Bà Rịa-Vũng Tàu ưu tiên bố trí ngân sách để chăm lo Tết Ất Tỵ năm 2025 cho người có công, đối tượng bảo trợ xã hội... với phương châm “Tết đến với mọi người, mọi nhà, không để ai bị bỏ lại phía sau”. Ông Trần Quốc Khánh, Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu liên quan đến vấn đề trên.
Ông Trần Quốc Khánh, Giám đốc Sở LĐTBXH và lãnh đạo LĐLĐ tỉnh trao tặng hỗ trợ vé tàu, xe cho NLĐ khó khăn về quê đón Tết tại chương trình “Tết sum vầy- Xuân ơn Đảng” 2025. |
● Phóng viên: Năm nay, Bà Rịa-Vũng Tàu bố trí ngân sách để chăm lo Tết Ất Tỵ cho người có công, gia đình chính sách và đối tượng bảo trợ xã hội như thế nào, thưa ông?
- Ông Trần Quốc Khánh: Bà Rịa-Vũng Tàu luôn dành tình cảm, sự quan tâm, chăm lo tốt nhất dành cho các thế hệ đi trước, cũng như đội ngũ những người đang lao động, cống hiến vì sự phát triển của tỉnh. Hàng năm, mỗi khi Xuân về Tết đến, tỉnh đều tập trung nguồn lực tổ chức nhiều hoạt động nhằm chăm lo tốt nhất cho Nhân dân, nhất là người có công với cách mạng, các bậc lão thành cách mạng, gia đình chính sách và chăm lo người lao động, người nghèo.
Tết Ất Tỵ năm 2025, tỉnh tổ chức lễ viếng các nghĩa trang liệt sĩ, tri ân các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các anh hùng liệt sĩ. Đồng thời, tổ chức họp mặt nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; họp mặt nhân sĩ trí thức; thăm, chúc Tết và tặng quà cán bộ lão thành cách mạng, gia đình chính sách trên địa bàn.
Năm nay, tỉnh tổ chức 42 đoàn do lãnh đạo tỉnh làm trưởng đoàn thăm, tặng quà các đơn vị và cá nhân tiêu biểu. Trong đó, tổ chức 25 đoàn thăm, tặng quà và chúc thọ cho 96 cá nhân tròn 100 tuổi nhân kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng và đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ; 17 đoàn thăm 121 đơn vị trực trong các ngày Tết; thăm 19 gia đình người có công.
Tỉnh cũng giao Sở LĐTBXH phối hợp với UBMTTQ Việt Nam tỉnh và các đoàn thể thăm và chuyển quà của tỉnh đến Tiểu đoàn DK1 để tặng quà 18 nhà giàn DK1; ủy quyền cho cấp huyện tổ chức chúc thọ cho 872 người tròn 90 tuổi và 11 đơn vị đóng quân trên địa bàn tỉnh. Tổng kinh phí hơn 4,2 tỷ đồng.
Dự kiến tỉnh tặng quà Tết cho 15.268 lượt người có công cách mạng với kinh phí hơn 27 tỷ đồng; 736 hộ nghèo với kinh phí thực hiện hơn 1,1 tỷ đồng; 29.527 đối tượng bảo trợ xã hội với kinh phí ước thực hiện hơn 35 tỷ đồng. Tổng kinh phí thực hiện hơn 63 tỷ đồng.
● Thưa ông, ngoài kinh phí từ ngân sách, tỉnh phát huy các hội, đoàn thể như thế nào để cùng chung tay chăm lo Tết cho người nghèo, công nhân lao động?
- Với phương châm “Tết đến với mọi người, mọi nhà, không để ai bị bỏ lại phía sau”, tỉnh tập trung huy động mọi nguồn lực để chăm lo Tết cho Nhân dân. Các hội, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội đã và đang tiếp tục vận động, chăm lo Tết cho người có hoàn cảnh khó khăn, công nhân lao động.
Năm nay, UBMTTQ Việt Nam tỉnh huy động nguồn lực xã hội hóa, tập trung nhiều hoạt động chăm lo cho người dân có hoàn cảnh khó khăn. Các cấp công đoàn cũng có nhiều chương trình chăm lo Tết cho người lao động, với tổng kinh phí vận động dự kiến trên 44 tỷ đồng.
Cùng với đó, Sở LĐTBXH tăng cường phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội Chi nhánh Bà Rịa-Vũng Tàu và các địa phương đẩy mạnh công tác tư vấn, hỗ trợ vốn vay ưu đãi từ nguồn vốn cho vay hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm, kết hợp với tổ chức trao tặng phương tiện sinh kế để hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển kinh tế, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
● Bên cạnh sự chăm lo của chính quyền, đoàn thể, Sở LĐTBXH có biện pháp gì để các DN bảo đảm quyền lợi cho người lao động, thưa ông?
- Sở LĐTBXH đã có văn bản triển khai các DN thông tin công khai, sớm và đầy đủ kế hoạch trả lương, trả thưởng trong dịp Tết Dương lịch và Tết Âm lịch năm 2025 trước Tết Nguyên đán.
Sở cũng có kế hoạch tăng cường giám sát tình hình trả lương, trả thưởng và ổn định lao động, việc làm, quan hệ lao động tại các DN trên địa bàn tỉnh. Trong đó, phối hợp với các đơn vị nắm tình hình quan hệ lao động, tiền lương và tiền thưởng, việc thực hiện các quy định của pháp luật lao động tại một số DN, nhất là các DN có nguy cơ cao xảy ra tranh chấp lao động để kịp thời hướng dẫn thực hiện các chính sách pháp luật lao động cho người lao động.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành Chỉ thị số 63-CT/TU về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025. Trong đó, đặc biệt yêu cầu quan tâm chăm lo cho người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hộ nghèo; công nhân, người lao động, các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh.
Đồng thời, tổ chức chu đáo các hoạt động thăm hỏi, tặng quà Tết cho các gia đình liệt sĩ, gia đình có công với nước, cán bộ lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, bệnh binh, chức sắc tôn giáo tiêu biểu, các đơn vị lực lượng vũ trang, lực lượng làm nhiệm vụ trực Tết.
|
● Thưa ông, đến thời điểm này, công tác chăm lo Tết cho người lao động của DN trên địa bàn tỉnh được triển khai thực hiện như thế nào?
- Qua kết quả báo cáo của DN và kết quả thực tế đi khảo sát tại một số DN đại diện một số ngành, chúng tôi nhận thấy, hầu hết DN bố trí cho người lao động nghỉ Tết theo quy định của Chính phủ. Một số DN bố trí cho người lao động kết hợp nghỉ phép năm và nghỉ hàng tuần cùng với thời gian nghỉ Tết nên kéo dài hơn (khoảng 12 đến 15 ngày).
Việc thực hiện chính sách tiền lương tại DN hầu hết đều bảo đảm tiền lương của người lao động không thấp hơn mức lương tối thiểu theo quy định tại Nghị định số 74/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 của Chính phủ. Đa phần các DN đều có thưởng với mức bình quân là 1 tháng lương theo hợp đồng lao động cho lao động làm việc đủ 12 tháng trong năm, trường hợp lao động có thời gian làm việc dưới 12 tháng thì được tính theo tỷ lệ số tháng làm việc tại DN.
● Trân trọng cảm ơn ông!
NHÃ UYÊN
(Thực hiện)