GIẢI BÁO CHÍ ĐÔNG NAM BỘ

Vinh danh tác phẩm truyền cảm hứng phát triển, vì hạnh phúc người dân

Thứ Sáu, 28/03/2025, 16:13 [GMT+7]
In bài này
.

*Báo Bà Rịa-Vũng Tàu đoạt giải Nhì với tác phẩm “Học sinh chỉ cần đến trường không cần đóng học phí”

Lễ trao Giải Báo chí miền Đông Nam Bộ lần thứ III-2025 diễn ra vào sáng 28/3, tại Bình Phước. Giải quy tụ gần 200 tác phẩm từ các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, phản ánh sâu sắc những chuyển biến của vùng Đông Nam Bộ, truyền cảm hứng phát triển, vì hạnh phúc Nhân dân; đấu tranh loại bỏ những rào cản, tiêu cực nội vùng.

Nhà báo Lục Thị Khánh Chi, Báo Bà Rịa-Vũng Tàu nhận giải Nhì thể loại báo in, báo điện tử.
Nhà báo Lục Thị Khánh Chi, Báo Bà Rịa-Vũng Tàu nhận giải Nhì thể loại báo in, báo điện tử.

Nhiều tác phẩm đầu tư công phu, tính phát hiện cao

Theo đánh giá của Hội đồng Giám khảo, nhiều tác phẩm đoạt giải có tính phát hiện cao, nguồn tư liệu phong phú và góc nhìn độc đáo, góp phần tạo nên sự cạnh tranh lành mạnh giữa các tác giả, đồng thời nâng cao chuẩn mực nghề nghiệp của báo chí khu vực. 

Phổ đề tài các tác phẩm rất rộng, phản ánh rõ nét cuộc sống sống động của con người, vùng đất, cũng như những mong muốn vươn lên trên mọi lĩnh vực của các tỉnh, thành trong khu vực. Đó là những khu công nghiệp ở Biên Hòa, Đồng Nai tiên phong xây dựng nhà máy xanh, thông minh (Báo Đồng Nai); đó là đời sống đổi thay, ấm no, hạnh phúc của người dân dọc dòng Sông Bé oai hùng (Báo Sài Gòn Giải Phóng); hay chính sách nhân văn, vì cộng đồng với tác phẩm: “Học sinh chỉ cần đến trường, không cần đóng học phí” (Báo Bà Rịa-Vũng Tàu); “Khát vọng sống-Hành trình 16 năm giúp những phận nghèo” (Báo Bình Phước); Megastory “Nghĩa nặng tình sâu”... Mảng đề tài về bảo vệ môi trường cũng luôn được quan tâm, phản ánh: “Phòng, chống khai thác khoáng sản trái phép: Hiệu quả từ sự đồng bộ”; “Bảo vệ rừng-sự sống còn” (Báo Bình Thuận)...

Nhiều tác phẩm dự thi đã thể hiện rõ vai trò của báo chí trong việc giám sát, phản biện xã hội, đồng hành cùng chính quyền địa phương trong công cuộc cải cách, đổi mới. Không ít bài viết sau khi đăng tải đã tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ, góp phần tháo gỡ vướng mắc, khơi dậy tinh thần đổi mới sáng tạo trong cộng đồng.

Phát biểu tại lễ trao giải, nhà báo Nguyễn Khắc Văn, Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo Sài Gòn Giải Phóng, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo cho biết: Số lượng tác phẩm năm nay tham gia ít hơn so với 2 mùa giải trước, nhưng các tác phẩm được đầu tư công phu và có chất lượng cao, gắn với thực tiễn sôi động của địa phương và khu vực, góp phần thúc đẩy chất lượng báo chí của từng cơ quan dự giải.

Các tác phẩm vào chung kết đã đại diện cho sự đổi mới và phát triển của báo chí khu vực; thể hiện sự đóng góp tích cực của các nhà báo trong việc phản ánh và định hướng dư luận xã hội, trong trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi cơ quan báo chí khu vực Đông Nam Bộ.

