Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm nay, lần đầu tiên, đề thi ra theo cấu trúc chương trình GDPT 2018. Điều khác biệt lớn nhất ở môn Ngữ văn là ngữ liệu trong đề thi hoàn toàn ngoài sách giáo khoa.
Trong thời gian 120 phút, học sinh phải đọc, hiểu, “thấu cảm” đề và tiến hành trả lời các câu hỏi là điều không hề dễ dàng. Trong khi đó, việc áp dụng Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm đã phần nào giảm lượng thời gian ôn thi của học sinh tại trường.
Trước những khó khăn đó, thầy Đào Vĩnh Bộ - Phó Hiệu trưởng trường THCS Huỳnh Khương Ninh (TP.Vũng Tàu), nhà giáo có kinh nghiệm trong quá trình giảng dạy, bồi dưỡng đội tuyển và ôn thi môn Ngữ văn cho học sinh lớp 9 đã chia sẻ 2 bí quyết quan trọng là: Chắc kiến thức và thành thạo kỹ năng. Dưới đây là chia sẻ của thầy Đào Vĩnh Bộ:
Về kiến thức, học sinh cần hệ thống lại toàn bộ các kiến thức đã học, ghi vào sổ tay ôn thi và lưu ý nắm chắc các dạng câu hỏi và yêu cầu sau:
I. Đọc hiểu văn bản (4.0 điểm) sẽ có 4 câu hỏi với các mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, học sinh cần ôn kỹ tri thức ngữ văn của 3 thể loại thơ, truyện và nghị luận.
- Câu 1: Câu hỏi nhận biết
Ngữ liệu thơ cần lưu ý các tri thức về đề tài, chủ đề, cảm hứng chủ đạo, mạch cảm xúc, thể thơ, tìm các chi tiết hình ảnh, đặc điểm đặc trưng thể loại như cách gieo vần, ngắt nhịp…
Ngữ liệu truyện cần lưu ý các tri thức về đề tài, chủ đề, nội dung chủ đề, thể loại, ngôi kể, tình huống truyện, nhân vật chính, chi tiết nêu đặc điểm của nhân vật…
Ngữ liệu nghị luận cần lưu ý các tri thức về luận đề, luận điểm, lý lẽ, dẫn chứng, lập luận, tìm các chi tiết hình ảnh…
![]() |
Học sinh Trường THCS Huỳnh Khương Ninh dự chương trình tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp. |
- Câu 2: Câu hỏi thông hiểu về nội dung ngữ liệu
Đề bài yêu cầu học sinh trình bày ý hiểu về đề tài, chủ đề, các chi tiết tiêu biểu trong tính chỉnh thể của tác phẩm và tình cảm, cảm xúc của người viết thể hiện qua ngôn ngữ của văn bản.
Học sinh trình bày ý hiểu tác dụng của các chi tiết, hình ảnh nghệ thuật trong văn bản.
Học sinh hiểu và trình bày nhận xét, đánh giá tính chất đúng hoặc sai, biết bày tỏ quan điểm của bản thân về một vấn đề đặt ra trong văn bản.
- Câu 3: Câu hỏi Tiếng Việt
Yêu cầu học sinh nhận biết và phân tích được tác dụng của các đơn vị kiến thức sau:
Biện pháp tu từ: so sánh, ẩn dụ, hoán dụ, nhân hóa, điệp ngữ, nói quá, đảo ngữ, câu hỏi tu từ.
Cách dẫn trực tiếp, cách dẫn gián tiếp.
Đặc điểm chức năng của câu đặc biệt, câu rút gọn.
Sự phát triển của ngôn ngữ: từ ngữ mới và nghĩa mới.
- Câu 4: Câu hỏi vận dụng, sau khi đọc văn bản, học sinh vận dụng nội dung, kiến thức của văn bản để xử lý các vấn đề mang tính thực tiễn.
Học sinh nêu được bài học về cách nghĩ và cách ứng xử của cá nhân từ vấn đề trong văn bản gợi ra.
Học sinh nêu được ý nghĩa hay tác động đối với tình cảm, nhận thức, lối sống của cá nhân trước một vấn đề đặt ra trong đời sống hoặc văn học.
![]() |
Kỳ tuyển sinh lớp 10 công lập tới đây, đề thi ra theo hướng đổi mới của chương trình Giáo dục Phổ thông 2018 khiến nhiều học sinh gặp khó khăn trong ôn tập. |
II. Tạo lập văn bản
Câu 1 (2.0 điểm): Một trong hai dạng sau
Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích đoạn thơ/bài thơ: phân tích một khía cạnh về nội dung chủ đề, một vài nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật và hiệu quả thẩm mỹ.
Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) về đoạn truyện/tác phẩm truyện: phân tích một khía cạnh về nội dung chủ đề, một phương diện về nhân vật, một vài nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật và hiệu quả thẩm mỹ.
Ở cả 2 dạng, học sinh cần nắm chắc tri thức về đặc trưng thể loại, bố cục đoạn văn và phương pháp phân tích, cảm nhận.
Câu 2 (4.0 điểm): Viết được bài văn nghị luận về một vấn đề cần giải quyết; trình bày được quan điểm và các giải pháp khả thi có sức thuyết phục.
Học sinh cần nắm được các thao tác lập luận trong văn nghị luận, kỹ năng phân tích vấn đề, kỹ năng xây dựng hệ thống giải pháp và triển khai giải pháp.
![]() |
Các em hoc sinh thi thử kỳ tuyển sinh lớp 10. |
Về kỹ năng làm bài, sau khi nắm chắc tri thức ngữ văn, học sinh cần rèn luyện kỹ năng làm bài, để biết cách vận dụng tri thức vào việc trả lời các yêu cầu của đề thi.
1. Chú trọng tự luyện giải đề: Học sinh cần kết hợp đề ôn tập giáo viên cung cấp và đề sưu tầm để tự xây dựng bộ đề ôn. Cần luyện giải nhiều đề để củng cố nội dung ôn tập, trải nghiệm nhiều dạng câu hỏi khác nhau. Sau khi làm xong đối chiếu đáp án để đúc rút kinh nghiệm cho bản thân. Các em nên tham khảo mẫu giấy thi A3 chuẩn của kỳ thi để chủ động photo, luyện giải đề vào trong giấy thi sẽ giúp học sinh quen với việc làm bài trên giấy thi và căn chỉnh các câu cho phù hợp.
2. Xác định đúng trọng tâm vấn đề đề bài yêu cầu để tránh xa đề, lạc đề: Để thực hiện, học sinh dùng bút gạch chân dưới yêu cầu, mệnh lệnh và vấn đề, phạm vi vấn đề. Khi trả lời cần trọng tâm vào vấn đề, làm rõ vấn đề.
3. Phân chia thời gian làm các phần hợp lý: Căn cứ để phân chia thời gian dựa vào 2 yếu tố là biểu điểm và dung lượng viết. Do đó, học sinh lưu ý:
- Đọc hiểu văn bản: làm khoảng 20 phút
- Viết đoạn văn nghị luận văn học: làm khoảng 25 phút
- Viết bài văn nghị luận xã hội: làm khoảng 70 phút
- Đọc, đối chiếu bài làm và yêu cầu đề bài, sửa lỗi: khoảng 5 phút.
Trong quá trình luyện giải đề, học sinh cần dành đủ 120 phút để làm đề, luyện căn thời gian để tạo thói quen.
![]() |
Học sinh cần cân đối thời gian làm bài để đạt được kết quả tốt nhất. |
4. Kỹ năng trả lời phần Đọc hiểu văn bản
- Câu hỏi nhận biết chú ý trả lời đúng, đủ, ngắn gọn và trọng tâm.
- Câu hỏi thông hiểu nội dung văn bản khi trả lời cần lưu ý bảo đảm diễn giải, triển khai, trình bày dung lượng cho phù hợp, nhiều học sinh trả lời quá ngắn nên khó đạt điểm tối đa.
Nếu đề bài yêu cầu học sinh trình bày ý hiểu về đề tài, chủ đề, các chi tiết tiêu biểu thì cần bám sát vào từ ngữ, chi tiết chứa đựng nội dung, gạch chân sau đó phân tích, diễn giải nội dung và rút ra thông điệp, bài học hay lời nhắn gửi.
Nếu đề bài yêu cầu trình bày ý hiểu tác dụng của các chi tiết, hình ảnh nghệ thuật trong văn bản thì cần trả lời câu hỏi các chi tiết, hình ảnh đó diễn tả điều gì, mang lại giá trị nội dung dùng đối với văn bản, tác động và mang lại điều gì đối với người đọc.
Nếu đề bài yêu cầu nhận xét, đánh giá tính chất đúng hoặc sai, bày tỏ quan điểm của bản thân về một vấn đề đặt ra trong văn bản thì học sinh cần xác định quan điểm của cá nhân, chọn nhận định đúng hoặc sai sau đó trình bày cụ thể, rõ ràng nhận xét, đánh giá, quan điểm của bản thân; để hoàn thiện hơn cần đưa ra những lời khuyên, lời nhắn nhủ.
