Gần 900 học sinh chinh phục kỳ thi thử môn chuyên

Thứ Hai, 28/04/2025, 20:23 [GMT+7]
In bài này
.

Chiều 28/4, gần 900 HS trên địa bàn tỉnh tham dự kỳ thi thử các môn chuyên tuyển sinh lớp 10 THPT chuyên Lê Quý Đôn. Đề thi thử được đánh giá là bảo đảm sự phân hóa trong tuyển sinh.

HS Trường THCS Nguyễn An Ninh xem danh sách phòng thi.
HS Trường THCS Nguyễn An Ninh xem danh sách phòng thi.

Kỳ tập dượt quan trọng

Lần đầu tiên, kỳ thi thử tuyển sinh THPT chuyên Lê Quý Đôn được tổ chức, thu hút gần 900 học sinh đăng ký dự thi. Trong đó, TP. Vũng Tàu là địa phương có số lượng thí sinh dự thi đông nhất, với gần 700 em. Kế đó là TP. Phú Mỹ, TP. Bà Rịa, huyện Châu Đức…

Toàn tỉnh có tổng số 20 điểm thi thì TP. Vũng Tàu có tới 15 điểm thi. Trường THCS Nguyễn An Ninh (TP. Vũng Tàu) là điểm thi có số lượng thí sinh đông nhất, với 246 em. Bà Nguyễn Thị Sông Thương, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn An Ninh cho biết, nhà trường đã bố trí 11 phòng thi cho cả 7 môn chuyên, với 28 cán bộ làm công tác coi thi. Trong đó, mỗi phòng thi không quá 24 thí sinh. Mỗi phòng thi có 2 giám thị và cứ 3 phòng thi có 1 giám thị hành lang nhằm bảo đảm kỳ thi thử diễn ra an toàn, nghiêm túc.

Đây được coi là kỳ tập dượt quan trọng cho kỳ thi chính thức.
Đây được coi là kỳ tập dượt quan trọng cho kỳ thi chính thức.

Để đạt được kết quả tốt nhất trong kỳ thi thử lần này cũng như kỳ thi chính thức, ngay từ đầu năm học, từ định hướng lựa chọn các môn chuyên của học sinh, nhà trường đã tổ chức ôn tập, bồi dưỡng theo các chuyên đề học tập. Đồng thời rèn luyện kỹ năng làm bài cho từng bộ môn để các em có thể vận dụng linh hoạt vào thực tiễn bài làm.

Song song với đó, các em được luyện đề làm quen với dạng đề thi của chương trình GDPT 2018. Giáo viên cũng định hướng cho học sinh chủ động tự học, tự tìm tòi, nghiên cứu nhất là sau khi Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm có hiệu lực.

Thí sinh dự thi nghiêm túc.
Thí sinh dự thi nghiêm túc.

Tại Trường THCS Trần Phú (TP. Vũng Tàu), kỳ thi thử lần này có 46 học sinh tham dự. Môn tiếng Anh có lượng thí sinh dự thi đông nhất, với 16 em. Các môn còn lại, số lượng thí sinh dự thi từ 2-9 em.

Theo bà Huỳnh Thị Bích Phượng, Hiệu trưởng nhà trường, kỳ thi thử môn chuyên giúp các em học sinh được cọ xát, trải nghiệm trước khi chinh phục kỳ thi chính thức. Kết quả thi thử là căn cứ để các nhà trường, giáo viên bộ môn cũng như từng học sinh điều chỉnh kế hoạch giảng dạy, ôn tập để nâng cao chất lượng thi tuyển sinh. Mục tiêu của nhà trường là có trên 50% số học sinh dự thi đậu vào THPT chuyên Lê Quý Đôn.

Đề thi bảo đảm sự phân hóa

Trong chiều 28/4, trừ môn tiếng Anh còn phần thi Nói diễn ra vào ngày 29/4, còn lại, các môn chuyên đã hoàn thành. Đề thi hầu hết các môn được đánh giá là bảo đảm tính phân hóa nhưng không “đánh đố” học sinh.

Em Đỗ Ngọc Phương Ngân, học sinh Trường THCS Huỳnh Tịnh Của (huyện Long Đất) cho hay: “Với em, đề thi thử lần này khó hơn một chút so với đề thi chính thức của những năm trước. Trong quá trình luyện đề, em thường đạt khoảng 7 điểm, nhưng với đề thi này em nghĩ mình chỉ đạt từ 4-6 điểm. Nhiều câu em làm được nhưng không chắc chắn”.

Theo Phương Ngân, phần khó nhất đối với em là yêu cầu viết bài luận về việc mạng xã hội ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tinh thần như thế nào. Bên cạnh đó, phần nghe về chủ đề môi trường cũng tương đối khó, có nhiều từ đồng nghĩa khiến thí sinh phải suy luận. Trong khi đó, phần bài đọc nói về thực trạng ô nhiễm môi trường và những việc giới trẻ cần làm được đánh giá là khá hay.

Với môn Ngữ Văn, em Bùi Thanh Thủy, học sinh Trường THCS Trần Phú cho rằng, đề thi bám sát nội dung các em đã được học và ôn tập. Tuy nhiên, đề có sự mới lạ khi từ bài Đọc hiểu, đề đưa ra 3 lối sống: Sống là đá, dễ dàng bỏ cuộc, không tôi luyện bản thân; Sống là tượng, dám trả giá để tôi luyện, hoàn thiện; Sống là chính mình và yêu cầu học sinh viết về lựa chọn của mình.

Trong đề thi thử, Thanh Thủy cảm thấy thích thú với câu Nghị luận văn học. Đề đặt ra vấn đề: thơ ca có thể làm tâm hồn con người trong sáng hơn, thêm yêu sự sống, trân quý những điều tốt đẹp hay không trong thời đại thật giả, tốt xấu đan xen và yêu cầu học sinh làm sáng tỏ quan điểm của mình qua bài thơ “Cảm ơn đất nước” của tác giả Huỳnh Thanh Hồng.

Thí sinh tại điểm thi THCS Trần Phú ra khỏi phòng thi với tâm trạng thoái mái.
Thí sinh tại điểm thi THCS Trần Phú ra khỏi phòng thi với tâm trạng thoái mái.

Còn với môn Toán, đề thi thử có sự phân hóa cao ở các câu bất đẳng thức, tổ hợp. Em Phạm Ngọc Thái Sơn, học sinh Trường THCS Trần Phú cho biết đề thi thử “dễ thở” hơn so với đề chính thức của những năm trước. Song, em cảm thấy khá tiếc nuối khi đã không giành điểm trọn vẹn ở những câu dễ. “Rút kinh nghiệm từ lần thi này, em sẽ thận trọng hơn trong quá trình làm bài, để làm được đến đâu chắc chắn tới đó. Em cũng sẽ rèn luyện, ôn tập thêm để chinh phục những câu mang tính phân loại”, Thái Sơn nói.

Bài, ảnh: KHÁNH CHI

 

 

 

 

 

;
.