LỐI SỐNG

Nhìn cuộc đời qua lăng kính của con

Thứ Sáu, 25/04/2025, 16:06 [GMT+7]
In bài này
.

Càng lớn, nhất là từ khi bước vào tuổi dậy thì, con gái càng giữ khoảng cách với tôi. Cháu thường trả lời nhát gừng, thậm chí cáu gắt mỗi khi được hỏi điều gì đó. Đi học về, cháu thường bước nhanh vào phòng riêng, không chào hỏi ba, khi được góp ý về điều này, cháu liền giận dỗi. Thỉnh thoảng, cháu lại chen ngang câu chuyện của ba mẹ như muốn gây gổ để giải tỏa sự bực dọc trong lòng.

Có lần tôi giục con đi học nhưng cháu vùng vằng, buông những câu ngang ngạnh: “Con học là vì ba mẹ chứ cả như con thì bỏ từ lâu rồi. Con không muốn học, cứ bắt đi học làm gì”. Không kìm nén được cơn giận, tôi lấy chiếc roi nhỏ đánh vào chân cháu. Cháu bật khóc như phải chịu nỗi oan ức quá lớn và nhiều ngày sau không nói nửa lời với ba, mỗi lần đi học về lại đóng sầm cửa, sống trong thế giới khép kín. Tôi lâm vào trạng thái căng thẳng, buồn bực, thất vọng. Vậy là bao tình cảm, tâm sức dành cho con nay đã đổ sông, đổ biển. Vậy là bất chấp việc có bao nhiêu kiến thức về giáo dục trẻ em, tôi đã trở thành người cha bất lực. Thậm chí, tôi còn mường tượng viễn cảnh cháu sẽ ngày càng chống đối, giữ khoảng cách, thù ghét và mối quan hệ ba con ngày một xấu đi.

Việc này bắt đầu thay đổi kể từ khi tôi đến chơi nhà một chị bạn. Chứng kiến hai cháu nhà chị vừa gần gũi với ba mẹ, vừa chăm ngoan, học giỏi, tôi bèn hỏi bí quyết. “Chị không có bí quyết gì đặc biệt, chỉ là anh chị luôn trong tâm thế và giữ tư thế làm bạn cùng con. Chỉ cần làm bạn, lắng nghe, gặp bất cứ chuyện gì đều đặt mình vào vị trí của con để ứng xử thì con sẽ xem mình là người bạn lớn, đồng cảm, sẻ chia, hiếu thuận” - chị tâm sự.

“Làm bạn cùng con”. Cụm từ ấy khiến tôi bừng tỉnh và thay đổi hoàn toàn thái độ, cách cư xử, giáo dục với con mình. Tôi tự nhận thấy mình đã nói quá nhiều những câu như: “Con cái cần biết ơn ba mẹ”, “Con cái phải biết vâng lời vì ba mẹ chỉ muốn tốt cho mình”, “Ba mẹ đã vất vả nuôi con rồi, con không được đòi hỏi thêm”... Tôi nhớ lại mình đã nhiều lần yêu cầu con tuân theo những tiêu chuẩn khắt khe trong mọi việc từ nhỏ đến lớn: gia đình ăn xong thì con cái phải dọn mâm, con cái phải lễ phép khi trình bày ý kiến, nỗi vất vả của giới trẻ hiện nay chưa là gì so với thế hệ trước, con cái phải đạt kết quả học tập tốt vì trước đây ba mẹ cũng như thế…

Tôi bớt dần việc trách mắng con và tuyệt đối không than phiền về cháu với người khác, quan sát sở thích của cháu và cho tiền hoặc trực tiếp mua đồ để chiều theo sở thích đó. Những buổi ba con cùng đi ăn, đi mua sắm, đi xem phim, xem ca nhạc, đi picnic… ngày một nhiều hơn. Chỉ cần cháu làm được việc nhỏ, đạt được kết quả học tập khả quan, tôi liền khen, động viên. Theo thời gian, gương mặt cháu giãn dần khi bước vào nhà, miệng tươi tắn, ánh mắt rạng rỡ hơn. Những lời hỏi han, tâm sự của cháu dần nhiều hơn. Ban đầu cháu nói với ba về những việc bình thường, đơn giản, sau này cháu tâm sự cả những điều thầm kín như tình cảm với bạn khác giới, lựa chọn nghề nghiệp. Nhờ vậy, tôi hiểu những tâm tư và kịp thời đưa ra lời khuyên giúp cháu có cách ứng xử phù hợp trong mỗi tình huống.

Khoa học đắc nhân tâm có một luận điểm quan trọng: Mỗi người hãy đặt mình là người khác để cư xử, từ đó bớt phán xét đi, cảm thông hơn và nhận được sự cảm thông, hợp tác của người khác nhiều hơn. Luận điểm ấy đúng trước hết với con cái ở lứa tuổi chưa thành niên vốn nhạy cảm, dễ ảnh hưởng, hay phản ứng thái quá trước thế giới xung quanh. Vậy hãy luôn nhìn cuộc đời qua lăng kính của con, nhờ đó sẽ làm bạn cùng con - điều dẫn tới những kết quả tốt đẹp khác.

PHẠM CƯƠNG

;
.