Tuyển sinh đại học, cao đẳng 2025: Thí sinh cần định vị bản thân trước nhiều biến động

Chủ Nhật, 23/02/2025, 17:08 [GMT+7]
In bài này
.

Năm 2025 được xem là “cột mốc đặc biệt” khi lứa HS đầu tiên học theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018 tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ với nhiều đổi mới. Năm nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT có những điều chỉnh lớn và công tác tuyển sinh ĐH, CĐ cũng thay đổi theo để phù hợp tình hình mới.

ThS. Phạm Doãn Nguyên tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp cho các em HS lớp 12 Trường THPT Vũng Tàu (TP.Vũng Tàu).
ThS. Phạm Doãn Nguyên tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp cho các em HS lớp 12 Trường THPT Vũng Tàu (TP.Vũng Tàu).

Nhiều thay đổi về tuyển sinh

Cung cấp thông tin trước kỳ tuyển sinh, PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) cho hay, Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ ĐH, tuyển sinh trình độ CĐ ngành Giáo dục Mầm non sẽ được ban hành trong tháng 2 này. Từ dự thảo công bố và tiếp thu ý kiến góp ý, quy chế chính thức sẽ có những điều chỉnh so với dự thảo công bố lấy ý kiến trước đó.

Trước hết, năm nay sẽ không còn xét tuyển sớm và tất cả tuân theo quy trình xét tuyển chung. Riêng xét tuyển thẳng, được thực hiện theo đúng quy chế của Bộ GD-ĐT. Bên cạnh đó, các trường ĐH, CĐ dùng kết quả bậc THPT để xét tuyển, theo yêu cầu trong quy chế, là dùng kết quả học tập của cả năm lớp 12.

Không chỉ vậy, việc các cơ sở đào tạo có cách thức quy đổi tương đương giữa các phương thức và tổ hợp xét tuyển là điều bắt buộc. Điều này dẫn đến việc các trường không cần phân bổ chỉ tiêu giữa các phương thức xét tuyển.

Một điểm mới tiếp theo, các trường được quyền quy đổi các chứng chỉ ngoại ngữ thành điểm ngoại ngữ để xét tuyển. Do đó, thí sinh không nhất thiết tham dự môn thi ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT nếu có chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định. Quy chế cũng bỏ yêu cầu mỗi ngành, mỗi chương trình có tối đa 4 tổ hợp xét tuyển. Đặc biệt, quy định yêu cầu số môn chung giữa các tổ hợp xét tuyển phải chiếm trọng số 50% chỉ bắt đầu được áp dụng từ năm 2026, chứ chưa triển khai từ năm 2025 này.

Cũng theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, kỳ tuyển sinh năm nay, điểm cộng ưu tiên của mỗi thí sinh không vượt quá 10% mức điểm tối đa (điểm cộng này là sau khi đã cộng điểm ưu tiên khu vực, ưu tiên đối tượng). Đồng thời tổng điểm xét của thí sinh không vượt quá mức điểm tối đa. Ngoài ra, ngưỡng điểm đảm bảo khối ngành sức khoẻ và đào tạo giáo viên sẽ giữ như quy chế hiện hành, chưa áp dụng những điều chỉnh này ngay trong năm nay.

Thí sinh cần làm tốt việc “định vị”

Thông tin tại chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề - Sáng tương lai” năm 2025, ThS. Phạm Doãn Nguyên, Phó Hiệu trưởng Trưởng ĐH Hoa Sen cho biết, hiện nay các trường ĐH đang chờ quy chế chính thức của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, nhiều trường ĐH đã công bố đề án xét tuyển dự kiến. Theo đó, các trường vẫn sử dụng nhiều phương thức xét tuyển khác nhau như xét tuyển học bạ, xét tuyển thẳng, xét tuyển kết quả kỳ thi đánh giá năng lực, xét tuyển kết hợp bên cạnh phương thức sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT.

Trước những thay đổi và công tác tuyển sinh ĐH, CĐ, ThS. Phạm Doãn Nguyên lưu ý thí sinh chú trọng 3 yếu tố: định vị bản thân, định vị nghề nghiệp và định vị thị trường lao động.

Để chuẩn bị cho kỳ tuyển sinh sắp tới, thí sinh cần tập trung ôn tập tập để có thể đạt mức điểm tốt nhất, nhằm tăng cơ hội xét tuyển vào các trường ĐH. Điều tiếp theo thí sinh cần quan tâm chính là “định vị” bản thân, nghĩa là xác định về năng lực, sở trường, tính cách, sự đam mê, yêu thích với các ngành nghề. Từ đó “định vị” được ngành nghề mà mình muốn lựa chọn. “Mỗi ngành nghề có những yêu cầu về phẩm chất, tố chất khác nhau. Thí sinh phải tìm hiểu không chỉ hào quang mà còn cả khoảng lặng của các ngành nghề đó để xác định được bản thân mình có phù hợp hay không”, ThS. Phạm Doãn Nguyên nói.

Cùng với đó, một yếu tố không thể bỏ qua là định vị thị trường lao động. Thị trường lao động tại nơi mà các em muốn gắn bó có cơ hội phát triển ngành nghề mà các em lựa chọn hay không. Ngoài ra, thí sinh còn cần phải “định vị” trường học. Mỗi trường có ưu điểm, thế mạnh khác nhau nên phải định vị kỹ môi trường học tập, chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên, cũng như uy tín và danh tiếng các trường ĐH, CĐ trước khi đưa ra lựa chọn.

TS. Phạm Tấn Hạ, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.Hồ Chí Minh) thì nhận định, trong quá trình đồng hành cùng chương trình tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp, ông nhận thấy nhiều thí sinh chưa hiểu rõ ngành học mà mình muốn lựa chọn, về nhưng kiến thức, kỹ năng cần trang bị, cũng như cơ hội việc làm… TS. Hạ lưu ý thí inh nên tìm hiểu kỹ thông tin, cân nhắc, suy nghĩ lựa chọn về ngành học, trường học, thông tin về học phí, học bổng… xem có phù hợp điều kiện, hoàn cảnh để gắn bó lâu dài hay không.

Ngoài ra, TS. Phạm Tấn Hạ còn đề cập tới khả năng dịch chuyển của ngành trong sự vận động không ngừng của xã hội và xu hướng đào tạo liên ngành, xuyên ngành để đáp ứng thị trường lao động hiện đại. Theo đó, nhiều trường ĐH quan tâm tới việc trang bị kiến thức cơ bản, nền tảng để SV có khả năng thích ứng với sự dịch chuyển về ngành nghề, có khả năng làm việc xuyên ngành, liên ngành.

KHÁNH CHI

;
.