Bệnh viện Y học cổ truyền (YHCT) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang gặp nhiều thách thức, bao gồm lượng bệnh nhân sụt giảm nghiêm trọng, trang thiết bị xuống cấp và tình trạng thiếu hụt nhân sự.
![]() |
Lượng bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh sụt giảm thời gian qua do thay đổi chính sách. |
Vì sao số lượng bệnh nhân giảm mạnh?
Từ tháng 3/2025 đến nay, số bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện YHCT tỉnh giảm khoảng 80-90% so với trước. Nếu như trước đây, trung bình mỗi ngày, bệnh viện có khoảng 300 người bệnh đến khám thì nay chỉ có vài chục ca bệnh.
Một bác sĩ ở Khoa Khám bệnh cho hay, từ ngày 1/3 trở về trước, lượng bệnh nhân đông, nên công việc. Mỗi ngày bác sĩ này khám cho 60-65 bệnh nhân. Hơn một tháng nay, lượng bệnh nhân giảm mạnh nên chỉ khám 20-30 ca bệnh/ngày.
Lý giải về tình trạng bệnh nhân giảm đột ngột, lãnh đạo Bệnh viện YHCT tỉnh cho biết, sau khi bệnh viện được thành lập, Sở Y tế không duy trì Phòng khám ngoại trú về YHCT của Bệnh viện Bà Rịa. Vì thế, bệnh nhân được chuyển đến khám tại Bệnh viện YHCT tỉnh. Đây cũng là nguồn bệnh nhân chủ yếu của bệnh viện, chiếm 85-90%. Thế nhưng, từ ngày 1/3/2025, Sở Y tế cho phép Bệnh viện Bà Rịa mở lại Phòng khám ngoại trú về YHCT, nên số lượt người bệnh chuyển đến Bệnh viện YHCT tỉnh ngày càng ít.
Bất cập ở chỗ, mặc dù là cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu chuyên khoa tuyến tỉnh nhưng Bệnh viện YHCT không có đầu thẻ BHYT đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu. Do đó, người dân muốn đến khám phải làm giấy chuyển tuyến từ Bệnh viện Bà Rịa, hoặc trung tâm y tế, phòng khám đa khoa trên địa bàn tỉnh. Trong khi đó, các trung tâm y tế huyện, thành phố, phòng khám đa khoa tư nhân đều triển khai khám, chữa bệnh YHCT, phục hồi chức năng. Vì vậy, số lượt bệnh nhân chuyển tuyến ngày càng giảm. Đây được xác định là 2 nguyên nhân chính khiến cho lượng bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện YHCT tỉnh sụt giảm nhiều trong thời gian gần đây.
Thiếu nhân lực và trang thiết bị xuống cấp
Bác sĩ Nguyễn Thị Uyên Chi, Phó Giám đốc Bệnh viện Y học tỉnh cho hay, đơn vị vẫn còn gặp nhiều khó khăn khác, ảnh hưởng đến hoạt động và phát triển chuyên môn. Bệnh viện đi vào hoạt động gần 7 năm. Nhiều trang thiết bị phục vụ công tác chẩn đoán, điều trị,… đã xuống cấp, đã sửa chữa nhiều lần, chi phí sửa chữa lớn. Thiết bị chỉ được cấp với định mức 1-2 cái nên chưa đáp ứng nhu cầu người dân. Bệnh nhân vẫn phải chờ đợi đến lượt điều trị.
Bác sĩ Chi thông tin thêm, đến cuối năm 2024, bệnh viện có 465 máy móc, thiết bị y tế đủ tiêu chuẩn là tài sản cố định. Trong đó, có 14 máy móc, thiết bị hư hỏng không sử dụng được, sử dụng kém hiệu quả, gồm: máy đo độ loãng xương, máy chiếu chụp X-quang di động, máy phá rung tim và tạo nhịp, máy điều trị siêu cao tầng…
Bên cạnh đó, Bệnh viện YHCT tỉnh còn thiếu nhân sự. Đến nay, bệnh viện có 61/68 chỉ tiêu được giao. Trong số này có 35 nhân viên y tế làm công tác chuyên môn, nhưng 4 người chưa có chứng chỉ hành nghề. Bệnh viện mới chỉ có 11 bác sĩ. Cùng với nhân lực, nguồn bệnh hạn chế nên cơ cấu tổ chức của bệnh viện chưa đầy đủ. Từ khi thành lập đến nay, bệnh viện mới thực hiện chỉ tiêu 50 giường bệnh do Sở Y tế giao, đạt 50% quy mô giường bệnh của đơn vị. Bệnh viện cũng chưa tổ chức được hoạt động dinh dưỡng, chưa có căng tin phục vụ bệnh nhân, thân nhân nên ảnh hưởng đến công tác điều trị nội trú.
Giải pháp để vượt qua khó khăn
Để tháo gỡ cho những khó khăn nói trên, Bệnh viện YHCT tỉnh sẽ thành lập Phòng khám đa khoa để xin phân bổ đầu thẻ BHYT đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu. Thành lập đơn vị điều trị và chăm sóc giảm nhẹ bằng YHCT, phối hợp với y học hiện đại, phục hồi chức năng cho bệnh nhân ung thư. Triển khai một số bàn khám dịch vụ. Tăng cường tiếp nhận điều trị ban ngày để tăng tỷ lệ sử dụng công suất giường bệnh, phát triển các kỹ thuật chuyên sâu về YHCT, phục hồi chức năng. Qua đó để thu hút bệnh nhân đến khám, điều trị tại bệnh viện. Mặt khác, bệnh viện đã có các tờ trình gửi Sở Y tế xin chủ trương thanh lý các trang thiết bị y tế không sử dụng được, hư hỏng nhiều, đồng thời xin chủ trương mua sắm mới trong năm 2025 để đơn vị bổ sung các thiết bị phục vụ bệnh nhân.
Bài, ảnh: TUỆ LÂM