Đề xuất tăng các mức phụ cấp cho nhân viên y tế: Vừa mừng, vừa lo
Bộ Y tế đang đề xuất tăng mức phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật, trực, chống dịch… cho nhân viên y tế lên gần 3 lần so với quy định hiện hành. Việc này được kỳ vọng sẽ cải thiện thu nhập, bảo đảm đời sống nên nhân viên y tế rất mong chờ đề xuất sẽ được chấp thuận. Trong khi đó, việc tăng phụ cấp có thể trở thành nỗi lo của các bệnh viện tự chủ tài chính nếu giá viện phí chưa được tính đúng, tính đủ.
![]() |
Đề xuất tăng mức phụ cấp lần này của Bộ Y tế thỏa mãn sự mong đợi lâu nay của nhân viên y tế. Trong ảnh: Nhân viên y tế Bệnh viện Bà Rịa phẫu thuật cho bệnh nhân. |
Mức phụ cấp hiện nay quá thấp
Lý giải khi đưa ra đề xuất trên, Bộ Y tế cho biết, mức phụ cấp trực, phẫu thuật, thủ thuật, chống dịch và mức hỗ trợ tiền ăn đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập đang được áp dụng theo Quyết định 73/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Quyết định này ra đời cách đây gần 15 năm, nên mức phụ cấp cho nhân viên y tế quá thấp và không còn phù hợp với tình hình kinh tế, đời sống hiện nay.
Vì thế, Bộ Y tế đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập, chế độ phụ cấp chống dịch; chế độ hỗ trợ nhân viên y tế thôn, tổ dân phố và cô đỡ thôn, bản. Trong đó, Bộ đề xuất tăng mức phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật, trực, chống dịch… cho nhân viên y tế lên gần 3 lần so với quy định tại Quyết định 73/2011.
Đón nhận thông tin này, đội ngũ y, bác sĩ đang công tác tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh đều cho rằng, đề xuất điều chỉnh tăng mức phụ cấp cho nhân viên y tế của Bộ Y tế là rất cần thiết. Họ đã mong chờ sự thay đổi về mức phụ cấp cho nhân viên y tế từ nhiều năm nay.
Bác sĩ Trần Văn Phong, Phó Khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình, đã công tác tại Bệnh viện Bà Rịa hơn 20 năm nay. Ông là người phẫu thuật chính. Trung bình mỗi tháng, ông phẫu thuật cho khoảng 60 ca bệnh và trực 8 ngày (24h/ngày). Song mức phụ cấp phẫu thuật và trực mà bác sĩ Phong được hưởng giao động từ 8-10 triệu đồng/tháng. Mức phụ cấp của ông thuộc tốp cao ở bệnh viện, bởi nhờ có thâm niên công tác lâu năm, phẫu thuật được nhiều ca đặc biệt. Còn đối với bác sĩ trẻ, mức phụ cấp này đang ở mức rất thấp.
Theo bác sĩ Phong, công việc của nhân viên y tế vốn dĩ khá vất vả, nhất là những ca phẫu thuật cấp cứu. Vì thế, phụ cấp phẫu thuật được tăng lên cũng xứng đáng với công sức, trí tuệ, tâm huyết của nhân viên y tế. “Chúng tôi rất mong đề xuất của Bộ Y tế sẽ sớm được thực thi, thỏa mãn sự mong đợi bấy lâu nay của nhân viên y tế”, bác sĩ Phong nói thêm.
Đề xuất của Bộ Y tế về tiền trực của nhân viên y tế cũng tăng đáng kể so với hiện nay. Trong đó, tiền trực (24h/ngày) của y, bác sĩ đang công tác ở bệnh viện hạng 2 sẽ được nhận 255 ngàn đồng/ngày, tăng 165 ngàn đồng so với quy định hiện nay. Những người làm theo ca 16/24h được hưởng mức bằng 0,75 lần mức phụ cấp trực 24/24h. Người lao động thường trực theo kíp 12/24h tại các khoa, khu vực đặc biệt vào các ngày nghỉ hằng tuần, ngày lễ, ngày Tết được hưởng mức bằng 0,5 lần mức phụ cấp trực 24/24h.
