Trên không gian mạng, trẻ em có thể học tập, giải trí, kết nối bạn bè dễ dàng. Tuy nhiên, để xây dựng không gian mạng an toàn, lành mạnh, trang bị cho trẻ những kỹ năng bảo vệ bản thân, cần sự chung tay của các cơ quan, trường học, gia đình phối hợp thực hiện.
![]() |
Ông Thiều Quang Cường dành thời gian, cùng con học tập, tìm hiểu thông tin trên mạng internet để có sự định hướng kịp thời. |
Nhà trường định hướng
Tại diễn đàn “Hỗ trợ trẻ tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng” do Sở Thông tin - Truyền thông tổ chức tại Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, TP.Vũng Tàu mới đây, 300 HS của trường đã cùng trao đổi với các chuyên gia và được hướng dẫn pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em trên không gian mạng, nhận biết những nội dung xấu, độc không nên xem... tránh xa những nội dung mang tính bạo lực, cổ súy bạo lực; các hành vi vi phạm trên không gian mạng; các hình thức lừa đảo trực tuyến; cách sử dụng mạng xã hội an toàn, hiệu quả…
“Thực tế, mâu thuẫn trên mạng ở lứa tuổi học sinh rất dễ dẫn đến các xung đột ngoài nhà trường. Do đó, nhà trường và gia đình cần giám sát chặt chẽ, khi phát hiện sự việc cần trao đổi, có giải pháp phù hợp để giúp các em giải tỏa mâu thuẫn, tránh phát sinh các sự cố đáng tiếc”, thầy Nguyễn Gia Vương, Bí thư Đoàn Trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho biết. Bên cạnh đó, nhà trường chủ động cho HS sinh hoạt dưới cờ, định hướng các em sử dụng không gian mạng lành mạnh; GVCN các lớp cũng tổ chức sinh hoạt chuyên đề để định hướng thêm cho các em.
Theo thống kê, Việt Nam hiện có gần 80 triệu người sử dụng mạng xã hội, chiếm hơn 79% dân số cả nước. Có 82% trẻ em trong độ tuổi 12-13 và 93% trẻ em từ 14-15 tuổi tiếp cận, sử dụng các thiết bị kết nối internet. |
“Em thấy các diễn đàn rất cần thiết, giúp tụi em trao đổi thẳng thắn những băn khoăn hoặc điều chưa hiểu và được giải đáp kịp thời”, Nguyễn Ái Minh Trang, HS lớp 10D1 nói. Theo Minh Trang, bản thân em cũng từng bị 1 người tự xưng là công an mời đến làm việc vì thông tin mã định danh cá nhân không đúng. Tuy nhiên, em đã được hướng dẫn nên biết đó là hành vi lừa đảo. Minh Trang cho rằng, HS chưa đủ kỹ năng để đánh giá các thông tin, video trên mạng đâu là đúng, đâu là chưa phù hợp nên rất cần sự định hướng của chuyên gia, nhà trường.
Gia đình giám sát
Bên cạnh trường học, vai trò của gia đình, phụ huynh nhằm thiết lập lá chắn bảo vệ con em của mình tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng và cảnh báo các em về việc sử dụng internet an toàn.
Ông Thiều Quang Cường (374/19/18, Bùi Thiện Ngộ, phường Rạch Dừa, TP.Vũng Tàu) có 2 con đang học lớp 5 và lớp 9. Ông cho biết, từ khi các con còn nhỏ, gia đình đã lập quy ước, mỗi ngày, các con được xem tivi tối đa 1 giờ; sử dụng máy tính để học và chơi từ 1-2 giờ. Ông Cường chủ động sử dụng tính năng kiểm soát của phụ huynh, bên cạnh chọn cài đặt nội dung, hai vợ chồng ông quản lý lịch sử xem và tìm kiếm từ bên trong cài đặt tài khoản của con mình...
“Phần lớn thời gian các cháu giải Toán, tiếng Anh trên mạng, đọc truyện, hoặc chơi game, coi youtube. Chúng tôi không quá khắt khe nhưng vẫn kiểm soát trên cơ sở tôn trọng con và bảo vệ con. Từ đó các cháu sử dụng mạng internet đúng mục đích, cha mẹ cũng yên tâm hơn”, ông Cường nói.
Theo chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An, Nghiên cứu sinh tâm lý, Trường ĐH Sư phạm TP.Hồ Chí Minh, cha mẹ dù bận rộn công việc, cũng cần chú ý, quan tâm các con, quy định thời gian sử dụng mạng xã hội, internet trong ngày; cân bằng hợp lý việc học cũng như hoạt động thể chất khác. Đồng thời, tích cực phối hợp với nhà trường, đơn vị chức năng định hướng, tạo cho trẻ những kỹ năng cần thiết khi sử dụng mạng và động viên, giúp đỡ, bảo vệ trẻ nếu xảy ra những sự việc tiêu cực khi sử dụng mạng.
Bài, ảnh: MINH QUANG