Nhiều người vẫn gọi các y, bác sĩ ở Trung tâm Điều dưỡng thương binh và người có công Long Đất là những thầy thuốc đặc biệt. Công việc lặng thầm, chịu nhiều áp lực nhưng họ luôn nỗ lực để chăm sóc sức khỏe cho các thương, bệnh binh như những người thân trong gia đình.
![]() |
Bác sĩ Trần Thị Nhung, Khoa Tâm thần, Trung tâm Điều dưỡng thương binh và người có công Long Đất kiểm tra sức khỏe cho thương binh. |
Môi trường làm việc đặc biệt
Buổi thăm khám sức khỏe của các thương, bệnh binh Trung tâm Điều dưỡng thương binh và người có công Long Đất rất đặc biệt. Ông Tống Đức Bình, Giám đốc trung tâm cho biết, điều trị cho bệnh nhân bình thường đã vất vả, chăm sóc bệnh nhân là thương, bệnh binh bị di chứng chiến tranh dẫn đến rối loạn tâm thần còn khó hơn. Nhiều người không tự chủ được sinh hoạt, các y, bác sĩ phải chăm sóc từ miếng ăn, giấc ngủ đến vệ sinh cá nhân hằng ngày.
“Bệnh nhân điều trị ở các nơi khác có người nhà hỗ trợ chăm sóc còn bác sĩ, điều dưỡng và hộ lý ở trung tâm phải kiêm nhiệm tất cả. Việc chăm sóc cho những thương, bệnh binh có vấn đề tâm thần cũng đòi hỏi người thầy thuốc phải có tinh thần “thép”, sự hy sinh, cống hiến cho nghề nghiệp của mình”, bác sĩ Bình chia sẻ.
Bác sĩ Trần Thị Nhung, Khoa Tâm thần vừa nhẹ nhàng luồn ống kiểm tra huyết áp vào tay bệnh nhân, vừa hỏi: “Bác hôm nay ăn cơm có ngon không? Bác đã uống thuốc chưa?”. Trong câu chuyện ấm áp ấy, các cô, chú thương, bệnh binh ở khoa đều cảm nhận được tình cảm bác sĩ Nhung dành cho mình. Hơn 23 năm gắn bó với công việc ở khoa đủ để bác sĩ Nhung thấm thía, chiêm nghiệm những buồn vui của nghề với sứ mệnh đặc biệt khi chăm sóc thương binh, bệnh binh có vấn đề về thần kinh.
Chị Nhung kể mỗi ngày, ngoài việc khám bệnh, theo dõi sức khỏe cho từng thương, bệnh binh ở khoa, chị còn cùng các y tá, hộ lý chăm lo từ bữa ăn đến giấc ngủ cho họ. Đồng thời, chị phải luôn phải theo dõi để phát hiện các hiện tượng bất thường về sức khỏe hay những vấn đề khác của thương, bệnh binh để điều trị theo phác đồ riêng.
Bác sĩ Nhung cho biết, y, bác sĩ của khoa thường xuyên đối diện với biểu hiện mất kiểm soát hành vi của các cô, chú. Hồi mới vào trung tâm, chưa có kinh nghiệm trong chăm sóc bệnh nhân, chị thường xuyên bị các cô, chú la mắng do lên cơn rối loạn. “Chứng kiến những cơn đau cả về thể chất và tinh thần ấy, tôi càng thấu hiểu nỗi đau, sự hy sinh của các cô chú và càng thương họ nhiều hơn. Tôi chọn gắn bó ở nơi đây với một mong muốn được chăm sóc, bù đắp phần nào những mất mát, khổ đau mà các bác, các cô chú phải chịu đựng”, chị Nhung nói.
Ấm áp tình người
Trung tâm Điều dưỡng thương binh và người có công Long Đất đang chăm sóc, điều dưỡng cho gần 50 thương, bệnh nặng - hạng1/4, tỷ lệ thương tật trên 81% đến từ các tỉnh, thành phía Nam. Khoa Thần kinh là một khoa đặc biệt được thành lập từ năm 2003. Khoa có 7 người gồm 1 bác sĩ, 2 y tá, 4 hộ lý trực tiếp chăm sóc cho 15 thương, bệnh binh. Môi trường làm việc vất vả và đặc thù nhưng các y, bác sĩ vẫn không quản ngại.
Trong câu chuyện nghề, nữ hộ lý Lê Thị Hạnh, Khoa Thần kinh kể khiến nhiều người khâm phục và yêu mến. Tuổi nghề của chị Hạnh gần như lâu nhất ở trung tâm với 32 năm. Bằng tình thương, trách nhiệm, chị Hạnh luôn chăm sóc cho các thương, bệnh binh như người thân của mình. Nhìn những ánh mắt vô hồn, cơn la hét, đập phá đồ đạc của bệnh nhân ban đầu chị cũng thấy sợ nhưng khi thấu hiểu những mất mát, đau đớn các thương, bệnh binh phải gánh chịu, chị Hạnh càng thương và chăm sóc họ như người thân.
Hộ lý Lê Thị Hạnh cho biết, để chăm sóc cho các thương binh tâm thần, áp lực rất lớn bởi mỗi người không chủ động được trong hành vi của mình. “Ở đây, các cô, chú gần như chỉ có chúng tôi là người thân săn sóc hàng ngày. Là thế hệ trẻ được lớn lên trong hòa bình, tôi cảm nhận được sứ mệnh của mình trong việc chăm sóc, bù đắp những tổn thương, mất mát ấy đối với các thương, bệnh binh”, chị Hạnh chia sẻ.
Anh Quách Văn Thịnh, y tá Khoa tâm thần đã gắn bó với khoa 14 năm. Anh quyết định gắn bó với nơi này vì muốn được đền đáp công ơn của các cô, chú-những người đã dành trọn tuổi xuân cho độc lập dân tộc. Niềm vui anh đơn giản là khi thấy các cô, chú khỏe mạnh, ít bị những cơn đau hành hạ.
Ông Tống Đức Bình, Giám đốc Trung tâm điều dưỡng thương binh và người có công Long Đất cho biết thêm: “Đội ngũ y tế của Khoa Tâm thần chăm sóc các thương, bệnh binh như người nhà, thấu hiểu tình trạng bệnh tật và thấu hiểu tâm tư, tình cảm cũng như tính cách từng người. Mỗi bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý đều tận tâm, tận lực chăm sóc thương, bệnh binh với tất cả tình thương và trách nhiệm”.
Bài, ảnh: NHÃ UYÊN