Thận trọng với bệnh viêm màng não do não mô cầu

Thứ Sáu, 14/02/2025, 16:53 [GMT+7]
In bài này
.

Là 1 trong 10 bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong hàng đầu ở Việt Nam, viêm màng não do não mô cầu có thể cướp đi mạng sống chỉ trong 24 giờ và để lại nhiều di chứng về thể chất lẫn trí tuệ.

Tiêm vaccine là giải pháp tốt nhất để phòng ngừa viêm màng não mô cầu.
Tiêm vaccine là giải pháp tốt nhất để phòng ngừa viêm màng não mô cầu.

Tử vong sau một ngày khởi phát bệnh

Từ đầu năm 2024 đến nay, tại Hà Nội, Bắc Kạn đã ghi nhận một số ca mắc viêm màng não mô cầu. Theo Cục Y tế Dự phòng, bệnh có tỷ lệ tử vong cao lên đến 50% nếu không điều trị kịp thời. Cứ 5 người may mắn thoát chết sẽ có 1 người bị khuyết tật cả đời như chậm phát triển trí tuệ, điếc, liệt, tàn tật…

Bệnh có hai thể phổ biến nhất là viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết và các thể khác ít gặp hơn như viêm phổi, viêm khớp, viêm màng ngoài tim, viêm kết mạc… Lứa tuổi nào cũng có nguy cơ mắc bệnh nhưng ba nhóm có tỷ lệ nhiễm cao hơn là trẻ dưới 5 tuổi, thanh thiếu niên 15-24 tuổi, người bị suy giảm miễn dịch.

Bệnh có các triệu chứng ban đầu như sốt, khó chịu, đau họng... dễ bị chẩn đoán nhầm với nhiều bệnh hô hấp khác. Cụ thể, trong 0-8 giờ đầu, các triệu chứng không đặc hiệu (giống như cúm) gồm đau đầu, sốt, viêm họng, sổ mũi, biếng ăn, buồn nôn. Từ giờ thứ 9-15, xuất hiện tử ban, lạnh tay chân, cứng cổ, sợ ánh sáng. Từ 16-24 giờ, bệnh nhân co giật, mê sảng, mất ý thức, tử vong.

Ghi nhận trên thực tế, thời điểm nhập viện của đa số bệnh nhân vào giờ thứ 19, quá trễ để điều trị.Theo thống kê của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, tỷ lệ mắc bệnh viêm màng não mô cầu ở Việt Nam lên đến khoảng 2,3/100.000 dân. Đây là một trong 6 căn bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong cao nhất.

Bệnh viêm màng não mô cầu tiến triển rất nhanh, gây tử vong cho trẻ trong vòng 24 giờ nếu không được điều trị kịp thời. Khoảng 50%-70% trẻ nhập viện do viêm não mô cầu có nguy cơ tử vong. Nếu may mắn được cứu sống, vẫn có khoảng 20% trẻ bị di chứng như bại não, chậm phát triển tâm thần vận động, suy thận cấp, tổn thương gan, đoạn chi.

Viêm não mô cầu lây truyền trực tiếp qua đường hô hấp với các hạt nước bọt vi khuẩn não mô cầu từ người nhiễm sang mũi họng của người cảm nhiễm. Lây truyền bệnh qua đồ vật rất hiếm xảy ra.

Hiện có 13 nhóm huyết thanh não mô cầu gây bệnh, trong đó có 6 nhóm huyết thanh thường gặp và nguy hiểm nhất (A, B, C, Y, W-135, X).

Trong đó, viêm màng não mô cầu xâm lấn là một dạng viêm màng não do vi khuẩn não mô cầu gây ra có thể tấn công bất cứ ai. Theo Cục Y tế Dự phòng, ổ chứa của vi khuẩn não mô cầu trong tự nhiên là người. Thực tế, trong các đợt dịch bệnh do não mô cầu, có tới trên 50% số người khoẻ mạnh mang vi khuẩn não mô cầu.

Làm sao để phòng tránh?

Để ngăn chặn và phòng ngừa viêm màng não lây lan trong cộng đồng, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo tiêm chủng là giải pháp tốt nhất để phòng ngừa viêm màng não mô cầu. Đồng thời, đặt ra lộ trình toàn cầu với tầm nhìn “Đánh bại viêm màng não” đến năm 2030 cùng mục tiêu giảm 50% số ca viêm màng não có thể phòng ngừa bằng vaccine.

Bên cạnh tiêm vaccine, Cục Y tế Dự phòng cũng khuyến cáo người dân nên thực hiện các biện pháp như: vệ sinh cá nhân, môi trường sống và đến cơ sở y tế ngay khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, nôn…

Bên cạnh đó, người sống trong địa phương có dịch cần chủ động xét nghiệm và cách ly để tránh bệnh lây lan trong xã hội. Nếu có biểu hiện bệnh thì bạn cần tới các cơ sở y tế uy tín để được điều trị và phục hồi nhanh chóng.

HẢI YẾN

;
.