.

Tiếp sức cho học sinh nghèo ở xã Bình Châu

Cập nhật: 17:12, 08/04/2025 (GMT+7)

Chương trình “Đỡ đầu trẻ mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn” do Ban Thường vụ Đảng ủy xã Bình Châu (huyện Xuyên Mộc) triển khai đã tạo điều kiện cho nhiều học sinh nghèo tiếp tục đến trường.

Ban điều hành ấp Khu 1, xã Bình Châu đến thăm hỏi gia đình các học sinh trong chương trình “Đỡ đầu trẻ mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”.
Ban điều hành ấp Khu 1, xã Bình Châu đến thăm hỏi gia đình các học sinh trong chương trình “Đỡ đầu trẻ mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”.

Không để trẻ thất học

Gia đình bà Thị Cúc (tổ 8, ấp Khu 1, xã Bình Châu) sống tại căn nhà nhỏ cấp 4 đã xuống cấp, diện tích khoảng 30m2. Đây là nơi sinh hoạt của 7 nhân khẩu gồm cha, vợ chồng bà Cúc cùng 4 người con.

Nhà chật, con đông, công việc của hai vợ chồng không ổn định đã khiến cuộc sống của gia đình bà Cúc gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Không những thế, vợ chồng bà phải chăm sóc thêm người cha bị tai biến, nằm liệt giường. Do thu nhập bấp bênh chỉ đủ chi phí sinh hoạt nên vợ chồng đành để con trai lớn là cháu Huỳnh Anh Kiệt (SN 2017) nghỉ học 1 năm.

Nắm bắt được hoàn cảnh của gia đình, Đảng ủy xã Bình Châu đã rà soát, đưa cháu Kiệt vào danh sách hỗ trợ của chương trình “Đỡ đầu trẻ mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”. Cùng với đó, Ban điều hành ấp Khu 1 phối hợp với người dân vận động hỗ trợ quần áo, sách vở để Kiệt có thể đến trường.

“Con tôi được đến trường, học tập như bao trẻ khác là nhờ vào sự giúp đỡ của thôn ấp, chính quyền địa phương”, bà Cúc xúc động nói.

Tương tự, em Thái Thị Hồng Vân hiện đang học lớp 11 Trường THPT Bưng Riềng, cũng thuộc trường hợp được hỗ trợ trong chương trình “Đỡ đầu trẻ mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn” của Đảng ủy xã Bình Châu.

Gia đình em Vân gặp biến cố vào năm 2019, người cha tử vong trong chuyến đi biển đánh bắt thủy sản. Từ đó đến nay, bà Nguyễn Thị Thu Sương (mẹ của Vân) trở thành trụ cột gia đình, vừa lo toan kinh tế, vừa nuôi dạy 2 con gái đang học tại trường THPT Bưng Riềng . Để có tiền lo cho các con ăn học, có những ngày bà Sương phải làm việc đến tận khuya mới về. Trước hoàn cảnh khó khăn ấy, chính quyền địa phương đã kịp thời quan tâm, đưa em Vân vào danh sách hỗ trợ của chương trình, từ đó giảm bớt gánh nặng trên vai bà Sương.

“Vì nhà nghèo nên hai chị em đều cố học thật giỏi để mẹ không lo lắng quá nhiều và trở thành niềm an ủi của mẹ. Em rất vui vì được địa phương hỗ trợ chi phí học tập, từ đó sẽ giúp mẹ em đỡ vất vả hơn, em cũng có cơ hội tiếp tục đến trường”, Hồng Vân chia sẻ.

Lá lành đùm lá rách

Theo bà Lý Thị Sáng, Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Khu 1, xã Bình Châu, trên địa bàn ấp vẫn còn một số hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, một số trẻ có nguy cơ không được đến trường. Trong đó, trường hợp cháu Kiệt được địa phương đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện đến trường. Ngoài hỗ trợ theo chương trình “Đỡ đầu trẻ mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”, các mạnh thường quân trên địa bàn xã và ấp cũng nhiều lần hỗ trợ dụng cụ học tập cho cháu Kiệt cũng như nhu yếu phẩm cho gia đình bà Cúc.

“Ban điều hành ấp thường xuyên vận động gia đình cho các cháu được đến trường, các chi phí học tập khác sẽ do ấp cùng mạnh thường quân chung tay hỗ trợ. Chúng tôi cũng phối hợp với địa phương tìm thêm nhiều nguồn kinh phí để chăm lo đời sống cho các hộ nghèo khó”, bà Sáng cho biết.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quốc Khanh, Bí thư Đảng ủy xã Bình Châu cho biết, chương trình “Đỡ đầu trẻ mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn” được Ban Thường vụ Đảng ủy xã xây dựng kế hoạch triển khai từ năm 2024 đến nay, nhằm kịp thời chia sẻ, giúp đỡ chi phí học tập để học sinh nghèo được đến trường, phát huy truyền thống “lá lành đùm lá rách” của dân tộc Việt Nam.

Đến nay, chương trình đã được mở rộng ra các chi bộ trên địa bàn xã Bình Châu với số lượng 22 học sinh được nhận hỗ trợ, với số tiền 6 triệu đồng/học sinh/năm học. Ngoài ra, địa phương còn rà soát hoàn cảnh các em học sinh để vận động hỗ trợ thêm sách vở, quần áo, xe đạp.

“Chương trình có ý nghĩa nhân văn, thiết thực, vừa giúp các hộ gia đình giảm gánh nặng kinh tế, vừa tạo điều kiện cho các em tiếp tục đến trường. Thời gian tới, địa phương tiếp tục nhân rộng chương trình và phối hợp với các ấp, trường học xét chọn đúng đối tượng, đúng hoàn cảnh”, ông Nguyễn Quốc Khanh nói.

Bài, ảnh: TRẦN TIẾN

.
.
.