biết, rà soát, cắt tỉa và chặt hạ những cây nguy hiểm là việc làm liên tục và thường xuyên của công ty. Nhằm chủ động ứng phó với nguy cơ cây xanh gãy đổ trong mùa mưa bão, ngay từ đầu năm 2025, UPC đã triển khai kế hoạch kiểm tra, rà soát toàn diện hệ thống cây xanh.
Công tác này bao gồm việc đánh giá thực trạng, phát hiện các cây có dấu hiệu nghiêng, sâu bệnh hoặc cành nhánh khô, dễ gãy để có biện pháp xử lý kịp thời như cắt tỉa, hạ độ cao, giằng néo, chống dựng... “Đến nay, kế hoạch này đã được thực hiện đạt trên 80% khối lượng, dự kiến sẽ hoàn thành toàn bộ trong tháng 6/2025, kịp thời trước cao điểm mùa mưa”, ông Thao nói.
Đối với nhóm cây cổ thụ, vốn có kích thước lớn, tán rộng, tuổi đời cao nên nguy cơ ảnh hưởng khi xảy ra mưa bão là rất lớn, UPC đã kiểm tra, rà soát thường xuyên. Từ đó kịp thời đề xuất UBND TP.Vũng Tàu các biện pháp xử lý theo tình trạng thực tế của từng cây. Qua đó, đảm bảo các cây cổ thụ duy trì được trạng thái sinh trưởng tốt, nâng cao khả năng chống chịu và giảm thiểu tối đa nguy cơ gãy đổ trong mùa mưa bão năm 2025.
Theo thống kê của Sở Xây dựng, trên địa bàn tỉnh có khoảng 140 ngàn cây xanh các loại, phân bố ở hầu hết các tuyến đường, công viên, điểm công cộng, công sở thuộc 7 huyện, thành phố. Việc cắt tỉa, hạ độ cao cây xanh được các địa phương quan tâm thực hiện thường xuyên và liên tục. Tuy nhiên, mùa mưa hàng năm vẫn có hàng ngàn cây xanh bị tét cành, gãy nhánh, gãy đổ. |
Tại TP.Bà Rịa, từ đầu năm đến nay, thành phố đã chủ động cắt tán hạ độ cao cây xanh phòng, chống cây ngã, đổ; có kế hoạch hạ thấp chiều cao đối với cây có rễ ăn ngang, cành nhánh giòn, dễ bật gốc; tỉa thưa vòm tán đối với những cây nặng tán…
Trong khi đó, tại các huyện, phương án phòng, chống cây xanh gãy đổ vào mùa mưa bão 2025 cũng được chủ động thực hiện từ sớm. Theo Phòng Kinh tế hạ tầng và quản lý đô thị huyện Xuyên Mộc, huyện đã phối hợp với đơn vị vận hành quản lý cây xanh đô thị rà soát đánh giá tổng thể, lập kế hoạch cắt tỉa, hạ tán toàn bộ 13.329 cây xanh trên địa bàn.
Ngoài cắt tỉa, hạ độ cao cho cây, các đơn vị đang quản lý duy trì hệ thống cây xanh đô thị còn triển khai lực lượng ứng trực, xây dựng phương án giải tỏa cây xanh gãy, đổ trong mùa mưa bão.
Bài, ảnh: QUANG VŨ