Đừng để chị em dâu như bầu nước lã

Thứ Sáu, 14/02/2025, 16:54 [GMT+7]
In bài này
.

Mối quan hệ giữa các chị em dâu thường được ví như “bầu nước lã”. Vì thế trong gia đình có nhiều dâu vẫn luôn xảy ra những cuộc chiến ngầm khiến tình thân lắm lúc náo loạn.

Để dung hòa mối quan hệ giữa hai hay nhiều người phụ nữ cùng làm phận dâu con, cần phải có sự thật lòng và cố gắng nỗ lực của cả đôi bên.
Để dung hòa mối quan hệ giữa hai hay nhiều người phụ nữ cùng làm phận dâu con, cần phải có sự thật lòng và cố gắng nỗ lực của cả đôi bên.

Cuộc chiến giữa những “bầu nước lã”

Lấy chồng được 2 năm thì nhà mẹ chồng cưới vợ cho em trai chồng. Cũng từ đó, chị Duyên (phường 4, TP. Vũng Tàu) có thêm em dâu. Tưởng chừng có thêm em dâu sẽ vui cửa vui nhà, có thêm đồng minh nhưng ở lâu, chị Duyên càng phát chán với cô em dâu lúc nào cũng im im mà toàn nói xấu sau lưng.

Em dâu mới 22 tuổi nên xử sự rất trẻ con, cả hai vợ chồng chỉ biết hàng tháng đóng góp tiền ăn, còn những việc vặt trong nhà thì không chịu chia sẻ cùng chị dâu. Từ việc bếp núc đến dọn dẹp nhà cửa một tay chị Duyên phải làm, còn cô em dâu chưa bao giờ biết dọn cái nhà vệ sinh, nhà tắm cho sạch sẽ. Thậm chí rác thì cứ vứt ở hành lang, quần áo thay ra cũng không biết cho vào máy giặt.

“Nhiều lần bực quá mình nhắc nhở thì mới tự làm và tỏ vẻ khó chịu. Mình có phải người giúp việc của hai vợ chồng đâu”, chị Duyên bức xúc kể.

Va chạm mà chị Duyên gặp phải cũng chỉ là một trong số rất nhiều những mâu thuẫn nảy sinh khi chị em dâu sống chung. Chị em dâu thường bất hòa do nhiều nguyên nhân như sự khác biệt về địa vị xã hội, lợi ích kinh tế, giáo dục con cái, phân công công việc trong gia đình… Ngay cả khi sống riêng thì mối quan hệ giữa chị em dâu cũng ít khi tốt đẹp, hoàn hảo.

Về làm dâu nhà chồng đã 5 năm, song đến nay, chị Hà My (phường 3, TP. Vũng Tàu) vẫn không quen được cảm giác ngại ngùng khi chứng kiến chị dâu thể hiện “đẳng cấp” không thể so bì mỗi lần gia đình chồng có liên hoan hay giỗ chạp. Vợ chồng chị My đều là cán bộ nhà nước, làm hành chính nên thu nhập không thể so sánh với anh trai chồng làm dầu khí và chị dâu cũng làm vị trí quan trọng của một ngân hàng lớn có chi nhánh ở Bà Rịa-Vũng Tàu. Mỗi lần nhà có chuyện, trong khi vợ chồng chị My chỉ phụ được ít tiền sắm lễ, mua chút hoa quả thì vợ chồng anh chị gửi cả chục triệu đồng, mua toàn đồ cao cấp.

“Vừa tủi thân vì thấy điều kiện hai vợ chồng thua kém nhiều, vừa áp lực vì cảm giác bị coi thường khi đồ mình mua thường bị tống ra một góc”, chị My nhớ lại.

Còn chị Mỹ Hạnh (phường 10, TP. Vũng Tàu) chia sẻ, vợ chồng chị và vợ chồng cậu em chồng sống chung dưới một mái nhà, cùng phụng dưỡng bố mẹ chồng. Thế nhưng, em dâu chị không hiểu sao lại luôn nghĩ mẹ bênh chị dâu hơn mình nên sinh ra tính đố kỵ. Cô thường hay mỉa mai, cho rằng “mẹ chỉ quý chị dâu chứ có xem em ra gì đâu” hay “gia đình chị giàu hơn nên bố mẹ trọng chị hơn em”…

Ban đầu chị cố nhịn vì nghĩ em dâu tính nhạy cảm, thế nhưng áp lực cuộc sống lại thêm cô em dâu hay châm chọc khiến chị không chịu nổi cũng đáp trả lại, thế là quan hệ hai chị em trở nên căng thẳng, gia đình lúc nào cũng đầy áp lực.

Thuận hòa đôi bên

Trong tất cả các mối quan hệ của một gia đình, chị em dâu có khoảng cách xa hơn cả. Nếu anh em rể (cột chèo, đồng hao) thường tỏ ra thân thiết thì chị em dâu chẳng mấy khi hòa thuận. Trong gia đình, anh em ruột hòa thuận thì không khí trong nhà luôn vui vẻ, nhưng nếu mối quan hệ giữa chị em dâu không tốt thì khó tránh khỏi những chuyện khó xử, có khi trở thành những hệ lụy nặng nề. Bởi thế, giữa chị em dâu cùng đều phải học cách kiểm soát mối quan hệ của chính mình.

Tuy là việc hết sức khó khăn, nhưng vấn đề này chưa đến mức “bất khả thi”. Để dung hòa mối quan hệ giữa hai hay nhiều người phụ nữ cùng làm phận dâu con, cần phải có sự thật lòng và cố gắng nỗ lực của cả đôi bên.

Trước hết, chị em dâu nên chủ động làm bạn với nhau, thiết lập tình cảm thân thiết mà không có sự can thiệp từ người chồng. Cùng với đó là các chị em nên hiểu rằng mọi mối quan hệ bền vững đều cần đến sự chân thành, đó là yếu tố đầu tiên và vô cùng quan trọng, là nền tảng để xây dựng nên những điều tốt đẹp, giúp mọi người từ chỗ xa lạ trở nên gần gũi, khăng khít. Do đó, điều tối kỵ là “đâm bì thóc, chọc bì gạo”, nói xấu sau lưng.

Bên cạnh đó, mỗi người là một cá thể riêng biệt về hoàn cảnh sống, tính cách, điều kiện, công việc, khả năng… Do đó, hãy ngưng việc so sánh, ghen tỵ với người kia, từ đó “mua dây buộc mình” thành ra tự chuốc lấy ấm ức hoặc nảy sinh thái độ cao ngạo. Con nào thì cũng là con, cha mẹ nào cũng thương yêu con cái như nhau. Cho nên, không có lý do gì để chị dâu, em dâu cảm thấy bất bình chỉ vì một vài cử chỉ, lời nói mà họ cho rằng phụ huynh đang “thiên vị nhỏ đó”.

Bát đũa còn có lúc xô chạm, thì con người sống cùng một gia đình không thể tránh khỏi đụng độ dẫn đến mâu thuẫn. Tuy nhiên, nên hóa giải để chuyện lớn thành chuyện nhỏ, chuyện nhỏ như không có gì, tránh sứt mẻ tình cảm. 

THẢO NGUYÊN

;
.