Nỗi lo mất an toàn thực phẩm ngày Tết

Chủ Nhật, 19/01/2025, 17:56 [GMT+7]
In bài này
.

 

* Phóng viên: Thưa bà, công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh đang gặp những tồn tại như thế nào?

- Bà Phùng Thị Hà Trang: Công tác bảo đảm ATTP được các cấp, các ngành tập trung thực hiện, nhưng vẫn còn lỗ hỏng. Điều này thể hiện rõ nhất trong tháng 11 và 12/2024, trên địa bàn tỉnh xảy ra liên tiếp 3 vụ ngộc độc thực phẩm và rượu, làm một trường hợp tử vong. Việc quản lý hoạt động ATTP hiện nay còn nhiều đầu mối nên công tác phối hợp trong các hoạt động quản lý, thanh tra, kiểm tra còn nhiều bất cập, chưa đạt hiệu quả cao.

Các địa phương chưa có cán bộ chuyên trách, chủ yếu kiêm nhiệm, chưa đủ năng lực giám sát chất lượng ATTP. Một số đoàn thanh tra, kiểm tra của tuyến xã, phường, thị trấn chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác kiểm tra và xử lý các cơ sở vi phạm ATTP. Khi phát hiện các cơ sở vi phạm, các đoàn kiểm tra chủ yếu nhắc nhở, chưa đưa ra biện pháp xử lý vi phạm hành chính đúng mức nên không có tính răn đe.

Ngoài ra, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm quy mô nhỏ lẻ nhiều và thường xuyên biến động, trong khi Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định các cơ sở này không phải cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP. Các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn trong cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ chưa rõ ràng nên khó khăn trong công tác quản lý. Một bộ phận cơ sở thực phẩm, hộ tiểu thương còn chạy theo lợi nhuận, cố tình sử dụng thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm không nguồn gốc xuất xứ và không  bảo đảm vệ sinh ATTP.

Chúng tôi lo ngại, trong dịp Tết Nguyên đán 2025, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân tăng cao, việc sản xuất, kinh doanh và vận chuyển các mặt hàng thực phẩm tăng lên, trong đó, có cả thực phẩm, hàng hóa không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc. Thậm chí vì lợi nhuận, một số tiểu thương có thể cho các loại hóa chất độc hại vào bảo quản thực phẩm. Ý thức chấp hành các quy định của người kinh doanh cũng hạn chế như không đeo khẩu trang, bao tay khi chế biến… cũng là những nguy cơ tiềm ẩn gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.

* Để bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến và người sử dụng thực phẩm cần nêu cao ý thức, trách nhiệm như thế nào, thưa bà?

- Đầu tiên, các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm phải tuân thủ đầy đủ các quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ và bảo đảm điều kiện sức khỏe của nhân viên tham gia sản xuất. Nguyên liệu thực phẩm, phụ gia và chất hỗ trợ chế biến phải được kiểm soát nghiêm ngặt về nguồn gốc, xuất xứ, và sử dụng đúng quy định về liều lượng. Các cơ sở phải tự công bố hoặc đăng ký công bố sản phẩm theo quy định. Đồng thời, chỉ được phép bán những thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, bao bì phải có nhãn phụ bằng tiếng Việt, thực phẩm nhập khẩu phải có thông tin đầy đủ và dễ hiểu.

Các cơ sở kinh doanh không được phép buôn bán thực phẩm giả, kém chất lượng hoặc thực phẩm đã hết hạn sử dụng. Thực phẩm cần được bảo quản trong điều kiện vệ sinh, bảo đảm an toàn trong vận chuyển và lưu kho.

Người tiêu dùng cần lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, không có dấu hiệu ôi thiu, mốc hoặc hỏng, nên mua thực phẩm từ những cơ sở bảo đảm ATTP. Người tiêu dùng không nên tích trữ thực phẩm quá lâu, đặc biệt vào dịp Tết nhằm tránh sử dụng thực phẩm không còn tươi ngon hoặc bị mất dinh dưỡng; sử dụng nước sạch, bảo đảm vệ sinh tay và các dụng cụ chế biến. Cần nấu chín kỹ thực phẩm và không để lẫn thực phẩm sống với thực phẩm đã chế biến. Thực phẩm sau khi chế biến xong cần được bảo quản kỹ lưỡng và đun lại trước khi ăn.

* Bà có khuyến cáo gì dành cho người dân lựa chọn và sử dụng thực phẩm trong ngày Tết?

- Vào dịp trước Tết, nguồn cung ứng thực phẩm tươi sống, rau củ quả, sản phẩm bánh kẹo, đồ chế biến sẵn rất dồi dào, đa dạng chủng loại. Tuy nhiên, để bảo đảm ATTP, người tiêu dùng cần lựa chọn sản phẩm tươi sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chọn các điểm mua sắm bảo đảm, uy tín, chất lượng. Các chợ, siêu thị thường mở cửa sau mùng 2 Tết nên không cần mua sắm, tích trữ thực phẩm. Người dân không nên mua nhiều thực phẩm vượt quá sức chứa của tủ lạnh, nhiệt độ của tủ có thể không đủ độ lạnh, dẫn đến thức ăn sẽ nhanh bị ôi thiu, gây ngộ độc thực phẩm. Người dân cẩn thận khi mua thực phẩm chế biến sẵn từ các cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ.

Bên cạnh đó, Tết cũng là thời điểm nhu cầu sử dụng rượu, bia gia tăng trong các buổi liên hoan, tất niên, sum họp gia đình. Điều này sẽ tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc rượu. Do đó, người dân cần uống rượu bia điều độ và chỉ sử dụng những sản phẩm có cồn có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, uy tín trên thị trường và được chứng nhận bảo đảm chất lượng, an toàn.

Nhân viên Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh lấy mẫu dầu ăn test nhanh độ ôi khét dầu mỡ tại một cơ sở thực phẩm ở TX.Phú Mỹ.
Nhân viên Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh lấy mẫu dầu ăn test nhanh độ ôi khét dầu mỡ tại một cơ sở thực phẩm ở TX.Phú Mỹ.

Tuyệt đối không tiêu thụ các loại rượu, đồ uống có cồn không rõ nguồn gốc và xuất xứ. Người dân hạn chế tiêu thụ các loại đồ uống có cồn ngâm các loại thảo dược, cây cỏ, động vật khi không biết rõ công dụng, nguồn gốc, các loại rượu chưng cất thủ công. Bởi những loại rượu này có thể chứa hàm lượng cao độc tố tự nhiên, aldehyde và furfural, những chất có thể gây ngộ độc cấp và mạn tính.

* Xin cảm ơn bà!

TUỆ LÂM (Thực hiện)

 
;
.