- Câu hỏi tiếng Việt
Học sinh phải trình bày tên đơn vị kiến thức và từ ngữ biểu thị, sau đó mới tiến hành phân tích ý nghĩa, tác dụng.
- Câu hỏi vận dụng:
Về hình thức học sinh lưu ý đề bài yêu cầu viết đoạn văn 3-5 câu hay viết 3-5 câu, 4-6 dòng để trình bày cho đúng.
Về nội dung, sau khi đọc văn bản học sinh cần xác định trọng tâm bài học, bức thông điệp, điều tác giả nhắn gửi đến chúng ta. Cần định hướng vào các hành động, việc làm, tư tưởng đạo lý…tốt đẹp; oặc những hành động, việc làm; sự thay đổi nhận thức, lối sống của bản thân để trả lời cho đúng yêu cầu đề bài.
![]() |
Chắc kiến thức, thành thạo kỹ năng là hai bí kíp ôn thi tuyển sinh lớp 10 môn Ngữ văn được thầy Đào Vĩnh Bộ nhấn mạnh. |
5. Kĩ năng viết đoạn văn nghị luận văn học
- Về dung lượng: Học sinh lưu ý đề bài yêu cầu khoảng 200 chữ nên cần xác định độ dài tối đa không quá 250 chữ để tránh bị trừ điểm. Học sinh lấy 250 chia cho số chữ trung bình trong một dòng thì sẽ tính được số dòng viết.
- Về bố cục: lưu ý viết một đoạn văn gồm 3 phần mở đoạn, thân đoạn và kết đoạn.
- Về kỹ năng viết: Mở đoạn giới thiệu thật ngắn gọn để xuất hiện tên tác giả, tên văn bản và vấn đề cần phân tích, tối đa không quá 2 câu. Thân đoạn phải tìm các chi tiết làm sáng tỏ cho vấn đề cần phân tích, bỏ qua các chi tiết không liên quan tới vấn đề cần phân tích. Vận dụng thao tác phân tích và cảm nhận từng chi tiết tiêu biểu.
Quá trình phân tích cần trích dẫn ngắn gọn một số chi tiết để trong dấu đóng mở ngoặc kép tránh diễn xuôi cả phần thân đoạn. Sau đó tổng hợp đánh giá nghệ thuật đặc sắc khoảng 2 câu. Kết đoạn lưu ý khẳng định lại vấn đề cần phân tích kết hợp đánh giá, nhận xét và viết tối đa 2 câu.
6. Kỹ năng viết bài văn nghị luận xã hội
- Về bố cục: Viết bài văn gồm 3 phần mở bài, thân bài và kết bài.
- Vận dụng các thao tác lập luận trong văn nghị luận gồm giải thích, phân tích, chứng minh, so sánh, bàn luận.
- Về kỹ năng viết, học sinh cần lưu ý
Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận, đưa ra những nhận xét, đánh giá, nhận định khái quát nhất.
Thân bài: Triển khai thành hệ thống các đoạn văn.
Đoạn văn 1: Giải thích vấn đề nghị luận.
Đoạn văn 2: Phân tích vấn đề gồm 3 khía cạnh. Thứ nhất cần phân tích thực trạng là biểu hiện cụ thể của vấn đề trong cuộc sống được mô phỏng lại. Ngoài ra có thể nêu tính chất, mức độ, lứa tuổi, phạm vi…của vấn đề nếu có. Thứ hai cần phân tích nguyên nhân cần trình bày nguyên rõ nhân chủ quan và khách quan. Thứ ba là hậu quả, tác động mà vấn đề gây ra. Cả 3 khía cạnh này chỉ chiếm 0.75 điểm nên học sinh nên trình bày khoảng 1 mặt giấy thi.
Đoạn văn 3: Trình bày giải pháp thứ nhất, mỗi giải pháp học sinh cần làm rõ 4 ý sau: Tên của giải pháp là gì? Cách thức để thực hiện, vận dụng giải pháp này. Phân tích, lí giải vì sao lựa chọn giải pháp này. Dẫn chứng nào làm sáng tỏ?
Đoạn văn 4: Trình bày giải pháp thứ hai.
Đoạn văn 5: Trình bày giải pháp thứ ba
Căn cứ vào thời gian và dung lượng viết, học sinh nên trình bày 3 giải pháp là phù hợp. Nếu viết 2 giải pháp thì khó tạo sức thuyết phục và viết 4 giải pháp thì tốn nhiều thời gian viết sẽ khó viết chuyên sâu.
Kết bài: khẳng định lại vấn đề bàn luận, các giải pháp đã đưa ra và đưa ra nhận định, đánh giá của bản thân.
KHÁNH CHI (ghi)