Cai thuốc lá: Quyết tâm luôn là điểm yếu

Thứ Sáu, 23/05/2025, 17:32 [GMT+7]
In bài này
.

Theo khảo sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, hơn 84% người hút thuốc biết rõ tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe, nhưng chỉ khoảng 1/3 trong số này nỗ lực cai thuốc.

Một người hút thuốc đang phải điều trị do các bệnh liên quan đến thuốc lá tại Bệnh viện Vũng Tàu. Ảnh minh họa
Một người hút thuốc đang phải điều trị do các bệnh liên quan đến thuốc lá tại Bệnh viện Vũng Tàu. Ảnh minh họa

Tỷ lệ nhận thức cao, nỗ lực bỏ thuốc còn thấp

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh cho hay, tại Việt Nam, trung bình cứ 2 người trưởng thành có 1 người hút thuốc lá, chiếm tỷ lệ 45,3%. Riêng tại Bà Rịa - Vũng Tàu, cuối năm 2024, CDC tỉnh đã khảo sát thực trạng sử dụng thuốc lá của người dân từ 15 tuổi trở lên. Cuộc khảo sát được tiến hành trên 2.400 người (cả nam lẫn nữ), tại hơn 50 cơ quan, ban ngành, đoàn thể và 30 địa điểm công cộng, công sở.

Kết quả cho thấy, tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên hút thuốc lá là 19,3%; trong đó nam giới chiếm 37,8%, nữ chỉ 0,8%. Tỷ lệ hút thuốc lá điện tử là 1,7%. Dù có đến 84,2% người hút thuốc nhận thức được tác hại đến sức khỏe, nhưng chỉ có 28,9% trong số đó đã từng nỗ lực bỏ thuốc trong vòng 12 tháng qua.

CDC tỉnh đánh giá, tỷ lệ hút thuốc lá thông thường có xu hướng giảm. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc lá điện tử dù đã bị cấm vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt trong nhóm thanh thiếu niên, học sinh. Bên cạnh đó, tình trạng hút thuốc thụ động tại nơi làm việc, nhà hàng, khách sạn, phương tiện giao thông công cộng… vẫn còn phổ biến, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cộng đồng.

CDC tỉnh thông tin thêm, năm 2024, tỷ lệ phơi nhiễm thuốc lá thụ động tại nơi làm việc chiếm 26,7%; cơ quan nhà nước chiếm 29,1%; cơ sở y tế chiếm 22,1%; các trường từ MN đến THPT chiếm 19,9%; trên phương tiện giao thông công cộng chiếm 34,2%; khách sạn chiếm 37,5%; quán cà phê, bar chiếm mức cao 82,4% và nhà hàng chiếm 78,4%.

Lợi ích rõ rệt khi bỏ thuốc lá

Anh H.V.T. (32 tuổi, TP. Phú Mỹ) hút thuốc gần 10 năm, mỗi ngày một gói. Gần đây, khi sức khỏe giảm sút, anh T. đã quyết tâm giảm xuống còn 5-7 điếu/ngày và hướng tới bỏ hoàn toàn. “Tôi thấy rõ ảnh hưởng của thuốc lá tới cơ thể, nên đang tập cai dần”, anh chia sẻ.

Không phải ai cũng có ý thức, quyết tâm và tự giác bỏ hút thuốc như anh T. Nhiều bệnh nhân mắc bệnh nặng, bác sĩ khuyến cáo cần phải chấm dứt việc hút thuốc. Nhưng một số bệnh nhân không tuân thủ, đã làm cho tình trạng bệnh trở nặng hơn. Ông N.S. (79 tuổi, TP. Vũng Tàu), có thâm niên hút thuốc hơn 60 năm, được chẩn đoán mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Ông từng bỏ thuốc theo lời khuyên bác sĩ, sau đó hút trở lại. Từ năm ngoái đến nay, ông phải nhập viện điều trị nhiều lần.

Bác sĩ Đào Thị Thanh Hương (Bệnh viện Bà Rịa) cho biết, thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra hàng loạt bệnh nguy hiểm: viêm phế quản mãn tính, xơ hóa phổi, hen suyễn, bệnh tim mạch, đột quỵ, ung thư... Việc bỏ thuốc không chỉ giúp cải thiện sức khỏe mà còn tiết kiệm chi phí điều trị, bảo vệ môi trường và giảm nguy cơ lây khói thuốc thụ động cho người xung quanh.

Ngành y tế Bà Rịa - Vũng Tàu đang tăng cường phối hợp các đơn vị liên quan để kiểm tra, giám sát thực hiện môi trường không thuốc lá tại nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú du lịch, phương tiện giao thông công cộng… Đồng thời đẩy mạnh truyền thông và các chương trình tư vấn, hỗ trợ cai nghiện thuốc lá trong cộng đồng.

Bài, ảnh: TUỆ LÂM

;
.