Hòa thuận với "bà cô bên chồng"

Thứ Sáu, 07/02/2025, 15:54 [GMT+7]
In bài này
.

Nếu như quan hệ mẹ chồng - nàng dâu được xem là mối quan hệ phức tạp, căng thẳng nhất trên đời thì chắc chắn vị trí thứ hai sẽ thuộc về quan hệ chị/em chồng - nàng dâu với nhiều xung đột chẳng kém. Tuy nhiên, nếu bạn để ý đôi chút, không khó để sống vui vẻ, hòa thuận với những “bà cô bên chồng” khó tính.

Người chồng nên tạo nhiều hoạt động có sự tham gia của hai chị em để giúp họ gần gũi và hiểu nhau hơn.
Người chồng nên tạo nhiều hoạt động có sự tham gia của hai chị em để giúp họ gần gũi và hiểu nhau hơn.

Áp lực vì “bà cô bên chồng” khó tính

Từ khi bước chân về làm dâu, chị Trang mới thấm thía hết ý nghĩa của câu nói: “Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng”. Trái ngược với sự yêu thương và quý mến từ ba mẹ chồng, chị gái của chồng lại tỏ ra ghét cay ghét đắng, chưa bao giờ hài lòng với bất cứ chuyện gì mà chị Trang làm trong nhà.

Chị Trang là đầu bếp của một khách sạn 4 sao nên về nữ công gia chánh hay nấu ăn, nấu cỗ chị đều làm tốt, nhiều món đặc trưng từ trong Nam, ngoài Bắc chị đều “cân” giỏi. Ấy thế mà bữa cơm nào chị chồng cũng bĩu môi chê bai: “Cô chỉ giỏi cái mồm, còn lại làm cái gì cũng dở. Cơm canh nấu không ai nuốt nổi, đụng cái gì hỏng cái đấy”.

Nhiều hôm làm đêm, chị Trang được mẹ chồng ưu ái cho ngủ dậy muộn. Thế là ngày nào tầm 7h chị Trang mới dậy là y như rằng chị chồng lại cau có: “Đi làm dâu mà ngủ bỏng mắt, để mẹ và chị chồng lo từ cơm sáng đến cơm trưa. Đúng là cái loại không biết điều”.

“Đi làm đã mệt, về nhà cũng áp lực từ phía chị chồng, nói chồng thì chồng không hiểu, không có tiếng nói gì rõ ràng khiến tôi vô cùng mệt mỏi”, chị Trang kể.

Tương tự, hơn 2 năm về làm dâu, chị Tâm cũng chịu nhiều áp lực từ cô em chồng khó tính. Cô em chồng bằng tuổi chị Tâm, tưởng chừng hai người hoàn toàn hợp nhau về phong cách, lối sống để thân thiết, hòa thuận với nhau, thế nhưng chuyện lại hoàn toàn khác, giữa hai người luôn có sự ngăn cách, cô em chồng công khai không ưa chị dâu và thậm chí thường xuyên xét nét, cà khịa chị ngay trước mặt mọi người. “Tôi mua sắm cái gì, nấu nướng món gì cô ấy cũng không đụng đến, có khi còn chê thẳng. Khi bị ba mẹ chồng góp ý, cô nàng xụ mặt ra rồi bỏ lên phòng”, chị Tâm kể.

Có lần, không nhịn được nữa, chị Tâm và em chồng đã xảy ra xung đột. Chị Tâm đã buột miệng nói một câu khiến em chồng không bao giờ quên được. Đó là câu nói “Tính cô như vậy thì khó lấy chồng lắm”. Và cho đến bây giờ, mặc dù được sự yêu thương chiều chuộng của chồng lẫn ba mẹ chồng, song chị Tâm vẫn sống không thoải mái bởi thái độ, sự bất hợp tác của cô em chồng khó tính.

“Bà cô bên chồng” - không khó lấy lòng như bạn nghĩ

Người ta vẫn thường ví “Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng” là để mô tả sự ghê gớm, đáo để, xét nét từ những cô chị gái/em gái của chồng với vợ của anh trai/em trai. Giặc Ngô hung hãn, hiếu chiến là thế, vậy mà chị/em chồng còn hung hãn hơn thì chắc chắn các nàng dâu cũng không dễ dàng sống chung. Muốn gia đình ấm êm, hạnh phúc thì trước hết, mối quan hệ chị/em chồng - nàng dâu phải hòa thuận, bền chặt.

Có lẽ không ai có thể tránh được những vấn đề nảy sinh, những va chạm từ các mối quan hệ. Đặc biệt là mâu thuẫn giữa những người sống chung nhà lại càng không thể nào tránh được. Vì thế, nếu có ý định lấy chồng, làm dâu, các cô gái trẻ cần chuẩn bị tinh thần rằng mình bao giờ cũng phải tự bỏ qua cái tôi cá nhân để hòa nhập với nếp sinh hoạt của gia đình chồng, không nên giữ sự khác biệt để tránh tạo nên khoảng cách giữa các thành viên trong nhà.

Tiếp đó là phải biết kiên nhẫn trước mọi khác biệt. Đây là nguyên tắc quan trọng bởi không ai trong chúng ta giống nhau. Nếu bạn có thể chấp nhận sự khác biệt của mọi người, tại sao không chấp nhận chị/em gái của chồng, cho dù cô ấy không giống bạn, thậm chí... chẳng giống ai. Hãy thật bình tĩnh trước mọi cư xử bạn cho là “trái khoáy” từ cô ấy. Sự bình tĩnh, kiên nhẫn luôn giúp bạn tìm ra được giải pháp thông minh nhất cho mọi vấn đề.

Một khi đã xảy ra va chạm, nàng dâu và chị/em chồng cứ trao đổi thẳng thắn trên tinh thần xây dựng thay vì tỏ thái độ chống đối, cãi vã hay bàn tán, nói xấu sau lưng vì như thế dễ đẩy tình hình đi quá xấu, mối quan hệ sẽ thực sự khó cứu vãn. Nói chung, cách ứng xử mềm mỏng, tôn trọng nhưng không quá nhu nhược, mềm yếu sẽ giúp mối quan hệ của cả hai không rơi vào trạng thái khó chịu.

Đừng quên rằng đức lang quân của bạn có một vai trò vô cùng to lớn giúp bạn dễ dàng gẫn gũi hơn với em chồng. Bởi anh ấy vừa là chồng bạn nhưng cũng là anh trai của cô ấy, vậy nên đây có thể xem như chiếc cầu nối của bạn và em chồng. Người đàn ông phải biết ứng xử, phải có cách giải quyết hợp lý, không thể để mặc chiến trận cho những người đàn bà. Người chồng nên tạo nhiều hoạt động có sự tham gia của hai chị em để giúp họ gần gũi và hiểu nhau hơn.

Về phía các “bà cô”, mọi người cũng nên suy nghĩ thấu đáo vấn đề để có thể mở lòng mình hơn mà chung sống hòa thuận với nàng dâu. Cùng là phụ nữ với nhau, sẽ đến lúc chị em cũng phải về làm dâu nhà khác, hãy nghĩ đến tình cảnh bản thân cũng gặp phải hoàn cảnh giống như vậy thì cảm giác sẽ ra sao.

Cho đi là nhận lại, mình đối xử chân thành thì sẽ nhận lại được tấm chân tình. Chị em chồng và nàng dâu nếu làm được những điều trên, chắc chắn sẽ có được mối quan hệ chị/em chồng – nàng dâu hòa thuận như mong đợi.

THẢO NGUYÊN

;
.