Theo bác sĩ Phan Hải Đăng, Trưởng Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Vũng Tàu), hoạt động của khoa có đặc thù so với các khoa, phòng khác trong ngành. Khoa mở cửa tiếp nhận và cấp cứu cho bệnh nhân 24/24h. Để bảo đảm sức khỏe cho nhân viên, hạn chế những sai sót trong quá trình phục vụ người bệnh nên khoa bố trí cho y, bác sĩ trực 8h/ngày. Giống như ngày thường, hầu hết nhân viên đều không được nghỉ trong những ngày nghỉ lễ, tết. Tuy nhiên, lâu nay đội ngũ y, bác sĩ không được nhận phụ cấp trực. Điều này gây thiệt thòi cho những người đang làm việc tại Khoa Cấp cứu. “Tôi nghĩ nên bổ sung phụ cấp trực cho nhân viên y tế của Khoa Cấp cứu để bảo đảm công bằng, tạo động lực cho đội ngũ này làm việc”, bác sĩ Đăng kiến nghị.
Nỗi lo của các bệnh viện tự chủ
Lãnh đạo các bệnh viện cho biết, nếu dự thảo của Bộ Y tế được Chính phủ thông qua sẽ mang lại niềm vui cho nhân viên y tế. Nhưng việc tăng phụ cấp có thể trở thành nỗi lo của các bệnh viện tự chủ. Hiện toàn tỉnh có 3 bệnh viện tự chủ chi thường xuyên gồm: Vũng Tàu, Bà Rịa, Mắt. Các đơn vị này sẽ gặp khó khăn khi cân đối nguồn tài chính nếu giá viện phí chưa được tính đúng, tính đủ.
Theo dự thảo, mức phụ cấp cho người phẫu thuật chính, người gây mê hoặc châm tê chính ở loại phẫu thuật đặc biệt được hưởng mức 790 ngàn đồng; phẫu thuật loại 1 là 355 ngàn đồng; loại 2 là 185 ngàn đồng; loại 3 là 140 ngàn đồng. Mức phụ cấp trực 24h/24h của Bệnh viện hạng I, hạng đặc biệt là 325 ngàn đồng/người/phiên trực; bệnh viện hạng II là 255 ngàn đồng; các bệnh viện còn lại và các cơ sở khác tương đương là 185 ngàn đồng; trạm y tế xã, trạm y tế quân dân y 40 ngàn đồng. Mức phụ cấp cho người tham gia chống dịch, bệnh truyền nhiễm nhóm A được hưởng 425 ngàn đồng/ngày/người; bệnh truyền nhiễm nhóm B hưởng 280 ngàn đồng/ngày/người và bệnh truyền nhiễm nhóm C hưởng 210 ngàn đồng/ngày/người. |
Bác sĩ Dương Thanh, Giám đốc Bệnh viện Bà Rịa cho biết, bệnh viện hiện đang chi các mức phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật, trực cho 855 nhân viên y tế, với số tiền gần 1,5 tỷ đồng/tháng. Do vậy, nếu tăng mức phụ cấp lên gần 3 lần so với quy định hiện nay sẽ gây áp lực, khó khăn đến nguồn tài chính của bệnh viện. “Bộ Y tế cần kết cấu mức phụ cấp trực, thủ thuật, phẫu thuật vào giá viện phí để bảo đảm cân đối nguồn tài chính cho các đơn vị tự chủ”, bác sĩ Thanh kiến nghị.
Ngoài 3 bệnh viện nói trên, trên địa bàn tỉnh còn có Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC), Khối khám bệnh của Trung tâm Y tế TP.Vũng Tàu cũng đang thực hiện cơ chế tự chủ tài chính.
Bài, ảnh: TUỆ LÂM