Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) dễ trở nặng và gây tử vong, nhất là ở nhóm người cao tuổi. Phần lớn bệnh nhân mắc COPD có tiền sử nghiện hút thuốc lá. Bệnh này không thể chữa trị khỏi hoàn toàn nhưng việc phát hiện sớm, điều trị có thể kiểm soát được các triệu chứng của bệnh, cải thiện tình trạng sức khỏe.
![]() |
Người hút thuốc lá có nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Trong ảnh: Bác sĩ Bệnh viện Vũng Tàu khám cho một trường hợp mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. |
Bệnh dễ nặng ở người cao tuổi
Phòng Cấp cứu 1 của Khoa Nội tổng hợp (Bệnh viện Vũng Tàu) có 5 bệnh nhân. Trong đó, 3 ca mắc COPD, đều là những trường hợp nặng, cần được điều trị và theo dõi chặt chẽ. Điểm chung của các bệnh nhân này đều là người cao tuổi, nghiện hút thuốc lá trong nhiều năm. Từ khi phát hiện bệnh đến nay, họ đã nhiều lần phải vào bệnh viện điều trị, với thời gian kéo dài.
Ông T.N.C. (81 tuổi, ngụ phường 1, TP.Vũng Tàu) mắc COPD từ 10 năm trước. 2 năm nay, bệnh trở nặng. Từ đầu năm đến nay, thời gian ông nằm bệnh viện còn nhiều hơn ở nhà. Có đợt ông nằm viện 45 ngày. Xuất viện được vài hôm, ông C. lại ho, khó thở, đàm nhiều nên phải vào Bệnh viện Vũng Tàu chữa trị. Gần đây nhất, vào ngày 9/5, khi xuất hiện các dấu hiệu của COPD, ông được người thân đưa vào viện điều trị đến nay.
Lần này ông có dấu hiệu bệnh nặng như khó thở và mệt mỏi nhiều nên bác sĩ cho thở máy hỗ trợ hô hấp và điều trị kháng sinh, kháng viêm, giãn phế quản. Sau gần 2 tuần nằm viện, sức khỏe ông C. có chuyển biến hơn, bớt ho và khó thở. Hồi trẻ ông hút thuốc lá nhiều. Khi biết mắc COPD, ông liền bỏ thuốc, nhưng hậu quả của việc hút thuốc lâu năm vẫn kéo dài, làm cho sức khỏe của ông ngày càng sa sút.
Một trường hợp khác là ông P.K.L. (60 tuổi, ngụ phường 4, TP.Vũng Tàu) vừa trải qua đợt cấp COPD. May mắn bệnh nhân được phát hiện, đưa vào viện kịp thời nên không nguy hiểm đến tính mạng. Ông L. vào viện trong tình trạng khó thở, thở co kéo, viêm phổi ứ khí do bội nhiễm mức độ nặng, gây biến chứng suy hô hấp. Sau một ngày được thở máy và dùng thuốc điều trị nhiễm trùng, kháng viên, sức khỏe người bệnh cải thiện đáng kể.
Từ bỏ thuốc lá sẽ hạn chế mắc bệnh
Bác sĩ Trần Thị Huế, Khoa Nội tổng hợp (Bệnh viện Vũng Tàu) lý giải, trong khói thuốc lá chứa khoảng 4.000 thành phần và chất độc hại gây nguy hại cho cơ thể, nhất là chất Nicotin. Những chất này là yếu tố gây ra các bệnh lý mãn tính không lây nhiễm như tim mạch, huyết áp, tiểu đường, mỡ máu và điển hình là COPD.
COPD có nhiều dấu hiệu điển hình như: ho kéo dài, ho khạc đờm; khó thở, thở gấp; thở khò khè, mệt mỏi; ngực có cảm giác thắt chặt, đau… Khi mới có biểu hiện này người bệnh nên đi khám để bác sĩ cho định hướng điều trị dứt điểm. Nếu người bệnh chủ quan, bỏ qua những dấu hiệu ban đầu, nhất là không được điều trị sớm, bệnh sẽ ngày càng một nặng hơn theo thời gian.
COPD dễ gặp ở người lớn tuổi. Mỗi ngày, Khoa Nội tổng hợp (Bệnh viện Vũng Tàu) có khoảng 70 ca bệnh. Trong đó, số bệnh nhận COPD chiếm 30-40%. Khoảng 90% nguy cơ cao mắc bệnh này xuất phát từ việc hút thuốc lá, hít khói thuốc lá lâu dài. Ngoài ra, người tiếp xúc với khói hóa chất, bụi bặm, ô nhiễm môi trường, bị suy hô hấp cũng dễ mắc bệnh. Đáng lo ngại, tỷ lệ bệnh nhân mắc COPD cao, nhưng bệnh chưa điều trị khỏi hoàn toàn. Việc chữa trị có ý nghĩa kiểm soát bệnh hiệu quả, phòng gây ra các biến chứng nguy hiểm. |
Đặc biệt, người bệnh có thể rơi vào các đợt cấp COPD bất cứ lúc nào, gây nguy cơ tử vong cao nếu không được phát hiện và điều trị nhanh chóng. Khi bệnh nặng, COPD có khả năng gây ra các biến chứng nguy hiểm. Ở giai đoạn này, người bệnh có nhịp tim nhanh, gây rối loạn nhịp tim, dẫn đến suy tim; gây ra áp suất cao trong các mạch đưa máu đến phổi của người bệnh gây tăng áp phổi, tăng huyết áp; nhiễm trùng hô hấp, gây suy hô hấp, làm giảm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Bác sĩ Trần Thị Huế cho biết thêm, phần lớn bệnh nhân COPD ở khoa là những người từng hút thuốc lá và đang hút. Không chỉ người già, nhiều trường hợp khoảng 40 tuổi đã bị COPD. Vì thế, việc không hút thuốc lá sẽ hạn chế các nguy cơ mắc COPD. Người được chẩn đoán mắc COPD cũng phải từ bỏ thuốc lá, nhằm góp phần phục hồi một phần nào đó chức năng phổi, làm chậm quá trình diễn tiến nặng của bệnh. Người bệnh cần theo dõi sức khỏe chặt chẽ, tái khám định kỳ theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Bài, ảnh: TUỆ LÂM