Lau kính trên các tòa nhà cao tầng là một trong những công việc cực nhọc và nguy hiểm. Công nhân phải đu dây như “người nhện” ở độ cao cả trăm mét để làm sạch kính, bề mặt tòa nhà cao tầng.
![]() |
Những “người nhện” thả dây trên một tòa nhà cao tầng để bắt đầu công việc lau kính. |
7h sáng, từ tầng 18 của khách sạn Premier Vũng Tàu (69 Thùy Vân, TP.Vũng Tàu), anh Lê Văn Hiệu tìm các trụ vững chắc để buộc dây thừng. Sau khi kiểm tra độ an toàn của dây, anh Hiệu đeo dây an toàn vào người và mang theo đồ nghề lau kính như dây, ghế đu, đồ hít kính, khóa an toàn, đai bảo vệ toàn thân, dụng cụ lau rửa, dung dịch tẩy rửa... 7h30, từ tầng 18 anh Hiệu thả dây, bắt đầu làm nhiệm vụ.
Năm nay 27 tuổi, anh Hiệu đã có 9 năm làm nghề lau kính trên các tòa nhà cao tầng. “Chỉ một sơ suất nhỏ, người lao động có thể phải trả giá đắt, có thể là cả tính mạng. Do đó, an toàn là yếu tố quan trọng hàng đầu”, anh Hiệu nói.
Sau anh Hiệu, các công nhân khác cũng thả dây, đu mình trên những tấm kính lớn, vừa lau chùi, vừa vệ sinh từng bề mặt kính. Anh Nguyễn Hải Tùng (35 tuổi) trải qua gần 15 năm gắn bó với nghề cho biết, những người muốn theo nghề này trước hết phải can đảm, không sợ độ cao, bình tĩnh thì mới có thể trụ được với nghề. “Mặc dù thu nhập cao (khoảng 30-50 triệu đồng/tháng) nhưng không phải ai cũng làm được bởi nghề này vất vả và nguy hiểm. Để theo nghề, “người nhện” phải trải qua các lớp đào tạo chứng chỉ hành nghề. Khi mới vào nghề, tôi chỉ làm các tòa nhà thấp có độ cao trung bình khoảng 4-7 tầng, sau khi đã quen việc thì nâng độ cao dần. Đến nay, tôi có thể làm việc ở những tòa nhà cao 50-60 tầng”, anh Tùng kể.
Trong quá trình làm việc, công nhân lau kính trên các tòa nhà cao tầng thường bị ảnh hưởng từ yếu tố thời tiết. Mùa khô thì dễ bị mất sức, cảm do nắng. Vì vậy, những “người nhện” thường phải có sức khỏe tốt, có sự can đảm mới đảm nhận được công việc này.
![]() |
Công việc của những “người nhện” dù có thu nhập cao nhưng rất vất vả và nguy hiểm. |
Theo tính toán của những “người nhện”, mỗi m2 kính phải lau trong vòng 2-5 phút. Trong lúc làm vệ sinh kính, công nhân cũng phải làm thật kỹ tất cả các góc cạnh. Thời tiết lý tưởng cho công việc này là những hôm trời râm mát, lặng gió nhưng số lượng ngày làm việc lý tưởng ấy rất hiếm hoi. “Gặp hôm nắng gắt thì làm một xíu là mệt mỏi vì nắng. Có lần, tôi lau ở tòa nhà 40 tầng mà không có chỗ bám, gió quá mạnh nên bị thổi bạt ngang gần chục mét. Nắng gió là những sự cố hay gặp nhất của nghề này”, anh Nguyễn Văn Huynh, một công nhân lau kính tòa nhà cao tầng cho biết.
Cũng theo anh Huynh, mỗi ngày công nhân lau kính làm việc 8-10 tiếng như những công việc khác nhưng mệt mỏi hơn rất nhiều. “Với những công trình được ốp hoàn toàn bằng kính thì việc lau chùi khá đơn giản. Những tòa nhà xây có gờ thì lau dọn khó khăn hơn. Thời gian để vệ sinh sạch kính của một tòa nhà tùy vào kích thước và quy mô mà có thể kéo dài từ 2-3 ngày có khi là cả tuần đối với những tòa nhà lớn”, anh Huynh cho biết.
Bà Phạm Thị Hảo, Giám đốc Công ty TNHH Nhà sạch Vũng Tàu nhìn nhận, lau kính trên các tòa nhà cao tầng là một nghề trong dịch vụ vệ sinh công nghiệp. Tuy nhiên, đây là công việc nguy hiểm nhất nên được trả lương cao nhất. “Hiện nay, chúng tôi có khoảng 20 thợ làm việc chuyên nghiệp cho các cao ốc tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Thuận, Hà Nội, Hải Phòng… Vào mùa cao điểm, chúng tôi phải tuyển thêm nhân sự. Tuy nhiên, tuyển nhân viên lau kính tòa nhà cao tầng có chứng chỉ hành nghề, có kinh nghiệm 5-10 năm trong nghề cũng không hề đơn giản”, bà Hảo nói.
Bài, ảnh: QUANG VŨ