Cách đây đúng 70 năm, trong Thư gửi hội nghị cán bộ y tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn “lương y phải như từ mẫu”. Khắc ghi lời dạy của Bác, cán bộ, nhân viên y tế của tỉnh nỗ lực rèn luyện y đức, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp phục vụ bệnh nhân.
![]() |
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Tùng (Trưởng Khoa Khám bệnh - Cấp cứu, Bệnh viện Mắt tỉnh) khám bệnh cho người dân. |
Cụ thể hóa lời dặn của Bác
Nhiều năm liền, Bệnh viện Mắt tỉnh đạt tỷ lệ hài lòng của người bệnh ở mức rất cao. Năm 2024, bệnh nhân nội trú hài lòng đạt 99,7%, bệnh nhân ngoại trú hài lòng đạt 99,6%. Có được kết quả ấn tượng này là do Bệnh viện Mắt tỉnh triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, có việc học tập và vận dụng linh hoạt, cụ thể hóa lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phẩm chất cao quý của người thầy thuốc “lương y như từ mẫu” vào công việc.
Bệnh viện phát động, mỗi năm, mỗi nhân viên phải đưa ra ít nhất 3 hành động đổi mới, hướng tới người bệnh, lấy người bệnh làm trung tâm. Mỗi việc làm dù nhỏ đã khơi dậy và nâng cao ý thức, trách nhiệm, thái độ phục vụ, chất lượng dịch vụ y tế cho bệnh nhân.
13 năm gắn bó với Bệnh viện Mắt tỉnh, bác sĩ Nguyễn Hoàng Tùng, Trưởng Khoa Khám bệnh - Cấp cứu được người bệnh yêu quý và tin tưởng. Gương mặt hiền lành, giọng nói nhẹ nhàng, mỗi khi khám bệnh, bác sĩ đều chủ động hỏi thăm bệnh nhân trước để họ thoải mái và chia sẻ vấn đề đang gặp phải. Sau khi khám, bác sĩ Tùng thông báo, giải thích cặn kẽ tình hình bệnh cho người dân một cách khoa học, đơn giản và dễ hiểu. Bác sĩ thường xuyên hỏi lại bệnh nhân để kiểm tra người bệnh đã nắm rõ về tình trạng bệnh, phương pháp điều trị hay chưa. Điều này giúp bệnh nhân yên tâm và tuân thủ điều trị theo chỉ dẫn.
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Tùng luôn nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ chuyên môn, phục vụ vào theo dõi, điều trị cho người dân tốt nhất. Bác sĩ có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học có giá trị, ứng dụng vào thực tiễn. Trong số đó phải kể đến đề tài đánh giá giai đoạn bệnh cườm nước bằng sự kết hợp cấu trúc và chức năng; khảo sát áp lực dịch não tuỷ bằng công thức đơn giản với các trị số cân nặng, chiều cao, huyết áp; nghiên cứu Redcap test để đánh giá trên lâm sàng bệnh nhân có vấn đề về cườm nước giai đoạn nặng hay bệnh lý dây thần kinh mắt…
“Học tập Bác về chuẩn mực y đức quan trọng nhất ở thái độ và nâng cao chất lượng y tế phục vụ bệnh nhân. Trong quá trình làm việc, tôi luôn ý thức được điều này nên phải tận tụy, tận tâm, giúp đỡ người bệnh để họ yên tâm điều trị, góp phần cải thiện tình trạng sức khỏe cho bệnh nhân”, bác sĩ Nguyễn Hoàng Tùng nói.
Làm tròn y đức, nâng cao chuyên môn
Theo Sở Y tế, cùng với thấm nhuần lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “lương y phải như từ mẫu”, đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế của ngành còn thực hiện nghiêm túc 12 điều y đức do Bộ Y tế quy định. Đây trở thành “kim chi nam” và là nhiệm vụ xuyên suốt của mỗi nhân viên cần phải thực hiện, hướng tới mục tiêu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân.
Hàng năm, ngành tổ chức học tập, nghiên cứu, quán triệt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với nhiệm vụ cụ thể của từng đơn vị. Mỗi cá nhân gắn với công việc thực tế tại cơ quan. Trong đó, tập trung vào các nội dung liên quan đến đạo đức người thầy thuốc; quy tắc ứng xử, đổi mới phong cách, thái độ và nâng cao kỹ thuật chuyên môn, mở rộng dịch vụ y tế; xây dựng đơn vị y tế xanh, sạch, đẹp.
Để thực hiện hiệu quả nội dung trên, các cơ sở y tế trên địa bàn thực hiện nhiều biện pháp như tổ chức hội thi tìm hiểu về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đối với ngành y tế; tập huấn, nâng cao kỹ năng và giao tiếp với bệnh nhân; ký cam kết thực hiện quy tắc ứng xử, giao tiếp và y đức. Quan trọng hơn hết, mỗi nhân viên y tế tự giác học tập nâng cao trình độ chuyên môn, tu dưỡng, rèn luyện, làm tròn y đức, tâm huyết với nghề.
Trên bàn tay trái của chị Phạm Thị Thúy Đông (Điều dưỡng trưởng Khoa điều trị nội trú nữ, Bệnh viện Tâm thần tỉnh) còn hằn vết thương do bệnh nhân cào cấu. Chị gặp chuyện này thường xuyên, nhất là khi tiếp xúc, chăm sóc, giao tiếp với những trường hợp vừa nhập viện trong tình trạng kích động, chống đối, không chịu ăn uống. Khi gặp những ca bệnh này, chị Đông phải cùng các đồng nghiệp hỗ trợ để trấn an, làm dịu cảm xúc người bệnh.
Chị chia sẻ, khoa có khoảng 50 bệnh nhân/ngày. Hầu hết người bệnh không có thân nhân đến thăm và chăm sóc. Những công việc từ ăn, nghỉ ngơi, uống thuốc, thậm chí vệ sinh cá nhân đều do các điều dưỡng như chị thực hiện. Cực nhất vẫn là nhiều lúc đêm khuya, bệnh nhân đánh nhau, chị phải có mặt kịp thời can ngăn và giải quyết ổn thỏa cho người bệnh. Công việc áp lực, đối diện với nhiều nguy cơ tổn thương về thể xác và tinh thần do người bệnh gây ra, song chị Đông chưa từng có ý định chuyển công tác.
“Bệnh nhân tâm thần không có người thân bên cạnh cần được quan tâm, yêu thương, chăm sóc và đồng cảm nhiều hơn. Tôi nghĩ đây là lương tâm và trách nhiệm của tôi dành cho người bệnh”, chị Đông cho hay.
Bài, ảnh: TUỆ LÂM