Khi thôn, ấp thông minh

Thứ Tư, 22/01/2025, 17:09 [GMT+7]
In bài này
.

Cùng với những tuyến đường hoa rực rỡ, những dãy nhà khang trang trong không gian xanh mát, các tiện ích của mô hình “thôn, ấp thông minh” đang mang lại sức sống mới và thịnh vượng cho làng quê huyện Châu Đức.

Ông Phạm Văn Sĩ cùng người dân ấp Gia Hòa Yên (xã Bình Giã) kiểm tra hệ thống camera giám sát an ninh  trật tự trong thôn.
Ông Phạm Văn Sĩ cùng người dân ấp Gia Hòa Yên (xã Bình Giã) kiểm tra hệ thống camera giám sát an ninh trật tự trong thôn.

Kết nối toàn dân bằng công nghệ số

Con đường dẫn vào ấp Gia Hòa Yên (xã Bình Giã) được thảm nhựa láng bóng, vỉa hè trồng hoa rực rỡ sắc màu với những dãy nhà khang trang, sạch đẹp. Tại trụ sở ấp, ông Phạm Văn Sĩ (Trưởng ấp Gia Hòa Yên) đang dùng điện thoại quét mã QR cổng thông tin điện tử huyện Châu Đức để cập nhật thông tin mới nhất của địa phương để thông báo cho người dân trong ấp. “Trụ sở thôn mới xây, có lắp đặt wifi nên người dân có thể kết nối thực hiện các dịch vụ trực tuyến, xem tin tức”, ông Sĩ giới thiệu.

Ấp Gia Hòa Yên là một trong 2 ấp của xã Bình Giã được lựa chọn thực hiện khâu đột phá về chuyển đổi số: “Mỗi xã có 2 thôn, ấp thông minh”. Ấp có 5 tổ dân cư với 1.400 nhân khẩu, trong đó có 7 hộ đồng bào dân tộc Châu Ro. Hơn nửa năm xây dựng “ấp thông minh” đã làm thay đổi nhiều mặt của đời sống người dân nơi đây.

Những nhóm zalo của tổ dân cư và ấp được lập ra để chuyển tải các chỉ đạo của xã, nhiệm vụ của thôn, thông báo về tình hình an ninh trật tự… giúp người dân kịp thời nắm bắt, thực hiện. Đồng thời là diễn đàn để người dân phản ánh, kiến nghị những vấn đề dân sinh. 

Ông Sĩ cho biết: Đến nay, 100% người dân trong ấp đều tham gia nhóm kết nối toàn dân và hoạt động của nhóm rất hiệu quả, mọi thắc mắc, kiến nghị của người dân được phản hồi, giải quyết kịp thời. Chẳng hạn, vụ việc hôm 5/12, chị An Nguyễn (ngụ ấp Gia Hòa Yên, xã Bình Giã) nhắn tin vào nhóm phản ánh việc nhiều ngày liền đơn vị thu gom “bỏ quên” rác của nhà chị. Chỉ vài phút sau, sự việc đã được lãnh đạo xã Bình Giã chỉ đạo xử lý. 

Hướng đến các tiện ích “thông minh” và “số hóa” vào đời sống, hầu hết nhà dân của ấp đều lắp đặt wifi, sử dụng máy tính, điện thoại thông minh. Người dân được tập huấn và hướng dẫn cài đặt các ứng dụng để thực hiện dịch vụ trực tuyến. Ấp cũng được đầu tư cụm loa truyền thanh định hướng, camera giám sát hỗ trợ tích cực trong công tác bảo đảm an ninh trật tự, giữ gìn vệ sinh môi trường. Hàng quán, cơ sở kinh doanh trong thôn đều chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt. Sản xuất nông nghiệp được ứng dụng khoa học kỹ thuật để tăng sản lượng và chất lượng, nâng cao thu nhập.

Chị Nguyễn Thị Thảo (ngụ ấp Gia Hòa Yên) cho hay, trước đây hàng hóa, nông sản chị đều mang ra chợ, ngồi cả ngày đợi khách đến mua nên bữa được bữa mất. "Nay từ bó rau, con gà hay bánh trái, tôi đều "rao" lên zalo, facebook để nhiều khách hàng tiếp cận. Sau đó sản xuất đủ số lượng người đặt mua và chủ động thời gian đi giao hàng. Tôi cũng sử dụng tài khoản ngân hàng và có mã QR để khách hàng quét mã thanh toán rất tiện lợi. Có công nghệ số mọi việc trở nên đơn giản và nhanh hơn”, chị Thảo nói.

