Đổi thay trên vùng quê cách mạng Long Phước

Thứ Sáu, 18/04/2025, 16:34 [GMT+7]
In bài này
.

Trong những ngày tháng Tư lịch sử này, trở lại vùng quê cách mạng Long Phước, trong tim mỗi người đều dâng lên niềm tự hào. Long Phước, vùng đất của địa đạo, của tinh thần yêu nước nồng nàn-50 năm sau giải phóng đã trở thành miền quê trù phú. 

Từ năm 1976 đến nay, xã Long Phước đều tổ chức ngày “Đại giỗ” 27/7 hàng năm tại khuôn viên Đền thờ Liệt sĩ xã Long Phước nhằm bày tỏ lòng tri ân đối với các Anh hùng Liệt sĩ và thân nhân gia đình Liệt sĩ. Trong ảnh: Các tầng lớp nhân dân thắp hương tưởng nhớ các Anh hùng Liệt sĩ trong ngày “Đại giỗ”.
Từ năm 1976 đến nay, xã Long Phước đều tổ chức ngày “Đại giỗ” 27/7 hàng năm tại khuôn viên Đền thờ Liệt sĩ xã Long Phước nhằm bày tỏ lòng tri ân đối với các Anh hùng Liệt sĩ và thân nhân gia đình Liệt sĩ. Trong ảnh: Các tầng lớp nhân dân thắp hương tưởng nhớ các Anh hùng Liệt sĩ trong ngày “Đại giỗ”.

Vững bước đi lên

Ngược dòng lịch sử, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, xã Long Phước luôn là vùng tranh chấp quyết liệt giữa lực lượng cách mạng với kẻ thù. Là “cái nôi” cách mạng của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Long Phước là địa bàn đứng chân của các lực lượng vũ trang tỉnh và huyện. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân xã Long Phước luôn phát huy truyền thống yêu nước, bám đất, giữ làng. Không tiếc sức người, sức của, quân và dân Long Phước đã anh dũng, kiên cường, vững vàng trong mưa bom, bão đạn, tạo nên những chiến thắng vang dội trong kháng chiến cứu nước.

Gần cả cuộc đời sinh sống tại mảnh đất anh hùng, ông Lê Văn Ẩn, ấp Bắc, xã Long Phước đã chứng kiến quê hương “lớn lên” từng ngày. Ông Ẩn chia sẻ: “Sau chiến tranh, chính quyền và Nhân dân xã Long Phước đã nỗ lực viết tiếp những trang sử hào hùng trong công cuộc xây dựng quê hương. Từng là vùng đất hoang tàn sau chiến tranh, nay Long Phước đã trở thành miền quê văn minh, trù phú, êm đềm và đáng sống. Tôi nghĩ, đó cũng là cách trả nghĩa của thế hệ trẻ đối với sự hy sinh của các liệt sĩ”.

Với mỗi người dân Long Phước, truyền thống cách mạng vẫn luôn là mạch nguồn, là động lực để bà con vững tin vượt mọi khó khăn, thử thách, xây dựng đời sống mới. Những con đường trải nhựa, bê tông khang trang dẫn vào từng ấp, từng ngõ hẻm. Những ngôi nhà kiểu dáng hiện đại mọc lên ngày một nhiều, thu nhập và đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Sự thay đổi tích cực này là “trái ngọt” từ khi xã tiến hành chương trình xây dựng nông thôn mới; qua đó, hạ tầng giao thông, điện, đường, trường, trạm được quan tâm đầu tư toàn diện.