Giải Báo chí miền Đông Nam Bộ lần thứ III nhận được gần 200 tác phẩm dự thi thuộc 4 loại hình báo chí. 80 tác phẩm xuất sắc nhất đã được lựa chọn vào chung khảo, trong đó Hội đồng Giám khảo đã quyết định trao 22 giải thưởng, gồm: 2 giải Nhất, 4 giải Nhì, 6 giải Ba và 10 giải Khuyến khích.

Nổi bật các vấn đề nhân sinh

Nhà báo Lục Thị Khánh Chi (Báo Bà Rịa-Vũng Tàu), tác giả của tác phẩm “Học sinh chỉ cần đến trường không cần đóng học phí” (giải Nhì)  chia sẻ: Với những chính sách đặc thù cho giáo dục, năm 2024, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã về đích sớm ở mục tiêu miễn giảm học phí, trở thành “điểm sáng” khi là một trong những tỉnh đầu tiên trên cả nước nói chung và khu vực Đông Nam Bộ nói riêng xây dựng được nền giáo dục miễn phí về học phí. Đây là bước tiến dài và vững chắc trên hành trình xây dựng nên giáo dục phổ thông hoàn toàn miễn phí. Đồng thời thực hiện phương châm “dân thụ hưởng” một cách cụ thể, thiết thực và nhân văn.

Loạt bài viết đã thể hiện sâu sắc những giá trị mà chính sách đem lại qua thực tế cuộc sống của người dân, hành trình đưa chính sách đi vào cuộc sống một cách kịp thời, đúng đối tượng. Đặc biệt, với phương châm “báo chí giải pháp”, loạt bài cũng gửi gắm mong muốn, tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân để đóng góp cho việc xây dựng và triển khai chính sách trong thời gian tới hợp lòng dân và thực tiễn cuộc sống.

Tại giải lần này, ở thể loại hình truyền hình, Đài PT-TH Bà Rịa-Vũng Tàu đạt giải Nhất với phóng sự 4 kỳ “Lao động trẻ em-Từ luật cho đến thực tiễn”. Tác phẩm đã chạm vào vấn đề gai góc, nhức nhối về tình trạng trẻ em lao động sớm. Các nhà báo đã không ngại dấn thân, tiếp cận thực tế, đối thoại với nhiều bên để có cái nhìn toàn diện, khách quan.

Chia sẻ về quá trình tác nghiệp phóng sự này, nhà báo Bùi Thị Thắm, tác giả cho biết: Nhiều DN, cơ sở sử dụng lao động trẻ em tìm cách né tránh nên việc kiểm tra, giám sát của ngành chức năng gặp khó khăn và không thể phát hiện. Do đó, để thâm nhập vào thực tế cuộc sống và nơi làm việc của những trẻ em lao động sớm, các nhà báo đã hóa thân vào các vai người lao động làm việc trong chính các ngành nghề sử dụng trái phép lao động trẻ em. Cùng với đó, các tác giả tìm hiểu kỹ hệ thống pháp luật liên quan, gặp gỡ các cơ quan chuyên môn, các chuyên gia trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em, tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, chặt chẽ.

“Sau khi loạt phóng sự phát sóng, các cơ quan chức năng đã vào cuộc kiểm tra, xử lý tình trạng các cơ sở, đơn vị, DN sử dụng trẻ em trái pháp luật; đồng thời hỗ trợ các em học nghề, bổ túc văn hóa, hỗ trợ trẻ em làm giấy khai sinh để có thể đến trường...”, nhà báo Bùi Thị Thắm cho hay.

Ngoài ra, Đài PT-TH Bà Rịa-Vũng Tàu còn nhận 1 giải Khuyến khích với phóng sự “Cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu: Dự án của ý Đảng, lòng dân” của nhà báo Huỳnh Thị Thuỳ Dung-Phan Xuân Trường.

HẢI BÌNH - NGUYỄN THI

 
;
.