Nhiều năm trước, mỗi lần cần thông báo họp hoặc vận động người dân tham gia các hoạt động của ấp, ông Nguyễn Ngọc Nhơn, Bí thư kiểm Trưởng ấp Bình Mỹ (xã Bình Ba) tất bật chạy từ đầu tới cuối ấp để thông báo, vận động. Ông Nhơn kể: “Ấp có 486 hộ chia làm 10  tổ dân cư với khoảng 2.000 dân. Để thông báo đầy đủ mọi người, tôi phải chạy lòng vòng quanh ấp cả ngày và gọi hàng chục cuộc điện thoại”.

Thực hiện “ấp thông minh”, ông Nhơn chỉ cần gửi tin nhắn thông báo vào nhóm zalo “Nhân dân ấp Bình Mỹ” là người dân trong ấp đều tiếp cận được thông tin. Đoàn viên thanh niên trong ấp cũng tích cực hướng dẫn người dân cài đặt, làm thủ tục hành chính, tiện ích trên điện thoại di động. Ấp  huy động các nguồn lực để đầu tư, lắp đặt 6 mắt camera trên các tuyến đường, vận động người dân tham gia phong trào trồng hoa tạo cảnh quan, vệ sinh môi trường… Cơ sở hạ tầng phát triển, trục đường liên ấp, liên xã được thảm nhựa, có đèn chiếu sáng và trồng cây, hoa tạo cảnh quan. Các thiết chế văn hóa, thể thao được đầu tư bài bản giúp người dân có nơi vui chơi, sinh hoạt, thắt chặt tình đoàn kết thôn, ấp.

Hoàn thành 4 khâu đột phá

Từ đầu năm 2024, UBND huyện Châu Đức đã ban hành kế hoạch để triển khai thực khâu đột phá về chuyển đổi số và đạt được kết quả tích cực. Cụ thể, đến nay cơ quan, đơn vị, địa phương đều đạt tỷ lệ hồ sơ, thủ tục hành chính được người dân, DN thực hiện trực tuyến từ xa trên 82%. Có 30/30 thôn, ấp đăng ký thực hiện hoàn thành các tiêu chí “thôn, ấp thông minh”. Việc chi trả và cập nhật trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đạt tỷ lệ 100%. Huyện quy định rút ngắn 45-50% thời gian giải quyết 231/256 thủ tục hành chính đối với 44 lĩnh vực và đã cập nhật lên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh để áp dụng.

Ông Nguyễn Tấn Bản, Chủ tịch UBND huyện Châu Đức cho biết, 38 thôn, ấp của huyện đều đạt tiêu chí "thôn, ấp thông minh". Hộ tiểu thương, cơ sở kinh doanh chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt, đạt 98%. Riêng siêu thị, trung tâm mua sắm, nhà hàng đạt 100%. Người có công, đối tượng bảo trợ xã hội được chi trả qua tài khoản và cập nhật trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đạt 100%. 100% sản phẩm OCOP và trên 91% hộ sản xuất nông nghiệp có tài khoản trên sàn thương mại điện tử buudien.vn. 

Huyện cũng hoàn thành việc cấu hình thông tin phí, lệ phí đối với hồ sơ nộp trực tuyến của thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Đầu tư hệ thống Đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông cho 1 đài cấp huyện và 16 đài cấp xã với 75 cụm loa, tổng số vốn đầu tư gần 4,8 tỷ đồng. Lắp đặt và đưa vào sử dụng 78 điểm wifi công cộng trên địa bàn huyện để phục vụ người dân, phục vụ việc kết nối camera an ninh nhằm đáp ứng tiêu chí xã NTM kiểu mẫu. Đồng thời kích hoạt định danh điện tử mức 1 và 2 để người dân sử dụng tài khoản đăng nhập dịch vụ công trực tuyến đạt 76%. Đặc biệt, mô hình “Hỗ trợ, hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại khu dân cư” được đánh giá cao về mức độ hiệu quả, tiện tích, hỗ trợ tích cực nhu cầu cho người dân. 

Ông Nguyễn Tấn Bản nói: “Thời gian tới, huyện tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các chỉ tiêu, tiêu chí và triển khai hiệu quả chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM. Hướng tới NTM thông minh nhằm mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.

Bài, ảnh: MẠNH QUÂN

 
;
.