Đừng làm hư trẻ bằng tiền lì xì!
Lì xì là một nét đẹp văn hóa, mang lại niềm vui trong ngày đầu Xuân. Thế nhưng, theo thời gian, nét đẹp này dần bị biến tướng, khiến cả người lớn và con trẻ dần quên đi ý nghĩa thực sự của phong tục lì xì mà chỉ so bì chuyện nặng - nhẹ, thiệt-hơn.
Đừng bao giờ quên nhắc nhở con trẻ ứng xử tử tế khi nhận phong bao lì xì bằng câu chúc Tết, lời cảm ơn cùng nụ cười tươi tắn. |
Những tình huống khó xử
Không rõ từ bao giờ, nhưng bao đời nay, người Việt vẫn có phong tục lì xì ngày Tết. Con cháu mừng tuổi ông bà, cha mẹ với ý nghĩa cầu mong sức khỏe, chúc cho ông bà, cha mẹ sống lâu trăm tuổi. Ông bà, cha mẹ mừng tuổi lại con cháu mong ngoan ngoãn, học giỏi, gặp nhiều điều may mắn.
Không chỉ người thân trong gia đình mừng tuổi nhau, mà khách đến chúc Tết cũng mừng tuổi trẻ con kèm theo những lời chúc tốt đẹp. Câu chuyện tiền lì xì vốn đẹp và ý nghĩa là vậy. Thế nhưng, khi xã hội phát triển, phong tục này đang dần thay đổi, xung quanh đó cũng đã có không ít những chuyện "dở khóc dở cười".
Chẳng hạn, trong dịp Tết năm ngoái, một bé gái 5 tuổi ở nhà hàng xóm được một người bạn của mẹ đến chúc Tết, tặng bao lì xì màu đỏ dán kín. Trong lúc mẹ đang rót nước mời khách thì bé nhanh tay bóc bao lì xì, lôi tờ tiền từ trong ra và hồn nhiên nói với mẹ: “Bác Thùy lì xì cho con ít quá, mỗi 10.000 đồng mẹ ạ!”.
Nghe vậy, không chỉ mẹ bé ngại ngùng mà người khách vừa trao bao lì xì cho bé cũng cảm thấy ái ngại. May thay, lúc đó người mẹ đã vội giải thích cho bé hiểu việc chê tiền ít, nhiều như vậy là xấu, là hư... nên bé mới không nói thêm gì nữa. Rồi khi khách ra về rồi, người mẹ cũng đã kịp “lên lớp” cho bé biết và cấm con làm như vậy trước mặt khách khi nhận tiền lì xì…
Tương tự, cu Bon, 6 tuổi, con của anh trai tôi, đã khiến cha mẹ rơi vào tình huống dở khóc dở cười, khi khách vừa bước vào cửa nhà là vòi vĩnh, nói lặp đi lặp lại “lì xì cho cháu đi!” hay “lì xì cho con đi…”. Bị thằng nhỏ “đòi” như vậy nên hầu như chẳng có ai là từ chối.
Những khách đến chúc Tết đã chuẩn bị sẵn tinh thần thì việc đưa lì xì trước hay sau không mấy quan trọng. Tuy nhiên, những người không chuẩn bị sẵn ý định lì xì, hay trong túi “hạn hẹp” về tiền bạc thì việc bị đứa bé “đòi” như vậy mà không lì xì sẽ gây ra tình huống rất khó xử.
Ngoài các tình huống vòi vĩnh tiền lì xì khiến người lớn phải ngại ngùng, xấu hổ kể trên, còn tình trạng nhiều trẻ nhận bao lì xì nhưng không nói “cảm ơn”, hay “cháu xin”, “con xin”. Bên cạnh đó, khi người lớn trao tiền lì xì cho trẻ, họ luôn chúc trẻ chăm ngoan, hay ăn chóng lớn, học giỏi... Tuy nhiên, chẳng mấy trẻ gửi lại lời chúc tốt đẹp đối với những người lì xì mình.
Không chỉ vậy, nhiều gia đình có con nhỏ còn coi lì xì của con là một khoản thu nhập của gia đình trong dịp Tết. Nhiều bậc phụ huynh đăng tải hình ảnh con mình lên mạng kèm nội dung: "trụ cột chính của gia đình trong dịp Tết", "Cây ATM của gia đình", "Giúp bố mẹ hồi vốn"… Có thể, đây chỉ là những trò đùa trên mạng xã hội của các bậc cha mẹ, tuy nhiên nó khiến cho con cái vô tình bị ảnh hưởng bởi lối suy nghĩ ấy.
Giúp lì xì trở về ý nghĩa vốn có
Thiết nghĩ, mỗi người lớn phải thay đổi nhận thức “mệnh giá tiền càng lớn, trẻ càng vui” và “lì xì nhiều là yêu thương nhiều”. Có như vậy chúng ta biết chừng mực khi bỏ tiền vào phong bao mừng tuổi, vơi gánh nặng lo toan mỗi dịp tết đến xuân về.
Hãy truyền cho trẻ thông điệp tốt đẹp về những chiếc phong bao đỏ thắm gói ghém tình yêu thương, sự quan tâm và lời chúc an lành, may mắn thông qua các cuộc chuyện trò bên mâm cơm gia đình, qua các chuyến du xuân thong dong trên mọi nẻo đường.
Đừng bao giờ quên nhắc nhở con trẻ ứng xử tử tế khi nhận phong bao lì xì bằng câu chúc Tết, lời cảm ơn cùng nụ cười tươi tắn. Tuyệt đối không được mở phong bao trước mặt khách, không được xé toạc rồi chê bai nhiều ít.
Bên cạnh đó, để trẻ ứng xử có văn hóa, cư xử phải phép, vui và đẹp lòng khách khi được nhận tiền lì xì, các bậc cha mẹ, ông bà, người lớn trong gia đình phải chú trọng uốn nắn, hướng dẫn, dạy bảo trẻ từ những điều đơn giản, nhỏ nhặt nhất. Ví dụ như khi có khách đến chúc mừng năm mới gia đình, hoặc khi đi chúc Tết, cha mẹ hãy dạy con cách chào hỏi sao cho phù hợp và lễ phép. Đừng quên chỉ cho con một số câu chúc năm mới ngắn gọn nhưng đầy ý nghĩa.
Người ta từng bảo “Dạy con từ thuở còn thơ”, vì vậy những điều đơn giản như ứng xử có văn hóa trong lúc nhận tiền lì xì dịp tết cũng cần được chỉ bảo cặn kẽ.
THẢO NGUYÊN