Tật khúc xạ phổ biến ở lứa tuổi học đường

Thứ Sáu, 25/04/2025, 16:02 [GMT+7]
In bài này
.

Tật khúc xạ (TKX) có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến nhất ở nhóm từ 11 đến 15 tuổi, trong đó cận thị chiếm hơn 80%. TKX ở trẻ em ảnh hưởng đến việc học tập, sinh hoạt và nếu không được điều chỉnh để mắt trở về trạng thái thoải mái, có thể dẫn đến các biến chứng về mắt.

Bác sĩ Bệnh viện Mắt tỉnh kiểm tra thị lực cho học sinh Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (TP.Vũng Tàu).
Bác sĩ Bệnh viện Mắt tỉnh kiểm tra thị lực cho học sinh Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (TP.Vũng Tàu).

Vì sao gây tật khúc xạ?

Khoảng một năm trước, em Biện Thị Thanh Thủy, học sinh lớp 8/6 (Trường THCS Nguyễn Gia Thiều, TP.Vũng Tàu) cảm thấy mắt bị mờ. Em được gia đình đưa đi khám mắt và bác sĩ tư vấn cắt kính cận để giúp em nhìn rõ hơn. Tuy nhiên, ba em cho rằng mắt mới cận nhẹ nên không cần đeo kính. Mới đây, khi Bệnh viện Mắt tỉnh về trường khám sàng lọc, kết quả đo thị lực cho thấy mắt trái của em đạt 5/10, mắt phải 8/10. Bác sĩ tiếp tục chỉ định em phải đeo kính cận. “Mắt bị mờ, nhìn không rõ khiến em cảm thấy khó chịu khi học. Kỳ này em sẽ đeo kính để không bị tăng độ, giúp việc học và sinh hoạt thuận lợi hơn”, Thủy chia sẻ.

Trong khi đó, nhiều học sinh khác dù đã đeo kính cận nhưng mắt vẫn bị mờ, nhìn mọi vật không rõ. Nguyên nhân là do đeo kính sai độ mà các em không hề hay biết. Em Đỗ Văn Phát (12 tuổi, phường 12, TP.Vũng Tàu) cho biết: “Em có đeo kính, nhưng khi nhìn lên bảng vẫn thấy chữ bị mờ và nhòe. Em không biết vì sao, mãi đến khi đi khám lại gần đây, bác sĩ mới phát hiện em bị tăng độ cận do đeo kính sai độ”.

Hai trường hợp nêu trên là tình huống phổ biến ở lứa tuổi học đường. Những học sinh này thường xuyên sử dụng thiết bị điện tử như điện thoại, tivi, máy tính không đảm bảo ánh sáng hoặc để quá gần mắt, dẫn đến cận thị.

Theo các bác sĩ, có hai nhóm nguyên nhân chính gây TKX. Thứ nhất là do bẩm sinh, thường liên quan đến yếu tố di truyền, gia đình và chủng tộc. Thứ hai là do yếu tố mắc phải, xuất phát từ quá trình học tập, làm việc và các thói quen không hợp lý như nhìn gần quá lâu, ngồi sai tư thế, thiếu ánh sáng, bàn ghế không phù hợp, lạm dụng thiết bị điện tử như xem tivi, dùng máy tính, điện thoại quá nhiều…

Phòng tránh tật khúc xạ

Bác sĩ Nguyễn Viết Giáp, Giám đốc Bệnh viện Mắt tỉnh cho biết, biểu hiện chính của TKX là nhìn mờ. Trong đó, cận thị làm giảm thị lực khi nhìn xa, còn viễn thị và loạn thị thì làm mờ cả khi nhìn xa lẫn nhìn gần. Các triệu chứng khác như mỏi mắt, nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, viết chữ không thẳng hàng, kết quả học tập giảm sút.

Người bị TKX buộc phải điều chỉnh để mắt trở về trạng thái thoải mái, hạn chế tăng độ và ngăn ngừa các biến chứng. Phương pháp phổ biến nhất là đeo kính gọng. Ngoài ra, có thể dùng kính tiếp xúc mềm (áp sát giác mạc) hoặc kính cứng chỉnh hình giác mạc ban đêm. Mỗi phương pháp đều có ưu và nhược điểm riêng, người bị TKX cần cân nhắc kỹ khi lựa chọn. Đối với người trên 18 tuổi, có thể phẫu thuật bằng Laser Excimer để điều trị.

Bác sĩ Giáp cho rằng, trẻ bị TKX nếu không đeo kính sẽ thiệt thòi hơn người bình thường vì không thể nhìn rõ, chất lượng thị giác và cuộc sống giảm đi. Mắt phải điều tiết liên tục khiến trẻ dễ bị nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, lé mắt và tăng độ nhanh. Một số trẻ bị cận nặng có thể gặp các biến chứng như đục pha lê thể, hiện tượng “ruồi bay”, thoái hóa hắc võng mạc và nguy hiểm nhất là bong võng mạc dẫn đến mù lòa. Những trường hợp cận nặng còn có thể bị tân mạch võng mạc. Hiện nay đã có thuốc tiêm nội nhãn để điều trị tình trạng này, nhưng chi phí khá cao.

Để bảo vệ mắt và phòng tránh TKX cho học sinh, cần học tập ở nơi đủ ánh sáng, tốt nhất là ánh sáng tự nhiên hoặc ánh sáng trắng. Góc học tập nên đặt gần cửa sổ, không đọc sách nơi thiếu sáng, khi đi tàu xe, khi nằm hoặc quỳ. Tư thế ngồi học đúng là lưng thẳng, hai chân khép, đặt trên nền nhà, đầu cúi khoảng 10-15 độ, khoảng cách từ mắt đến sách vở là 30-35cm. Nên có chế độ học tập và vui chơi ngoài trời hợp lý để mắt được điều tiết giữa nhìn gần và nhìn xa. Thời gian xem tivi, chơi điện tử không quá 2 giờ mỗi ngày. Khi ra ngoài trời nắng, nên đeo kính râm chống tia cực tím.

Các phương pháp kiểm soát tiến triển của cận thị gồm: sử dụng thuốc Atropine nồng độ thấp; đeo kính chỉnh hình ban đêm; đeo kính chuyên dụng đa điểm; tích cực tham gia các hoạt động ngoài trời để cân bằng giữa việc nhìn gần và nhìn xa.

Ngoài ra, học sinh cần có chế độ dinh dưỡng tốt cho mắt: ngủ từ 8-10 giờ/ngày, ăn nhiều rau xanh, trái cây, sữa tươi, uống đủ nước. Phụ huynh nên đưa trẻ đi kiểm tra mắt khi có các biểu hiện nghi ngờ như dụi mắt, nheo mắt, nghiêng đầu, cúi sát tập vở… để kịp thời phát hiện và điều chỉnh TKX.

“Khi đã bị TKX, trẻ cần đeo kính thường xuyên để hạn chế tăng độ; nên kiểm tra mắt định kỳ 6 tháng/lần để thay kính, dù có thể trẻ vẫn nhìn rõ nhưng kính đã hết tuổi thọ”, bác sĩ Giáp khuyến cáo.

Bài, ảnh: TUỆ LÂM

;
.