Nhiều vướng mắc khi triển khai bệnh án điện tử

Chủ Nhật, 20/04/2025, 16:50 [GMT+7]
In bài này
.

Chỉ còn khoảng 5 tháng nữa, các cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) trên địa bàn tỉnh phải hoàn thành việc triển khai bệnh án điện tử (EMR) theo chỉ đạo của Bộ Y tế. Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Tấn Bản, Giám đốc Sở Y tế về tiến độ thực hiện EMR tại các cơ sở y tế.

* Phóng viên: Đề nghị ông cho biết, các cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh đã triển khai EMR như thế nào?

- Ông Nguyễn Tấn Bản: EMR là một trong nhiều mục tiêu chiến lược chuyển đổi số y tế quốc gia. Theo lộ trình tại Thông tư số 46/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 của Bộ Y tế quy định hồ sơ EMR đến năm 2023 các bệnh viện hạng I trở lên phải triển khai EMR. Sau đó, từ năm 2024 đến 2028, tất cả các cơ sở KCB phải thực hiện hồ sơ EMR. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi từ bệnh án giấy sang EMR vẫn còn vướng khó khăn nên tiến độ diễn ra chậm hơn nhiều so với kế hoạch ban đầu.

Thực hiện Chỉ thị 07/CT-TTg ngày 14/3/2025 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh triển khai triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, Bộ Y tế  ấn định thời gian hoàn thành triển khai hồ sơ EMR trên toàn quốc trong tháng 9/2025. Việc không sử dụng bệnh án giấy sẽ được thực hiện ở tất cả các bệnh viện trên cả nước.

Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, Sở Y tế đã ban hành kế hoạch triển khai hồ sơ EMR; tổ chức hội thảo chuyển đổi số ngành y tế tỉnh năm 2025. Trên cơ sở đó, sở quán triệt đến các đơn vị KCB trên địa bàn tỉnh phải hoàn thành hồ sơ EMR trong tháng 9/2025 theo chỉ đạo của Bộ Y tế.

Đến nay, 100% cơ sở KCB của tỉnh đã triển khai ứng dụng CNTT, có phần mềm quản lý thông tin bệnh viện. Tất cả các bệnh viện còn kết nối với BHXH để thực hiện giám định BHYT điện tử.

Triển khai bệnh án điện tử mang lại nhiều lợi ích cho cơ sở khám, chữa bệnh và bệnh nhân. Trong ảnh: Một ca phẫu thuật tại Bệnh viện Bà Rịa.
Triển khai bệnh án điện tử mang lại nhiều lợi ích cho cơ sở khám, chữa bệnh và bệnh nhân. Trong ảnh: Một ca phẫu thuật tại Bệnh viện Bà Rịa.

Trong quá trình triển khai EMR, các cơ sở y tế của tỉnh gặp những khó khăn nào, thưa ông?

- Khi thực hiện EMR, các cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh gặp phải 3 khó khăn, thách thức chính. Đầu tiên là vướng mắc về hành lang pháp lý cho việc triển khai EMR. Bộ Y tế chưa ban hành khung pháp lý cho y tế số như chưa ban hành thông tư hướng dẫn triển khai hồ sơ EMR nhằm sửa đổi, cập nhật thông tư 46/2018/TT-BYT; chưa ban hành quy định hướng dẫn yêu cầu kỹ thuật triển khai phầm mềm hồ sơ EMR; chưa hoàn thiện bộ danh mục thuật ngữ lâm sàng, bộ danh mục chỉ số cận lâm sàng để áp dụng trong hồ sơ EMR…

Khó khăn tiếp theo về đồng bộ dữ liệu. Việc triển khai EMR phải bảo đảm sự liên thông, chia sẻ dữ liệu của hồ sơ EMR giữa các cơ sở KCB và các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu liên quan theo quy định. Tuy nhiên hiện nay, dữ liệu KCB đang được lưu trữ rời rạc ở cơ sở y tế, BHXH…, chưa có hệ thống kết nối đồng bộ. Vì vậy, Bộ Y tế cần khẩn trương xây dựng kho dữ liệu y tế quốc gia để kết nối tất cả dữ liệu KCB, BHYT, tiêm chủng, xét nghiệm, thiết bị… từ các hệ thống khác nhau. Đồng thời, ban hành quy chế chia sẻ, bảo mật và khai thác dữ liệu y tế cho các bên liên quan (các cơ sở KCB, BHXH và trung tâm dữ liệu của Bộ Y tế).

Một khó khăn khác nữa là tài chính. Hiện nay Bộ Y tế chưa kết cấu chi phí ứng dụng CNTT trong giá dịch vụ KCB theo Luật Khám, chữa bệnh. Cơ chế tài chính cho ứng dụng CNTT y tế nói chung và triển khai EMR nói riêng chưa rõ ràng. Vì vậy, Bộ Y tế cần xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật đối với các dịch vụ CNTT trong thanh toán KCB.

Mặt khác, chi phí thực hiện EMR rất lớn từ đầu tư hạ tầng kỹ thuật, các ứng dụng phần mềm EMR trên cơ sở bảo đảm an toàn thông tin và chia sẻ, đồng bộ dữ liệu. Đây cũng là một trong những trở ngại lớn, làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai EMR ở các cơ sở KCB.

Với nhiều khó khăn như vậy, ngành y tế tỉnh cần thực hiện các giải pháp nào để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ đề ra về thực hiện EMR, thưa ông?

- EMR mang lại hiệu quả thiết thực, khi liên thông dữ liệu lâm sàng giữa các cơ sở KCB, sẽ giúp việc chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân tốt hơn. Người bệnh không phải mang theo giấy tờ khi đi KCB; quản lý thông tin sức khỏe liên tục, suốt đời, chủ động hơn trong phòng và chữa bệnh, giảm thời gian chờ đợi và thủ tục.

Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu đề ra, cần phải có sự chỉ đạo mạnh mẽ từ Bộ Y tế. Bộ cần phải cải thiện cơ chế chính sách, bảo đảm nguồn lực tài chính và nâng cao sự phối hợp giữa các bên liên quan.

Ngoài ra, Sở Y tế nói chung và cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh tiếp tục quyết tâm, chủ động thực hiện EMR. Ngành chú trọng đầu tư cho công tác chuyển đổi số và ứng dụng CNTT vào hoạt động của các bệnh viện. Qua đó, giúp người dân được chăm sóc sức khỏe tốt hơn, góp phần hiện đại hóa ngành y tế tỉnh.

Trân trọng cảm ơn ông!

TUỆ LÂM (Thực hiện)

;
.