Đăng ký khám bệnh từ xa, liên thông dữ liệu, khám, chữa bệnh (KCB) BHYT bằng CCCD gắn chíp và ứng dựng VNeID, bệnh án điện tử… là những giải pháp đang được ngành y tế tích cực triển khai nhằm hướng tới mục tiêu phục vụ bệnh nhân và nâng cao hiệu quả hoạt động của bệnh viện.
![]() |
Nhân viên Bệnh viện Bà Rịa hướng dẫn người bệnh đăng ký khám, chữa bệnh từ xa. |
Thuận tiện cho bệnh nhân
Anh N.T.A. (35 tuổi, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc) bị viêm gan. Những lần đi khám trước, anh phải đến Bệnh viện Bà Rịa từ sớm bốc số và chờ đợi đến lượt. Từ khi, bệnh viện đăng ký khám bệnh từ xa trên trang http://bvbr.hsoft.vn hoặc quét mã QR, anh A. chủ động đặt lịch khám ở nhà. “Tôi thấy đăng ký khám bệnh từ xa khá thuận lợi, không mất nhiều thời gian. Chỉ cần vào website của bệnh viện, hoặc quét mã QR để đăng nhập, chọn ngày, giờ khám và phòng khám và xác nhận đăng ký nữa là xong”, anh A. nói.
Ông Trần Văn Hùng, Trưởng Phòng Công nghệ thông tin (Bệnh viện Bà Rịa) cho hay, đăng ký khám bệnh từ xa được Bệnh viện Bà Rịa triển khai từ năm 2024 đến nay. Qua đó, người dân chủ động thời gian đi khám bệnh, không phải chờ đợi, quy trình tiếp nhận thông tin người bệnh nhanh chóng, thuận tiện và chính xác hơn. Người dân không mất phí khi sử dụng dịch vụ này.
Ngoài ra, bệnh viện triển khai đăng ký KCB bằng thẻ CCCD gắn chip tích hợp BHYT bằng 2 hình thức: qua cây kios thông minh và dùng thiết bị đọc mã QR quét CCCD gắn chíp. Điều này giúp người bệnh đăng ký khám nhanh hơn, không phải mang nhiều loại giấy tờ khi đến bệnh viện.
Bệnh viện Bà Rịa còn từng bước số hóa bệnh án điện tử. Trong đó, Khoa Khám bệnh và Khoa Xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh đã thực hiện trả kết quả, chẩn đoán bệnh 2 chiều, giúp nhân viên y tế phục vụ người bệnh tốt hơn.
Những cơ sở y tế khác trên địa bàn tỉnh cũng đang thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số. Bệnh viện Vũng Tàu triển khai bệnh án điện tử ngoại trú ở Khoa Y học cổ truyền vào đầu năm 2024. Khoa sử dụng chữ ký số trên toa thuốc. Hồ sơ bệnh án của người dân được lưu trữ trên máy tính.
Khi tái khám, người bệnh không cần mang bệnh án trước đó. Việc này nhằm đơn giản hóa thủ tục khám bệnh, hồ sơ cho bệnh nhân. Tiến tới, Khoa Y học cổ truyền sẽ thực hiện bệnh án điện tử nội trú.
Bên cạnh đó, Bệnh viện Vũng Tàu còn liên thông dữ liệu và chữ ký số đối với giấy khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, giấy chứng tử; KCB bằng VNeID, VSSID, CCCD gắn chíp... thay thế cho thẻ BHYT; trả kết quả KCB trực tuyến bằng mã QR. Đồng thời, tăng cường thực hiện thanh toán viện phí điện tử, thông qua ứng dụng momo, quét thẻ ATM, quét mã QR trên phiếu thanh toán.
Thời gian tới, ngành y tế tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06, gắn với cải cách hành chính trong ngành để hướng tới mục tiêu nâng cao chỉ số hài lòng của người dân đối với các dịch vụ y tế công. |
95% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử
Theo Sở Y tế, ngành đã đăng ký thực hiện các khâu đột phá về chuyển đổi số gồm: ứng dụng công nghệ thông tin trong KCB, thúc đẩy chuyển đổi số trong thanh toán không dùng tiền mặt và ứng dụng công nghệ thông tin trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Các cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh tích cực triển khai các giải pháp, góp phần hoàn thành các mục tiêu do ngành đề ra.
Đến cuối năm 2024, các cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh triển khai nhiều hệ thống hỗ trợ KCB từ xa. Điển hình như hệ thống hỗ trợ KCB Telemedicine giữa Bệnh viện Bà Rịa và Trung tâm Y tế Quân dân y huyện Côn Đảo và các bệnh viện tuyến trên.
Bệnh viện Bà Rịa tư vấn KCB từ xa 24/7 miễn phí cho người dân qua app VOV BASIC24. Bệnh viện Vũng Tàu thực hiện hỗ trợ KCB từ xa qua app của Medpro.Trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố có hệ thống KCB từ xa VnCare. Các giải pháp này đang mang lại hiệu quả cho người bệnh.
Ngoài ra, đến nay, 100% cơ sở KCB ký hợp đồng với BHXH sử dụng thẻ CCCD gắn chíp tích hợp BHYT trong KCB. Tất cả hồ sơ KCB được đẩy tự động lên cổng dữ liệu Bộ Y tế và cổng giám định BHYT, trong đó tỷ lệ giám định trực tuyến hồ sơ gửi đúng ngày đạt hơn 98%. Các cơ sở KCB còn sử dụng các phương thức thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. Tỷ lệ và số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt trong các cơ sở y tế, bệnh viện của tỉnh đạt 87%. Tất cả các trạm y tế trên địa bàn tỉnh đã triển khai phần mềm quản lý sức khỏe điện tử cho hơn 1 triệu người dân, đạt 95%.
Bài, ảnh: HỒNG PHƯƠNG