Đến nay, 100% trạm y tế (TYT) trên địa bàn tỉnh đã có bác sĩ làm việc ít nhất 2 buổi/tuần. Nhờ đó, chất lượng y tế tuyến cơ sở đã từng bước nâng lên, phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn.
![]() |
Bác sĩ Nguyễn Thị Nhung (Trung tâm Y tế TP.Bà Rịa) khám bệnh cho người dân ở Trạm Y tế phường Kim Dinh. |
Khi trạm y tế có bác sĩ
Huyện Châu Đức có 16 TYT. Trong đó, 11 trạm có bác sĩ cơ hữu, còn 5 trạm có bác sĩ của Trung tâm Y tế huyện đến làm việc 2 buổi/tuần. Những bác sĩ cơ hữu ở trạm đều gắn bó, yên tâm làm việc, phục vụ bệnh nhân ở tuyến xã. Nhờ đó, chất lượng khám, chữa bệnh ở các TYT ngày càng cải thiện. Người bệnh yên tâm hơn khi có bác sĩ làm việc tại trạm.
Bác sĩ Lê Quang Phước, Trưởng TYT xã Suối Rao có 29 năm công tác tại trạm. Làm việc ở tuyến y tế cơ sở trong suốt thời gian dài giúp bác sĩ Phước hiểu rõ và nắm bắt các loại bệnh mà người dân địa phương thường mắc phải. Trung bình mỗi ngày, bác sĩ Phước khám, tư vấn và điều trị cho khoảng 10 bệnh nhân. Hầu hết họ mắc các bệnh về tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
Bác sĩ Phước còn thực hiện khám các chuyên khoa nội, nhi, sản, sơ cấp cứu ban đầu cho người bệnh. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, ông thường xuyên tham gia học tập các lớp nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Đến nay, ông là bác sĩ chuyên khoa 1 về y học gia đình. “TYT xã Suối Rao được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc men theo phân tuyến kỹ thuật. Nhờ vậy, công việc của tôi cũng thuận lợi, bệnh nhân tin tưởng nên tôi yên tâm gắn bó ở đây để chăm sóc sức khỏe cho người dân”, bác sĩ Phước nói.
Bà Hoàng Thị Thường (59 tuổi, ở thôn 2, xã Suối Rao) mắc bệnh tăng huyết áp và viêm khớp. Bà thường xuyên đến TYT xã Suối Rao để khám và lấy thuốc về uống. Mỗi lần đến trạm, bà đều được bác sĩ thăm khám, tư vấn cẩn thận, cấp thuốc đầy đủ nên sức khỏe của bà Thường duy trì ổn định. Bà cho biết: “TYT gần nhà, bác sĩ tận tình nên tôi yên tâm điều trị ở trạm, đi lên tuyến trên vất vả và tốn kém hơn”.
Cùng với Châu Đức, một số địa phương khác cũng bố trí bác sĩ cơ hữu về làm việc tại TYT. Trong đó, huyện Long Đất có 6 trạm, huyện Xuyên Mộc có 5 trạm. Các bác sĩ này đều tốt nghiệp bác sĩ đa khoa, y học cổ truyền. Lực lượng này được trung tâm y tế các huyện điều chuyển từ trung tâm về hoặc tuyển dụng mới. Các bác sĩ đều tâm huyết, vận dụng và phát huy các kiến thức được đào tạo, kết hợp sử dụng các trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc vào công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân.
![]() |
Bác sĩ Lê Quang Phước, Trưởng Trạm Y tế xã Suối Rao (huyện Châu Đức) kiểm tra đường huyết cho người dân. |
Đáp ứng nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe ban đầu
Ở các địa phương khác chưa có điều kiện bố trí bác sĩ cơ hữu cho các TYT, trung tâm y tế đã thực hiện luân chuyển bác sĩ của đơn vị về làm việc tại trạm, ít nhất 2 buổi/tuần. Đây là giải pháp hiệu quả trong thực hiện Đề án 1816 của Bộ Y tế cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Các trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đều thực hiện chủ trương trên đối với những TYT chưa có bác sĩ cơ hữu. Qua đó, góp phần bao phủ bác sĩ đến làm việc tại 100% TYT trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, giúp chất lượng y tế ở tuyến xã ngày càng được nâng lên, giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.
Từ năm 2024 đến nay, vào sáng thứ Năm và chiều thứ Sáu hàng tuần, bác sĩ Nguyễn Thị Nhung (Trung tâm Y tế TP.Bà Rịa) lại có mặt tại TYT phường Kim Dinh để khám bệnh cho người dân. Từ khi có bác sĩ, người bệnh đến khám, lấy thuốc đông y tại trạm nhiều hơn, khoảng 10-20 người/buổi. Bệnh nhân của trạm thường mắc các bệnh mãn tính về khớp, thoái hóa, rối loạn tuần hoàn não, đau đầu, mất ngủ nên phải đi khám thường xuyên. Do vậy, được điều trị ở cơ sở y tế gần nhà mang lại thuận tiện cho bệnh nhân.
Hiện nay, toàn tỉnh có 79 trạm y tế. Trong năm 2024, các trạm y tế đã khám, chữa bệnh cho hơn 380.960 lượt bệnh nhân. |
“Với tôi, làm việc ở đâu cũng là phục vụ người bệnh. Khi về TYT phường Kim Dinh, tôi mong muốn được gắn kết, giúp đỡ bà con nhiều hơn để họ cải thiện sức khỏe”, bác sĩ Nhung cho hay.
Không chỉ thực hiện nhiệm vụ khám, chữa bệnh, những bác sĩ từ trung tâm y tế tuyến huyện luân phiên về các TYT còn chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi chuyên môn, triển khai các dịch vụ y tế ở tuyến xã. Qua đó, giúp nhân viên y tế tuyến xã được nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe ban đầu cho người dân địa phương.
Mặt khác, TYT còn phát huy hiệu quả sử dụng các trang thiết bị y tế và thuốc men được cấp. Đồng thời, bác sĩ còn tham mưu cho đơn vị y tế tuyến trên những bất cập cũng như nhu cầu của bệnh nhân để kịp thời có định hướng tháo gỡ và đầu tư cho các TYT xã.
Bài, ảnh: TUỆ LÂM