.

Biến chứng tiểu đường: Gánh nặng sức khỏe và suy giảm chất lượng sống

Cập nhật: 17:39, 02/04/2025 (GMT+7)

Gần đây, Bệnh viện Vũng Tàu ghi nhận nhiều trường hợp bệnh nhân tiểu đường gặp biến chứng nghiêm trọng do không kiểm soát tốt bệnh. Điều này không chỉ gây tổn hại sức khỏe mà còn làm tăng chi phí và thời gian điều trị, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống.

Biến chứng tiểu đường đã làm cho chị N.T.H.A., (ở phường 5, TP.Vũng Tàu) bị suy thận giai đoạn cuối.
Biến chứng tiểu đường đã làm cho chị N.T.H.A., (ở phường 5, TP.Vũng Tàu) bị suy thận giai đoạn cuối.

Biến chứng thường gặp

Bệnh đái tháo đường (hay còn gọi tiểu đường) là bệnh rối loạn chuyển hóa, cơ thể không dung nạp được glucose dẫn đến lượng đường trong máu cao hơn so với bình thường. Nguyên nhân do cơ thể bị thiếu hụt hoặc đề kháng với insulin, gây ra tình trạng rối loạn chuyển hóa đường trong máu. Ở Việt Nam có khoảng 7 triệu người đang sống chung với tiểu đường.

Tiểu đường là bệnh mãn tính, không lây nhiễm, song người mắc bệnh này có nguy cơ cao mắc các bệnh lý về tim mạch, thận, mắt… Nếu người bệnh không kiểm soát tốt chỉ số đường huyết dễ gây ra các biến chứng, ảnh hưởng sức khỏe, thậm chí tử vong.

Bà N.T.V. (65 tuổi, ở TP.Vũng Tàu) vừa phải trải qua cuộc phẫu thuật đoạn chi dưới chân trái. Bà mắc tiểu đường nhiều năm nay và điều trị ngoại trú. Thế nhưng, do cơ thể dư cân, béo phì, mỡ máu cao, lại ít vận động, chế độ sinh hoạt chưa hợp lý dẫn đến đường huyết trong máu thường xuyên ở mức cao.

Đầu tháng 3 vừa qua, bà V. vào Bệnh viện Vũng Tàu trong tình trạng sốt cao, nhiễm trùng nặng ở cẳng chân bên trái. Bà còn bị xơ vữa mạch máu nên máu lưu thông và nuôi các chi kém. Vì vậy, bác sĩ quyết định phẫu thuật đoạn chi dưới chân trái của bà V. để hạn chế tình trạng viêm loét, nhiễm trùng, hoại tử lây lan sang các chi khác. Trước đó, bà V. bị hoại tử và phải cắt cụt ngón cái của chân phải. Đây là trường hợp điển hình của biến chứng tiểu đường.

Tại phòng lọc máu (Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Vũng Tàu) ghi nhận khoảng 30% trường hợp bị suy thận do biến chứng tiểu đường gây ra. Trong đó có những ca bệnh còn trẻ tuổi.

Chị N.T.H.A., (phường 5, TP.Vũng Tàu) mới 40 tuổi, nhưng mắc bệnh tiểu đường từ 10 năm nay. 5 năm trở lại đây, chị bị suy thận giai đoạn cuối do biến chứng của tiểu đường. Mỗi tuần chị phải đến Bệnh viện Vũng Tàu lọc máu 3 lần, cùng với sức khỏe hạn chế nên chị không thể đi làm như trước. Ánh mắt chị đượm buồn và lo lắng khi có ai hỏi về tình trạng bệnh của mình. “Tôi vừa mắc tiểu đường và suy thận, nên phải vào viện thường xuyên. Sự sống của tôi bây giờ phụ thuộc vào lọc máu”, chị A. nói.

Người đang mắc bệnh tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, thừa cân, béo phì, ít vận động, chế độ ăn, uống thừa năng lượng; lạm dụng rượu, bia, thuốc lá; gia đình có người bị bệnh… sẽ có nguy cơ cao mắc tiểu đường. Do đó, cần chủ động phòng ngừa bệnh bằng cách kiểm soát cân nặng phù hợp với thể trạng, tăng cường vận động, ăn nhiều rau quả, không hút thuốc, uống rượu bia với lượng vừa phải, thường xuyên xét nghiệm đường máu định kỳ.

Cần kiểm soát tốt chỉ số đường huyết

Theo bác sĩ, tiểu đường còn gây ra các bệnh lý khác như: bệnh võng mạc gây mù lòa, bệnh thần kinh, cơ tim, tăng nguy cơ nhiễm trùng, nhiễm trùng nấm da niêm mạc… Khi bị tiểu đường, bệnh nhân cần kiểm soát được chỉ số đường huyết tốt, có lối sống lành mạnh, tích cực, thì có thể mới trì hoãn được nguy cơ biến chứng nói trên trong thời gian dài. Ngược lại, người bệnh không được chẩn đoán, điều trị sớm và duy trì đường huyết ổn định, khả năng các biến chứng phát triển sớm hơn, diễn tiến nặng, gây tàn phế, giảm chất lượng cuộc sống.

Do vậy, việc phát hiện tiểu đường sớm, để đi khám và điều trị có ý nghĩa quan trọng, nhằm hạn chế bệnh nặng và giảm các biến chứng có thể xảy ra. Bệnh này được phân thành 3 loại, gồm: tiểu đường type1, type 2 và tiểu đường thai kỳ. Tiểu đường thường gặp những triệu chứng chung, cảnh báo sớm như: thường xuyên cảm thấy đói và khát, sụt cân, đi tiểu thường xuyên, nhìn mờ, mệt mỏi, các vết loét không lành.

Bác sĩ Vũ Thị Phương Nga, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc (Bệnh viện Vũng Tàu) cho rằng, khi bị tiểu đường, bệnh nhân cần phải đi khám định kỳ, tuân thủ uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Người bệnh cần thực hiện chế độ ăn uống, sinh hoạt, vận động hàng ngày theo chỉ dẫn của nhân viên y tế để kiểm soát cân nặng của cơ thể, không để tăng cân, béo phì. Người bệnh lưu ý, không được dùng các loại thuốc nam, thuốc lá không rõ nguồn gốc xuất xứ, gây tổn thương gan, thận, nguy hại đến sức khỏe của bản thân người bị tiểu đường.

Bài, ảnh: TUỆ LÂM

.
.
.