Dịch sốt xuất huyết (SXH) đang có xu hướng gia tăng trên thế giới và diễn biến ngày càng phức tạp. Tại Việt Nam, thời điểm từ tháng 5 đến tháng 11 hàng năm là mùa cao điểm của dịch. Việc chủ động triển khai sớm các biện pháp phòng, chống không chỉ giúp kiểm soát hiệu quả tình hình mà còn hạn chế tối đa số ca mắc và tử vong.
![]() |
Nhân viên y tế phun thuốc diệt muỗi tại xã Hòa Long, TP.Bà Rịa. Ảnh: HOÀNG HƯỜNG |
Diễn biến dịch bệnh phức tạp, nguy cơ bùng phát cao
Theo Bộ Y tế, thời gian gần đây SXH tiếp tục gia tăng mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu do nhiều yếu tố như biến đổi khí hậu, môi trường ô nhiễm, tốc độ đô thị hóa và sự di biến động dân cư ngày càng lớn, gây khó khăn trong việc kiểm soát nguồn lây bệnh. Tại Việt Nam, dịch bệnh có xu hướng tăng cao nhất từ tháng 5 đến tháng 11, giai đoạn thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều, rất thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển.
Dù công tác phòng, chống SXH trong những năm qua đã đạt được những kết quả khả quan nhờ sự phối hợp giữa chính quyền các cấp và ngành y tế, nhưng nguy cơ bùng phát dịch vẫn luôn thường trực nếu không có sự chủ động, quyết liệt từ sớm. Nhằm kiểm soát hiệu quả tình hình dịch bệnh, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai các biện pháp đồng bộ ngay trước mùa dịch.
Cụ thể, các địa phương cần ban hành kế hoạch phòng, chống SXH năm 2025, tổ chức các hoạt động truyền thông, hưởng ứng Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết (15/6/2025), giao trách nhiệm cụ thể cho từng cấp, ngành để huy động sức mạnh tổng hợp trong chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy. Đồng thời, ngành y tế địa phương phải giám sát chặt chẽ các ổ dịch, tổ chức phun hóa chất diệt muỗi đúng kỹ thuật và đúng đối tượng, không để dịch lan rộng.
Tăng cường truyền thông, phát huy vai trò cộng đồng trong phòng bệnh
Bên cạnh sự vào cuộc của các cấp chính quyền và ngành y tế, sự chủ động của người dân đóng vai trò then chốt trong việc phòng ngừa và đẩy lùi dịch bệnh SXH. Bộ Y tế khuyến cáo mỗi hộ gia đình cần thường xuyên kiểm tra, vệ sinh môi trường sống, loại bỏ các vật dụng chứa nước có thể là nơi sinh sản của muỗi, súc rửa bể chứa nước, bình hoa, lu, khạp… định kỳ, thả cá vào bể để tiêu diệt lăng quăng/bọ gậy.
Việc sử dụng các biện pháp bảo vệ cá nhân như ngủ màn kể cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, sử dụng kem xua muỗi hoặc lắp lưới chắn muỗi cũng rất cần thiết, nhất là tại các khu vực có ổ dịch. Đồng thời, người dân cần nâng cao nhận thức về dấu hiệu nhận biết bệnh như sốt cao đột ngột, đau đầu, chảy máu cam, mệt mỏi… và đến ngay cơ sở y tế khi có triệu chứng nghi ngờ, tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà bằng thuốc không rõ nguồn gốc.
Ngoài ra, các cơ quan truyền thông, báo chí, Sở GD-ĐT, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cũng cần phối hợp tích cực với ngành y tế trong công tác tuyên truyền, tổ chức các hoạt động truyền thông phong phú, gần gũi để người dân dễ tiếp cận và nâng cao hiểu biết. Các trường học cũng nên phát động học sinh tham gia dọn vệ sinh, loại bỏ nơi sinh sản của muỗi tại khuôn viên trường và gia đình.
Song song đó, các cơ sở y tế, đặc biệt là y tế tư nhân cần nâng cao năng lực tiếp nhận, thu dung và điều trị bệnh nhân SXH, tổ chức phân tuyến điều trị rõ ràng, hỗ trợ tuyến dưới nhằm tránh tình trạng quá tải và hạn chế tối đa các ca tử vong.
ANH ĐÀO
(Tổng hợp)