Rác thải sinh hoạt được phân loại triệt để, rác tái chế được GV-HS biến thành dụng cụ học tập, bán ve chai quyên góp giúp đỡ học sinh khó khăn… là những mô hình giảm nhựa mà Trường THCS Lê Hồng Phong (huyện Côn Đảo) - trường học sinh thái đầu tiên tại Bà Rịa - Vũng Tàu đã thực hiện thành công trong 5 năm qua.
![]() |
Giáo viên và học sinh Trường THCS Lê Hồng Phong trong tiết học mỹ thuật với các sản phẩm được làm từ rác tái chế. |
Giảm nhựa, tăng tái chế
Phòng học rộng chừng 30m2 nhưng lớp 9B, Trường THCS Lê Hồng Phong (huyện Côn Đảo) ngập tràn các tác phẩm nghệ thuật từ đèn lồng, đèn ngủ, tranh treo tường đến hộp đựng bút… được làm từ rác tái chế.
Bức tranh người phụ nữ mặc áo dài thướt tha treo trên tường đặc biệt ấn tượng không chỉ bởi độ sắc nét, tinh tế mà còn ở chính vật liệu làm nên bức tranh là những lá bàng khô. Em Hồ Thế Vinh, HS lớp 9B, tác giả của bức tranh cho biết, những năm qua em đã làm rất nhiều các sản phẩm từ rác tái chế như đèn ngủ, đèn trần trang trí, chậu cây, kệ đựng sách vở, tranh treo tường, hộp bút… Nhiều sản phẩm sử dụng ở nhà hoặc mang lên lớp trưng bày tại phòng học mỹ thuật. “Thông qua các sản phẩm này, em muốn lan tỏa thông điệp, các vật dụng đều có vòng tuần hoàn, có thể tái chế và tái sử dụng ngay cả khi nó đã rụng xuống, khi ăn xong, uống hết…”, Vinh nói.
Trên kệ trưng bày mỹ thuật của lớp học còn có hàng trăm sản phẩm khác được HS khéo léo làm từ các vật dụng tưởng chừng chỉ có thể vứt bỏ. Đó là những chiếc lồng đèn, chuông gió được làm từ vỏ ốc, vỏ sò; bức tranh được làm từ vỏ trứng; kệ sách được gắn từ những que kem…
Cô Lê Thị Thanh Tuyền, GV môn nghệ thuật Trường THCS Lê Hồng Phong cho biết, từ năm học 2020-2021 đến nay, cán bộ - giáo viên của trường thường xuyên hướng dẫn HS cách giảm nhựa trong trường học bằng cách tái chế một số loại rác thải thành vật dụng trang trí, đồ dùng học tập hữu ích… “Từ đó, các em phát triển kỹ năng tạo hình, tận dụng các vật dụng tái chế để bảo vệ môi trường. Đặc biệt, các em đã hình thành thói quen giảm nhựa, giảm rác thải ra môi trường”, cô Tuyền cho hay.
![]() |
Học sinh Trường THCS Lê Hồng Phong đóng góp rác tái chế cho mô hình “Ngôi nhà xanh”. |
Giúp trường học trở nên sinh thái hơn
Ngoài các mô hình tái chế, phân loại rác tại nguồn, Trường THCS Lê Hồng Phong còn tổ chức nhiều mô hình, hoạt động nhằm giảm nhựa, bảo vệ môi trường như: CLB xanh; thư viện xanh; chăm sóc vườn cây xanh; thay thế các sản phẩm dùng một lần bằng các sản phẩm có thể tái sử dụng nhiều lần; tận dụng các đồ dùng cũ, hỏng để làm thành đồ dùng học tập, trang trí lớp học, dụng cụ giảng dạy…
Ông Lê Trúc Thanh Tùng, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Hồng Phong cho biết, các hoạt động ngoại khóa ngoài trời được giáo viên nhà trường tích hợp giảng dạy lồng ghép giáo dục môi trường trong các môn học như: hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp, các tiết sinh hoạt dưới cờ, giáo dục công dân, công nghệ, lịch sử và địa lý, ngữ văn, giáo dục địa phương.
Kết quả sau khi áp dụng vào tiết học cho thấy thái độ, ý thức học tập của HS tốt hơn đặc biệt là những hành động được thực hiện thiết thực như: vệ sinh lớp học, có ý thức tự giác trong việc phân loại rác, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, nói không với việc sử dụng túi ni lông, tiết kiệm nước…
"Việc xây dựng trường học sinh thái tại Trường THCS Lê Hồng Phong tại huyện Côn Đảo không chỉ mang tính chất vật chất mà còn thể hiện định hướng giáo dục bền vững, hòa mình vào thiên nhiên và bảo vệ môi trường nơi biển đảo xa xôi của Tổ quốc", ông Tùng nói.
Tháng 12/2024, Trường THCS Lê Hồng Phong được Bộ Tài nguyên - Môi trường và Quỹ Vì tương lai xanh trao tặng danh hiệu “Trường học sinh thái ASEAN Việt Nam năm 2024”. Giải thường này nhằm tôn vinh, khen thưởng các trường học có thành tích trong các hoạt động giáo dục bảo vệ môi trường, qua đó tuyên truyền, giới thiệu các mô hình trường học sinh thái, lan tỏa các giải pháp bảo vệ môi trường trong học đường tại Việt Nam và kết nối với ASEAN.
Bài, ảnh: QUANG VŨ