.

Tập trung giám sát, phát hiện sớm dịch bệnh từ cơ sở

Cập nhật: 17:37, 13/01/2025 (GMT+7)

Năm 2024, nhiều bệnh truyền nhiễm có số ca mắc tăng cao và diễn biến phức tạp hơn so với năm 2023. Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), năm 2025, tình hình bệnh truyền nhiễm ở Việt Nam dự báo sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Do đó, ngành y tế Bà Rịa-Vũng Tàu tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp để phòng chống dịch bệnh.

Phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm vắc xin để phòng bệnh. Trong ảnh: Nhân viên Trạm Y tế phường 11 (TP.Vũng Tàu) tiêm vắc xin sởi cho trẻ em.
Phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm vắc xin để phòng bệnh. Trong ảnh: Nhân viên Trạm Y tế phường 11 (TP.Vũng Tàu) tiêm vắc xin sởi cho trẻ em.

Nhiều dịch bệnh gia tăng ca mắc

Năm 2024, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 322 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, tăng 317 ca so với năm 2023. Tỉnh có 2 ca tử vong do bệnh sởi. Đơn cử, trường hợp của chị N.T.B.N. (32 tuổi, ở phường Mỹ Xuân, TX.Phú Mỹ). Gia đình chị N. có 3 người mắc bệnh sởi. Cuối tháng 10/2024, chị bị ho, sốt, người mệt mỏi, nhưng lại không đi bệnh viện mà tự mua thuốc về uống. Sau gần 1 tuần, tình trạng bệnh nặng hơn, kèm theo phát ban, người nhà mới đưa chị nhập viện tại một cơ sở y tế ở Đồng Nai, sau đó chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.Hồ Chí Minh). Bác sĩ chẩn đoán chị mắc bệnh sởi, với một số biến chứng như hội chứng như suy hô hấp, viêm cơ tim, viêm phổi, suy đa cơ quan nặng… tiên lượng xấu. Nhận thấy chị N. khó qua khỏi nên người nhà xin về và bệnh nhân đã tử vong vào đầu tháng 11/2024.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh lý giải, giai đoạn 2020 đến năm 2023, tỉnh bị gián đoạn vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng nên tạo ra khoảng trống miễn dịch trong cộng đồng. Năm 2024, dịch sởi bùng phát từ TP.Hồ Chí Minh, lây lan nhanh ra các tỉnh lân cận. Nhiều ca mắc sởi của tỉnh có nguồn lây từ các bệnh viện tại TP.Hồ Chí Minh khi họ nằm viện. Đây là nguyên nhân chính khiến số ca sốt phát ban nghi sởi trong năm 2024 tăng cao so với năm trước. Trong số 322 ca sốt phát ban nghi sởi, có tới hơn 80% trường hợp chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh.

Bên cạnh dịch bệnh sởi, năm 2024, trên địa bàn tỉnh còn ghi nhận 2.390 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 442 ca so với năm 2023, trong đó 1 ca tử vong. Ngoài ra, tỉnh còn ghi nhận 2 trường hợp tử vong vì bệnh dại.

Theo thống kê của CDC tỉnh, trong năm 2024, tỉnh ghi nhận 17 bệnh truyền nhiễm, trong đó 13 bệnh có số ca mắc tăng so với năm 2023, gồm: sốt xuất huyết, sởi, ho gà hoặc nghi ho gà, quai bị, lao phổi…

Chủ động phòng chống

Ông Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) dự báo, năm 2025, tình hình bệnh truyền nhiễm ở Việt Nam sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong đó, sốt xuất huyết vẫn là một vấn đề thách thức y tế công cộng trên phạm vi toàn cầu. Bệnh này có nhiều yếu tố nguy cơ gây bệnh do biến đổi khí hậu, giao thương, du lịch phát triển, đô thị hóa, di dân gia tăng và sự đa dạng các vật chứa mầm bệnh.

Bệnh tay chân miệng cũng được dự báo là bệnh truyền nhiễm đáng lo ngại trong năm 2025 khi bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Tình trạng người dân còn chủ quan, lơ là thực hiện các biện pháp phòng bệnh còn phổ biến, đặc biệt tại các nhà trẻ, trường mầm non nên nguy cơ gia tăng số ca mắc.

Cùng với đó, bệnh sởi và một số bệnh dự phòng bằng vắc xin tiếp tục có nguy cơ gia tăng số ca mắc khi tỷ lệ tiêm chủng chưa đạt bao phủ cần thiết, có khả năng gia tăng các trường hợp nhập viện.

Trước tình hình này, Sở Y tế yêu cầu CDC tỉnh và các đơn vị, địa phương cần chủ động phòng chống, kiểm soát dịch bệnh mới nổi, tái nổi và không để dịch chồng dịch. Trong đó, tăng cường giám sát và có biện pháp phòng chống kịp thời các bệnh có số ca mắc cao, bảo đảm không để dịch bệnh bùng phát và lan rộng; Nâng cao năng lực y tế dự phòng từ tuyến tỉnh đến tuyến y tế cơ sở, dự báo, giám sát và phát hiện dịch bệnh sớm, khống chế kịp thời, có hiệu quả các dịch bệnh.

Bác sĩ Nguyễn Văn Thái, Phó Giám đốc Phụ trách Sở Y tế cho biết thêm, ngành sẽ đẩy mạnh thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng, tiếp tục duy trì tỷ lệ tiêm chủng mở rộng cho trẻ dưới 1 tuổi khi Bộ Y tế cung cấp đủ vắc xin. Đồng thời, chủ động kiến nghị, đề xuất với Bộ Y tế nhằm khắc phục tình trạng thiếu vắc xin để nâng cao tỷ lệ tiêm chủng, tạo miễn dịch trong cộng đồng, phát huy hiệu quả phòng, chống các bệnh.

Bài, ảnh: TUỆ LÂM

.
.
.