Khéo lo "Tết nội, Tết ngoại"

Thứ Sáu, 03/01/2025, 16:28 [GMT+7]
In bài này
.

Mỗi dịp Tết đến, câu chuyện xoay quanh vấn đề biếu quà Tết tặng bên nội, bên ngoại lại trở thành mối quan tâm hàng đầu của nhiều gia đình.

Quà Tết cho cha mẹ không nhất thiết là món quà có giá trị nhưng phải thể hiện được tấm lòng của bạn dành cho họ.
Quà Tết cho cha mẹ không nhất thiết là món quà có giá trị nhưng phải thể hiện được tấm lòng của bạn dành cho họ.

Quà Tết nội - ngoại làm vợ chồng chiến tranh

“Mình biếu bố mẹ anh 15 triệu, còn bố mẹ em 5 triệu”, chị Mỹ Hạnh (phường 10, TP. Vũng Tàu) nhớ lại lời chồng tuyên bố khi cả hai bàn về chuyện biếu Tết cho bên nội, bên ngoại dịp Tết vừa rồi.

Không đồng tình với quyết định của chồng, ngược lại, chị Hạnh còn thấy anh “quá vô lý” khi bên trọng bên khinh.

“Con gái lấy chồng đâu phải “bát nước đổ đi” như cách nói ngày xưa nữa đâu, mình phải có trách nhiệm với bố mẹ đẻ chứ. Hơn nữa, nếu chia tiền chênh lệch như vậy, hai ông bà biết được lại nảy sinh tâm lý so sánh”, chị Hạnh nói. Vì vậy, chị Hạnh đề nghị hai vợ chồng sẽ biếu mỗi nhà 10 triệu cho công bằng.

Tuy nhiên, chồng chị Hạnh không mấy vui vẻ khi chị đưa ra ý kiến vậy. Phần nào trong anh ấy vẫn giữ tư tưởng “con dâu có nhiệm vụ chăm sóc cho chồng, vun vén cho nhà chồng” nên muốn biếu Tết nhà nội nhỉnh hơn. Cứ thế, hai người vẫn chưa tìm ra được tiếng nói chung. Vì chuyện biếu tiền Tết cho bố mẹ hai bên mà Hạnh và ông xã căng thẳng với nhau mấy ngày nay.

Không chỉ riêng gia đình chị Hạnh, gia đình anh Thành, chị Loan (TX.Phú Mỹ) mấy hôm nay cũng đau đầu… vì Tết.

Vợ chồng mới rời quê vào Phú Mỹ lập nghiệp, đến nhà cửa còn phải đi thuê, kinh tế khó khăn nên chị bàn với chồng chỉ biếu mỗi bên ông bà nội ngoại 2 triệu đồng kèm theo ít bánh kẹo gọi là tấm lòng. Chưa nói dứt câu, anh Thành đã đứng phắt dậy, bực bội tuôn một tràng: “Khó khăn thì khó cả năm, chứ ai khó mấy ngày Tết. Nhà mình không có thì anh có thể đi vay bạn bè rồi trả sau. Biếu xén gì thì phải ra tấm ra món, anh không muốn người khác nghĩ mình kém cỏi”.

Biết chồng tự ái, chị Loan cũng chẳng dám phân bua thêm nhưng trong lòng không khỏi bộn bề lo lắng. “Nhìn hai đứa con hết ăn mì gói, cơm nguội đi học chỉ vì ba mẹ để dành tiền mua quà Tết cho nhà nội, nhà ngoại mà tôi không đành lòng. Xót con, lại gần Tết rồi nhưng đành nhún nhường chiều chồng cho qua chuyện”, chị Loan nói.

Bàn bạc, thống nhất để tìm tiếng nói chung

Khi Tết Nguyên đán đã cận kề, bên cạnh việc sắm sửa đồ đạc, nhiều gia đình lại đau đầu về việc biếu Tết cho hai bên gia đình nội ngoại. Ngoài những áp lực về kinh tế, không ít cặp vợ chồng trẻ xảy ra mâu thuẫn, tranh cãi về chuyện biếu Tết “bên trọng bên khinh”. Có gia đình chồng muốn biếu bên nội nhiều hơn hay ngược lại có trường hợp vợ lại muốn biếu bên ngoại nhiều hơn. Hàng ngàn lý lẽ được đưa ra, ai cũng cho rằng mình đúng. Và từ đấy, chuyện nhỏ xé to, gây ra sứt mẻ tình cảm.

Trước câu chuyện này, gia đình anh Nguyễn Tấn Đạt (phường 2, TP. Vũng Tàu) thường ngồi lại bàn bạc, thống nhất để có thể tìm ra được “tiếng nói” chung. Vấn đề biếu Tết nội ngoại vốn dĩ đã nhạy cảm nên càng cần sự phân minh, rành mạch. “Lúc đầu, hai vợ chồng cũng có mâu thuẫn. Khi tôi đưa ra ý kiến thì vợ không tranh cãi quá nhiều nhưng sẽ tỏ ý không hài lòng. Tôi cũng biết điều đó và đong đếm lại, quyết định biếu hai bên nội ngoại như nhau, không ai hơn ai kém cả”, anh Đạt chia sẻ.

Tương tự, vợ chồng anh Chí Thiện (phường Long Hương, TP. Bà Rịa) cũng cho biết, vợ chồng anh bàn bạc và quyết định biếu hai bên nội ngoại như nhau. Vợ anh sẽ là người trực tiếp mua quà, biếu bố mẹ sao cho hợp lý nhất. “Vợ chồng mình sẽ bàn bạc rồi đi đến thống nhất. Vợ mình là người chi tiêu những vật dụng mua sắm cần thiết. Không phải quà đều giống nhau mà mỗi bên sẽ mua sắm những món quà tương đương, tùy theo nhu cầu”, anh Thiện chia sẻ.

Qua kinh nghiệm của gia đình anh Đạt và anh Thiện, chìa khóa để tránh xung đột về quà biếu hai bên nội ngoại trong dịp Tết chính là trao đổi trung thực và không đặt ra các giả định về những kỳ vọng của người khác. Cả hai cần nói về vấn đề này sớm và cùng quyết định xem biếu quà Tết như thế nào cho gia đình, chi bao nhiêu cho ngày Tết.

Bên cạnh đó, có nhiều cặp đôi trẻ còn khéo léo trong việc biếu quà Tết cha mẹ đôi bên khá hay. Thay vì chỉ biếu tiền và quà cáp thì người vợ tự tay vào bếp làm mứt, làm bánh về biếu cha mẹ chồng. Anh chồng cũng biết quan tâm đến gia đình vợ theo cách riêng, trước Tết 2 tuần đích thân đến sửa sang lại vòi nước, nhờ thợ sơn lại tường nhà cho mới mẻ. “Của cho không bằng cách cho”, ngày Tết món quà ý nghĩa nhất đối với đấng sinh thành không phải là tiền bạc, vật chất mà là sự quan tâm, tình cảm chân thành từ con cái.

THẢO NGUYÊN

;
.