Ông Nguyễn Văn Tấn, Chủ tịch UBND xã Long Phước cho biết, Long Phước đã được công nhận là xã nông thôn mới vào năm 2015. Thu nhập bình quân đầu người năm 2024 của xã là hơn 92,4 triệu đồng/người/năm. Đến nay, toàn xã chỉ còn 6 hộ nghèo. Sau khi được công nhận là xã nông thôn mới, xã Long Phước tiếp tục tiến trình xây dựng nông thôn mới nâng cao và được công nhận là xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2022. Tháng 3/2025, xã tiếp tục được UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu công nhận là xã nông thôn mới kiểu mẫu. “Truyền thống vẻ vang, hào hùng trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ mãi mãi là nguồn động viên to lớn để Đảng bộ và Nhân dân Long Phước phấn đấu hoàn thành mọi nhiệm vụ trong thời kỳ đổi mới, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”, ông Tấn chia sẻ.

Xã Long Phước có 4 Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân. Trong đó có 3 Anh hùng liệt sĩ và 1 còn sống là Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Tàu; 102 mẹ được công nhận danh hiệu bà Mẹ Việt Nam Anh hùng (1 mẹ còn sống); có 517 liệt sĩ; 130 thương, bệnh binh; 97 đối tượng hưu trí mất sức, 450 người hoạt động kháng chiến và người có công cách mạng...  

Nhân lên nghĩa cử đẹp

Trên quê hương Long Phước, có biết bao anh hùng chiến sĩ đã ngã xuống vì độc lập tự do của tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân. Ở đó có sự đóng góp âm thầm mà vô cùng vĩ đại của những bà mẹ đã sinh thành, nuôi dạy và hiến dâng những người con, những anh hùng cho dân tộc Việt Nam. Để ghi nhận những đóng góp và hy sinh to lớn của Đảng bộ, quân và dân xã Long Phước, năm 1994 Chủ tịch nước đã phong tặng danh hiệu cao qúy “Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân”. 

Quan tâm, tri ân người có công với cách mạng là một trong những nhiệm vụ chính trị được huyện Long Phước đặc biệt coi trọng, góp phần mang lại niềm vui, sự ấm áp cho các gia đình chính sách, người có công. Những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi về ấp Phước Hữu, xã Long Phước. Nhiều ngôi nhà xuống cấp của gia đình chính sách nay đã được thay bằng những căn nhà kiên cố, khang trang. Bà Đặng Thị Hạnh- con gái liệt sĩ Đặng Công Quang cho biết, tháng 7/2023 bà được trao tặng số tiền 80 triệu đồng từ “Quỹ Đền ơn đáp nghĩa xã Long Phước” để cất nhà mới. Trong căn nhà mới, bà Hạnh vui mừng cho biết, các con đều có gia đình riêng nhưng cũng khó khăn. Bà vốn thường xuyên đau yếu, bệnh tật. Căn nhà tạm xuống cấp, tôn mục nát, cọc bằng gỗ Bạch Đàn bị mối ăn xiêu vẹo… nhưng bà không có khả năng sửa chữa. Vì thế, từ khi được hỗ trợ cất nhà mới, bà Hạnh rất mừng. 

Đến nay, Long Phước đã xây mới 84 căn nhà; sửa chữa được hơn 400 căn nhà cho các gia đình chính sách theo các chương trình của Trung ương; 578 người có công được hưởng chế độ theo Quyết định 290, Quyết định 188 và Quyết định142 của Thủ tướng Chính phủ.

Long Phước còn quan tâm, ưu tiên giải quyết kịp thời chế độ, chính sách đối với người có công. Nhờ sự rốt ráo ấy, 36 hồ sơ tù kháng chiến được hưởng trợ cấp hàng tháng, 381 hồ sơ được hưởng chế độ thờ cúng cho thân nhân liệt sĩ, 245 hồ sơ con liệt sĩ được hưởng chế độ cấp thẻ BHYT…  Các chính sách ưu đãi dành cho người có công với cách mạng, gia đình chính sách được triển khai đầy đủ, kịp thời. Đảng bộ, chính quyền, các đoàn thể xã hội trong tỉnh, thành phố và xã cũng thường xuyên đến thăm hỏi, chăm lo, tặng quà cho các gia đình chính sách, gia đình chính sách neo đơn, khó khăn trong các dịp lễ, tết.  

Bài, ảnh: NHÃ UYÊN

 
;
.