Bài 3: Hướng tới nền giáo dục phổ thông miễn phí
NỘI DUNG LIÊN QUAN:
Về đích sớm ở mục tiêu “HS chỉ cần đến trường không cần đóng học phí”, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang tiếp tục xây dựng các chính sách mới nhằm hướng tới “nền giáo dục phổ thông hoàn toàn miễn phí toàn diện”.
Tới đây, Sở GD-ĐT sẽ nghiên cứu, tham mưu tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ SGK cho HS. Trong ảnh: Trường TH Nguyễn Viết Xuân (TP.Vũng Tàu) trao tặng SGK cho HS dân tộc thiểu số. |
Đề xuất hỗ trợ thêm các khoản thu ngoài học phí
Cô Phạm Thanh Hòa, Hiệu trưởng Trường MN Phước Hiệp (TP.Bà Rịa) cho hay, đối với bậc học MN, ngoài học phí thì tiền ăn hàng tháng của trẻ cũng là gánh nặng của không ít phụ huynh. Trong quá trình công tác, cô đã gặp những trường hợp phụ huynh do hoàn cảnh khó khăn không thể đóng tiền ăn cho con nên phải cho trẻ nghỉ học, đến khi có tiền đóng mới cho con đi học trở lại. Điều này khiến việc học tập của trẻ bị gián đoạn. Vì vậy, ngoài hỗ trợ học phí, nếu trẻ MN được hỗ trợ thêm tiền ăn thì phụ huynh có thể hoàn toàn yên tâm cho trẻ đến trường.
Còn theo thầy Nguyễn Đình Thái, Hiệu trưởng Trường THPT Hòa Hội (huyện Xuyên Mộc), hiện nay, chỉ HS thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trong 3 năm và HS dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh mới được hỗ trợ chi phí học tập. Thầy Thái đề xuất mở rộng đối tượng hỗ trợ chi phí học tập để giảm gánh nặng tài chính cho phụ huynh.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo Đảng đoàn HĐND tỉnh, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, cấp uỷ đảng các cấp tập trung tuyên truyền, kiểm tra, giám sát các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 05-NQ/TU và Quyết định số 1400/QĐ-UBND về Chương trình hành động nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Những giải pháp trọng tâm là triển khai “xây dựng lộ trình đến năm 2045 trở thành một trong các tỉnh, thành đầu tiên có nền giáo dục phổ thông hoàn toàn miễn phí toàn diện cho HS” đã được đề ra tại Nghị quyết số 05-NQ/TU; tham mưu đề xuất các giải pháp, các chính sách mới thực hiện các Nghị quyết lĩnh vực giáo dục về chi phí học tập cho HS; phát triển mạng lưới giáo dục MN, phổ thông có chất lượng, đủ khả năng bao phủ, bảo đảm không để trẻ em nào không thể đi học do thiếu các điều kiện tài chính và khả năng tiếp cận trường lớp hạn chế; tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục TH mức độ 3, phổ cập giáo THCS mức độ 2 và phấn đấu đạt mức độ 3.
Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy,
Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh
|
Thầy Thái cũng cho biết thêm, ngoài phần ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng BHYT HSSV theo quy định, Bà Rịa-Vũng Tàu đã ban hành chính sách hỗ trợ thêm 20% mức đóng cho HSSV trên địa bàn. Nếu như mức hỗ trợ được nâng lên sẽ giúp tỉnh đạt mục tiêu 100% HSSV đều tham gia BHYT. Đồng thời, giúp các em giảm chi phí khám chữa bệnh và được tiếp cận dịch vụ y tế kịp thời.
Bên cạnh đó, thầy Nguyễn Đình Thái cũng đề xuất miễn phí vé xe buýt cho HS phổ thông nhằm khuyến khích các em tham gia các phương tiện giao thông công cộng. Mỗi năm học, các nhà trường đều cho phụ huynh, HS ký cam kết chấp hành nghiêm quy định về an toàn giao thông. Tuy nhiên, vẫn có khá nhiều HS vi phạm quy định do điều khiển xe gắn máy, mô tô khi chưa đủ tuổi. Việc hỗ trợ vé xe buýt sẽ góp phần chia sẻ bớt gánh nặng chi phí cho phụ huynh, vừa góp phần giảm phương tiện cá nhân, giảm thiểu ùn tắc, tai nạn giao thông.
HS Trường MN Phước Hiệp (TP.Bà Rịa) trong bữa ăn sáng tại trường. |
Mặc dù phấn khởi trước những chính sách giúp “HS đến trường không cần đóng học phí”, nhưng ông Nguyễn Ngọc Nguyện, Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý-Giáo dục tỉnh vẫn còn chút băn khoăn khi một số khoản thu “ngầm” khác vẫn đè nặng lên vai phụ huynh. Trong đó có thể kể đến như quỹ trường, quỹ lớp, quỹ ban đại diện cha mẹ HS, các khoản phục vụ liên hoan, văn nghệ… Do đó, ông Nguyện đề nghị: “Cùng với việc ban hành các chính sách phát triển giáo dục, địa phương và ngành giáo dục cũng cần xây dựng chế tài đủ mạnh để quản lý, kiểm soát các khoản thu ngoài học phí, không để xảy ra tình trạng lạm thu, lạm chi. Cùng với đó, cần hạn chế tối đa tình trạng kêu gọi phụ huynh đóng góp sửa chữa trường lớp, mua sắm trang thiết bị trong trường học".
Sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách mới
Bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, để thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, Sở GD-ĐT đã xây dựng lộ trình đến năm 2045 trở thành một trong các tỉnh, thành đầu tiên có nền giáo dục phổ thông hoàn toàn miễn phí toàn diện cho HS. Trong đó, bước đầu tiên trên hành trình này là tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ học phí cho HS các cấp học từ MN tới phổ thông. Từ năm học 2024-2025 này, chính sách hỗ trợ 100% mức học phí công lập sẽ được duy trì lâu dài và ổn định.
Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang từng bước hướng tới nền giáo dục phổ thông hoàn toàn miễn phí toàn diện. Trong ảnh: HS Trường TH Nguyễn Viết Xuân (TP.Vũng Tàu) phấn khởi tham gia các hoạt động tại trường. |
Theo bà Trần Thị Ngọc Châu, việc HS chỉ cần đến trường không phải đóng học phí là một trong những biểu hiện rõ nét của một xã hội tiến bộ. Ở đó, y tế, giáo dục được quan tâm, người dân được thụ hưởng thành quả phát triển kinh tế - xã hội. Điều này cũng phù hợp với chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm trong phiên thảo luận tổ sáng 9/11/2024 về dự thảo Luật Nhà giáo. Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, định hướng phổ cập giáo dục rồi thì phải "tiến dần lên", theo hướng các cháu đến tuổi đi học phải được đến trường. "Nếu tiến lên nữa thì Nhà nước phải nuôi, tiến tới miễn học phí, nuôi ăn các cháu ở tuổi đi học. Tiến bộ là phải ở mức độ như vậy", Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Bà Trần Thị Ngọc Châu cho biết thêm, tới đây, ngành GD-ĐT sẽ tiếp tục nghiên cứu tham mưu tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ các chi phí học tập khác cho HS các cấp học. Đơn cử như hỗ trợ SGK và tài liệu học tập cơ bản cho HS.
Bài, ảnh: KHÁNH CHI