Người dân tiếp cận dịch vụ y tế dễ dàng hơn

Thứ Ba, 25/02/2025, 17:27 [GMT+7]
In bài này
.

Hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị ở cơ sở y tế đồng bộ; đội ngũ y, bác sĩ ngày càng vững vàng về chuyên môn, nghiệp vụ. Đó là những yếu tố quan trọng, giúp các bệnh viện thuận lợi thực hiện các dịch vụ y tế chất lượng.

Việc triển khai nhiều kỹ thuật mới giúp việc chẩn đoán và điều trị bệnh cho người dân hiệu quả hơn. Trong ảnh: Một ca phẫu thuật của bác sĩ Bệnh viện Bà Rịa.
Việc triển khai nhiều kỹ thuật mới giúp việc chẩn đoán và điều trị bệnh cho người dân hiệu quả hơn. Trong ảnh: Một ca phẫu thuật của bác sĩ Bệnh viện Bà Rịa.

Phát triển kỹ thuật mũi nhọn

Bệnh viện Vũng Tàu được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại. Nổi bật nhất, bệnh viện có phòng mổ hybrid; hệ thống phẫu thuật nội soi; máy CT 128 lát cắt; máy MRI… Những điều kiện cần thiết này giúp Bệnh viện Vũng Tàu triển khai nhiều kỹ thuật chuyên sâu ở các khoa mũi nhọn như nội khoa, ngoại khoa, hồi sức, nhi - sơ sinh.

Bác sĩ Nguyễn Văn Bảy, Trưởng Khoa Ngoại tổng hợp (Bệnh viện Vũng Tàu) cho biết, khoảng 3 năm trở lại đây, khoa triển khai các kỹ thuật cao như phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa, khâu lỗ thủng dạ dày, nội soi cắt đại tràng và trực tràng, phẫu thuật nội soi lấy sỏi niệu quản. Khoa còn phẫu thuật, cứu sống thành công nhiều ca bệnh chấn thương nặng, tổn thương nghiêm trọng đến gan, tim, phổi, thận, lách.

Đơn cử, tối 18/1 vừa qua, anh N.V.C. (33 tuổi, phường Thắng Tam, TP.Vũng Tàu) bị tai nạn giao thông, dẫn đến đa chấn thương nặng. Bệnh nhân bị gãy nhiều xương sườn và đòn; vỡ gan độ 5, dập phổi, mất máu nhiều, trên cổ có vết thương dài 25cm. Khi vào Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Vũng Tàu), người bệnh còn ngưng tim và được nhân viên y tế hồi sức kịp thời.

Xác định vết thương đang đe đọa tính mạng người bệnh nên Khoa Ngoại tổng hợp đã tiến hành phẫu thuật cấp cứu khẩn cấp. Nhờ vậy, đã cứu sống được anh C. “Chồng tôi bị tai nạn nặng, cứ nghĩ sẽ có chuyện xấu. May bác sĩ phẫu thuật kịp thời, nay sức khỏe của anh dần bình phục”, vợ anh C. chia sẻ.

Nhằm đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe của Nhân dân, cùng với được đầu tư trang thiết bị y tế, Bệnh viện Bà Rịa cử đội ngũ y, bác sĩ tham gia các lớp đào tạo, nâng cao chuyên môn. Bệnh viện còn hợp tác với đơn vị y tế tuyến trên chuyển giao kỹ thuật khó. Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực, thế mạnh của bệnh viện gồm: tim mạch can thiệp, chấn thương chỉnh hình, ngoại thần kinh, ung bướu, phẫu thuật nội soi. Nhiều bệnh nhân tin tưởng, lựa chọn điều trị tại Bệnh viện Bà Rịa.

Bác sĩ Dương Thanh, Giám đốc Bệnh viện Bà Rịa thông tin, bệnh viện ngày càng có thêm nhiều kỹ thuật nên hoạt động phẫu thuật diễn ra thường xuyên. Chỉ tính năm 2024, bệnh viện phẫu thuật ngoại khoa cho gần 2.380 ca, chấn thương xương 5.115 ca, phẫu thuật sọ não 295 trường hợp, phẫu thuật ung bướu hơn 190 ca, phẫu thuật nội soi hơn 1.850 ca. Qua đó, góp phần đem lại sự hài lòng cho người bệnh dao động từ 96-99%/tháng.

Giảm tỷ lệ bệnh nhân chuyển tuyến

Theo định hướng phát triển do Sở Y tế đưa ra trong giai đoạn tiếp theo, các đơn vị y tế từ tuyến tỉnh đến cơ sở tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh. Trong đó, đặt ra mục tiêu đến năm 2030, 2 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh phải đạt các tiêu chí bệnh viện hạng 1. Điều này đòi hỏi các cơ sở y tế phải phát triển thêm các chuyên khoa, tương ứng với dịch vụ y tế xứng tầm, đội ngũ nhân lực có tay nghề cao.

Bác sĩ Thái Đàm Hạnh, Trưởng Khoa Ung bướu (Bệnh viện Bà Rịa) cho biết, tỷ lệ chuyển viện ngoại trú của bệnh nhân ung bướu trên địa bàn tỉnh chiếm 38,5%. Chứng tỏ nhiều kỹ thuật, mặt bệnh chưa được thực hiện và đây cũng là tiềm năng phát triển của đơn vị. Khoa xây dựng đề án phát triển giai đoạn 2024-2030 và tầm nhìn đến 2045. Mục tiêu đến năm 2030, khoa tuyển dụng thêm 4 bác sĩ, 16 điều dưỡng, đồng thời nâng quy mô từ 45 lên 60 giường bệnh. Khoa còn thành lập các đơn vị chuyên sâu về phẫu thuật, hóa trị, chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung bướu. Dự kiến từ 2024-2030, Khoa Ung bướu thực hiện 18 kỹ thuật lâm sàng và cận lâm sàng mới. Những kỹ thuật này do bệnh viện tuyến trên chuyển giao, gồm: phẫu thuật nội soi cắt dạ dày, cắt cổ tử cung, ung thư phụ khoa, ung thư tuyến giáp…

“Chúng tôi hy vọng thực hiện được đề án này sẽ giảm tỷ lệ bệnh nhân chuyển tuyến lên Bệnh viện Ung bướu TP.Hồ Chí Minh còn 20%”, bác sĩ Hạnh nói.

Sở Y tế cho rằng, muốn nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Các bệnh viện hợp tác xây dựng và phát triển mạng lưới y tế chuyên sâu từ tuyến cuối đến cơ sở. Từ đó, hình thành các chuyên khoa theo quy mô vùng Đông Nam Bộ, với các bệnh lý, có nguy cơ tử vong cao như: ung bướu, tim mạch, đột quỵ, ngoại chấn thương, sản nhi. Mặt khác, tiếp tục phát triển nguồn nhân lực y tế thông qua tuyển dụng, thu hút bác sĩ có trình độ cao về làm việc; gắn với đào tạo nguồn nhân lực theo từng chuyên khoa. Song song đó, nhân viên y tế cần nâng cao tinh thần, trách nhiệm, nhiệt huyết với nghề nhằm tạo sự tin tưởng và thu hút người bệnh.

Bài, ảnh: HỒNG PHƯƠNG

;
.