Nói với con điều chưa bao giờ dễ
Làm cha mẹ, ai cũng mong có thể dễ dàng kết nối và trò chuyện sâu sắc với con cái. Thay vì căng thẳng, hiểu lầm, cha mẹ có thể xây dựng một cầu nối vững chắc dựa trên sự thấu hiểu và tôn trọng.
Chị Ngọc Mai (TP.Vũng Tàu) có con gái đang học lớp 10, từng rơi vào tình huống trên. Con gái chị ngoan ngoãn, học hành tạm ổn, nhưng bắt đầu mơ mộng và có cảm tình với một bạn trai cùng lớp. Chị không cấm đoán, nhưng cũng không khỏi lo lắng. Chị chọn cách kín đáo nhờ thầy chủ nhiệm để ý và khéo léo định hướng cho con.
Không ngờ, mỗi lần vào lớp học thêm, thầy lại nhắc công khai: “Em lo học đi, đừng yêu đương vớ vẩn”. Những câu tưởng như nhắc nhẹ ấy, với một cô bé mười lăm tuổi lại như những vết cắt khiến con xấu hổ. Không phản ứng gì, con gái chị chỉ lặng lẽ xin nghỉ học thêm môn Toán. Mãi sau này, con mới kể cho mẹ nghe lý do.
Chị Mai nghe mà chùng lòng. Chị nghiệm ra rằng, cha mẹ dù thương con đến đâu, đôi khi vẫn cần tinh tế và thấu cảm. Bởi một lời vô ý cũng có thể khiến con khép lòng, đánh mất sự tự tin, và thu mình lại.
Tuổi mới lớn là tuổi dễ yêu, dễ giận, và cũng dễ tổn thương nhất. Khi cảm thấy mình bị hiểu lầm, con cái có thể phản ứng mạnh. Nhưng phía cha mẹ, sự lo lắng không bao giờ là thừa. Vấn đề chỉ là cách thể hiện ra sao để tình thương ấy không biến thành áp lực.
Chị Nguyễn Hoàng Phương (TP.Bà Rịa) chia sẻ, điều khó nhất không phải là cấm đoán mà là làm sao để lắng nghe mà không trở thành người xét xử. Mỗi lần con sai, con quên học bài, nói dối đi chơi hoặc cãi mẹ, đứa bé thường lớn tiếng phản ứng: “Mẹ không hiểu gì con cả”. Nhưng thay vì giận dữ hay áp đặt, chị bình tĩnh nói: “Con sai rồi. Nếu con nghĩ mẹ không hiểu con thì con đang nói ngược. Vì mẹ từng là con trước khi làm mẹ. Những cảm xúc mà con đang trải qua bây giờ, mẹ đã từng đi qua. Mẹ biết nó ra sao, mẹ hiểu vì mẹ cũng từng như con”. Những lời ấy, ban đầu con chưa chắc chịu lắng nghe, nhưng theo thời gian, gieo vào lòng con một hạt giống của sự thấu hiểu.
Theo các chuyên gia tâm lý, để “nói với con thật dễ”, các bậc phụ huynh cần thực hiện những điều sau:
Hãy dành trọn vẹn sự chú ý khi con nói, không ngắt lời, không vội vàng đưa ra lời khuyên hay phán xét. Hãy để con cảm thấy những điều con nói là quan trọng.
Cố gắng hình dung thế giới quan và những áp lực mà con đang phải đối mặt. Sự thấu cảm giúp bạn hiểu được động cơ và cảm xúc của con.
Tránh những lời lẽ tiêu cực, chỉ trích hay so sánh con với người khác. Thay vào đó, hãy sử dụng những lời động viên, khích lệ và thể hiện sự tin tưởng vào khả năng của con.
Ngôi nhà cần là nơi con cảm thấy thoải mái chia sẻ mọi suy nghĩ, cảm xúc mà không sợ bị trừng phạt hay đánh giá. Hãy tạo ra những khoảnh khắc trò chuyện tự nhiên, không gượng ép.
Đôi khi, việc chia sẻ những kinh nghiệm tương tự của bạn trong quá khứ có thể giúp con cảm thấy được đồng cảm và dễ dàng mở lòng hơn. Hãy kể những câu chuyện một cách chân thành và phù hợp với lứa tuổi của con.
Giao tiếp là một quá trình. Đừng nản lòng nếu không thấy kết quả ngay lập tức. Hãy kiên nhẫn xây dựng mối quan hệ tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau.
Mỗi đứa trẻ là một cá thể độc lập với những suy nghĩ và cá tính riêng. Hãy tôn trọng điều đó và tránh áp đặt con phải trở thành bản sao của bạn.
AN NHẬT