Cẩn trọng bệnh giun rồng tái xuất hiện

Thứ Sáu, 04/04/2025, 16:11 [GMT+7]
In bài này
.

Mặc dù Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã từng công nhận Việt Nam là quốc gia không có bệnh giun rồng, nhưng từ năm 2024, bệnh này đã tái xuất hiện tại nước ta.

Một “giun rồng” được lấy ra khỏi cơ thể người, các chuyên gia WHO cho rằng đây là loài mới. Ảnh: BSCC
Một “giun rồng” được lấy ra khỏi cơ thể người. Ảnh: BSCC

PGS.TS Đỗ Trung Dũng, Trưởng khoa Ký sinh trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho biết, trước đây nhiễm giun rồng khá phổ biến trên thế giới, nhưng hiện chỉ lưu hành phổ biến ở các nước châu Phi. Hiện nay thực trạng nhiễm ký sinh trùng tại nước ta có nhiều thay đổi.

Theo ông Dũng, năm 1998, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phát chứng nhận Việt Nam là quốc gia không có giun rồng nhưng đến năm 2020, loài ký sinh trùng bắt đầu xuất hiện.

Trong 5 năm qua, cả nước ghi nhận 24 ca nhiễm, đều là đàn ông ở 5 tỉnh, thành gồm: Yên Bái (11 ca), Phú Thọ (8 ca), Lào Cai (2 ca), Hòa Bình (1 ca) và Thanh Hóa (2 ca). Bệnh nhân thường có thói quen ăn thịt động vật chưa nấu chín như cá, ếch, rắn và uống nước lã. Ấu trùng giun rồng vào cơ thể trong 10-12 tháng sẽ phát triển thành giun tìm cách chui ra ngoài.

Một trong những đặc điểm đáng chú ý của bệnh giun rồng là thời gian ủ bệnh dài, từ khi ấu trùng xâm nhập đến khi có triệu chứng có thể kéo dài tới 12 tháng. Trong khoảng thời gian này, người bệnh không cảm thấy triệu chứng rõ rệt. Chỉ khi giun trưởng thành, chúng sẽ tạo ra các vết loét trên da, thường xuất hiện ở vùng chân, tay hoặc bụng. Các vết loét này có thể gây đau đớn và nhiễm trùng, thậm chí dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng nếu không được xử lý kịp thời. Đặc biệt, giun có thể di chuyển vào các ổ khớp, cột sống, gây viêm, vôi hóa, và dẫn đến tình trạng cứng khớp, liệt nếu không được can thiệp sớm.

Vì hiện nay chưa có phương pháp chẩn đoán sớm hay thuốc điều trị đặc hiệu, việc phòng ngừa bệnh giun rồng trở nên vô cùng quan trọng. PGS.TS Đỗ Trung Dũng, Trưởng khoa Ký sinh trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, đã đưa ra những khuyến cáo cụ thể để người dân phòng chống bệnh này. Cụ thể, người dân cần chú trọng thực hiện các biện pháp ăn uống an toàn như ăn chín, uống sôi và tránh tiêu thụ các thực phẩm chưa nấu chín. Ngoài ra, vệ sinh môi trường sống cũng đóng vai trò quan trọng, bao gồm việc bảo đảm nguồn nước sạch, vệ sinh nhà cửa, khu vực chế biến thực phẩm và xử lý rác thải đúng cách.

Bên cạnh đó, việc vệ sinh cá nhân thường xuyên và tránh tiếp xúc với các nguồn lây nhiễm như phân tươi cũng rất quan trọng trong việc giảm nguy cơ nhiễm bệnh. Người dân cần đặc biệt lưu ý không sử dụng phân tươi để bón rau hay nuôi động vật, cũng như kiểm soát việc thả rông gia súc, gia cầm, vì đây là những yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ký sinh trùng, trong đó có giun rồng.

Bệnh giun rồng mặc dù nguy hiểm, nhưng có thể phòng ngừa được thông qua các biện pháp vệ sinh và ăn uống an toàn. Sự chủ động của cộng đồng trong việc thực hiện các biện pháp phòng chống sẽ góp phần giảm thiểu sự lây lan của bệnh và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

ANH ĐÀO (Tổng hợp)

;
.