Người dân gọi ông Phạm Đăng Khoa, Bí thư Chi bộ khu phố 4 (phường 7, TP. Vũng Tàu) bằng cái tên gần gũi, thân thương là “ông Khoa sửa điện gia dụng”.
![]() |
Ông Phạm Đăng Khoa sửa quạt cũ để tặng cho người nghèo. |
Trong căn nhà tại khu Trung tâm thương mại Vũng Tàu (4H1 Ngô Đức Kế, phường 7, TP. Vũng Tàu), ông Khoa dành một phòng ở tầng cao nhất để chứa các loại đồ điện tử, đồ gia dụng đã cũ hoặc hư hỏng. Căn phòng hơn 20m2 với hàng chục món đồ: nồi cơm điện, nồi chiên không dầu, lò nướng, lò vi sóng, ấm siêu tốc, bàn ủi, bếp điện, bếp từ, ti vi, máy tính, máy giặt, máy xay sinh tố, quạt cây, quạt treo tường… chất đống chờ ông sửa.
Xách hộp đựng đồ nghề gồm kìm, tuốc-nơ-vít, điện kế, máy khoan, giẻ lau, dung dịch vệ sinh… ông Khoa cẩn thận mở chiếc quạt cây đã cũ để sửa. Ông Khoa cho biết, chiếc quạt này bị cháy cuộn dây do nguồn điện hoạt động không ổn định nên ông đã mua và thay cuộn dây mới. Hì hục cả buổi ông mới sửa chữa, tân trang xong. Cắm thử vào ổ điện, quạt đã chạy ổn.
Ông Khoa để chiếc quạt sang một bên và bắt đầu sửa chữa, lau chùi chiếc máy vi tính khác. Ông nói: “Chiếc máy tính này trông cũ kỹ, nhưng sửa lại vẫn còn dùng tốt. Với nhiều người đó là đồ bỏ đi, nếu bán ve chai chỉ được vài chục ngàn đồng, nhưng sửa lại, máy chạy tốt thì nó vẫn có thể giúp được một em học sinh có máy tính học suốt mấy năm”.
Vừa làm, ông Khoa chậm rãi kể, ông là kỹ sư điện có nhiều năm làm Điện trưởng tại giàn 3, giàn 6 Xí nghiệp Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro. Năm 2017 ông nghỉ hưu. Mỗi khi ra vỉa hè trước nhà chơi thể thao, ông thấy những người thu mua ve chai chở đồ điện cũ, hư hỏng nhưng vẫn còn có thể sử dụng tốt nếu được sửa chữa. Trong khi giá bán ve chai thì rẻ bèo mà người nghèo thì lại không có dùng. Từ suy nghĩ đó, sẵn có nghề điện, năm 2020 ông đề xuất Chi bộ khu phố 4, phường 7 thực hiện mô hình quyên góp thiết bị điện gia dụng hư hỏng, không có nhu cầu sử dụng mang về sửa chữa, tân trang và trao tặng các hộ nghèo, hộ gia đình khó khăn trên địa bàn phường.
Ý tưởng của ông được nhiều người đồng tình, hưởng ứng. Nhiều người đã mang đồ điện gia dụng, đồ điện tử hư, cũ đến nhà ông Khoa để sửa chữa, tân trang. “Món nào hư hỏng nhẹ thì mất 30 phút đến 1 tiếng nhưng có những món phải sửa cả ngày mới xong. Có cái thì chỉ vệ sinh, đánh bóng lại là dùng được nhưng cũng có những món đồ phải thay linh kiện mới. Ngoài chi phí do tổ dân vận hỗ trợ, tôi còn bỏ thêm tiền túi mua vật tư, linh kiện thay thế để món đồ nào qua tay tôi cũng có thể sử dụng được”, ông Khoa nói.
![]() |
Một chiếc máy vi tính cũ đang được ông Khoa sửa chữa, tân trang |
Sau khi hoàn thành việc sửa chữa, ông đăng lên nhóm của ban điều hành khu phố, thông qua tổ trưởng các khu dân cư trao tặng hộ dân hoàn cảnh khó khăn có nhu cầu sử dụng. Những chiếc ấm siêu tốc, những chiếc tủ lạnh, ti vi, máy giặt, lò vi sóng, bếp từ, bếp điện… lại có một vòng đời mới. Đến nay, đã có hàng trăm món đồ dùng, thiết bị đã được ông Khoa sửa chữa, tân trang trao tặng các gia đình khó khăn. “Với các đồ dùng cồng kềnh, khó lắp đặt như máy giặt, quạt treo tường… sau khi sửa chữa tôi tự tay giao đến tận nhà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, lắp đặt và hướng dẫn sử dụng”, ông Khoa kể.
Bà Nguyễn Thị S. (ngụ đường Ngô Đức Kế, phường 7), cho biết, bà rất vui khi nhận được nồi cơm điện do ông Khoa sửa chữa, thông qua phường trao tặng. “Với người khó khăn như chúng tôi, đây là món quà đầy ý nghĩa, phục vụ cho mục đích sinh hoạt gia đình”, bà S. nói.
Ông Trần Phương Minh, Phó Chủ tịch UBND phường 7 nhận xét: “Ông Phạm Đăng Khoa không chỉ là một bí thư chi bộ tận tâm, tận tụy mà còn là tấm gương tiêu biểu trong phong trào dân vận khéo của phường 7. Việc làm của ông đã góp phần lan tỏa tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, giúp nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn có đồ dùng, thiết bị để sử dụng cho mục đích học tập, giải trí, sinh hoạt hàng ngày.
Bài, ảnh: QUANG VŨ