Quốc hội đã thông qua nghị quyết cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng (TLĐT, TLNN) từ năm 2025. Người dân, kể cả những người đang sử dụng TLĐT, TLNN) đều đồng tình, ủng hộ quy định này.
Bác sĩ Nguyễn Văn Lên, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh giám sát công tác phòng, chống tác hại thuốc lá tại Trung tâm Y tế huyện Xuyên Mộc. |
Cấm TLĐT, TLNN là cần thiết
Cuối tuần, chị Mai (TP.Vũng Tàu) thường cùng bạn bè đi uống cà phê. Nhóm bạn của chị thường chọn những quán cà phê không gắn máy lạnh để ngồi. Nhiều lần chị tỏ ra khó chịu khi người ngồi bàn bên cạnh hút thuốc khiến chị phải đổi chỗ ngồi.
Chị Mai cho hay, chị thường xuyên thấy nhiều người hút thuốc lá điếu truyền thống và TLĐT, nhất là giới trẻ. Thông qua các phương tiện truyền thông, chị biết hút thuốc lá điếu hay TLĐT, TLNN đều có nguy hại đến sức khỏe cho người hút và người xung quanh, khói thuốc có nguy cơ gây ung thư và các căn bệnh nguy hiểm khác. Lâu nay, chị mong muốn nhà nước có quy định cấm sản xuất, mua bán, sử dụng các loại thuốc lá. Do đó, chị rất mừng khi Quốc hội thông qua nghị quyết cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, vận chuyển, sử dụng TLĐT, TLNN. “Tôi thấy quy định cấm 2 loại thuốc lá nói trên là cần thiết, góp phần bảo vệ sức khỏe và môi trường sống của con người”.
Không chỉ người dân, ngay cả người hút TLĐT, TLNN cũng tán thành quy định cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, vận chuyển, sử dụng TLĐT, TLNN. Đây còn là biện pháp giúp những người đang sử dụng loại thuốc này bỏ được thuốc.
Anh Mạnh (30 tuổi, phường 8, TP.Vũng Tàu) có gần 5 năm hút TLĐT. Thời gian đầu, anh thích hút loại thuốc lá này bởi có nhiều hương vị, mùi thơm, mẫu mã đa dạng hợp với người trẻ như anh. Anh tin vào lời quảng cáo của người bán TLĐT không có hại như thuốc lá điếu truyền thống. Thế nhưng, sau nhiều năm hút TLĐT, anh cảm thấy sức khỏe bị ảnh hưởng. Anh hay bị họ, có khi còn khó thở, người mệt. Anh Mạnh cho hay: “Giờ tôi mới nhận ra, TLĐT có nhiều chất độc, làm sức khỏe sa sút. Tôi đồng tình với việc Quốc hội cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, vận chuyển, sử dụng TLĐT, TLNN. Lần này tôi cũng quyết tâm bỏ hút thuốc”.
Theo Bộ Y tế, trung bình mỗi năm, nước ta có khoảng 40 ngàn người tử vong vì các bệnh liên quan đến thuốc lá. Đáng lo ngại, tình hình sử dụng TLĐT đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng, nhất là giới trẻ. Theo đó, tỷ lệ sử dụng TLĐT trong học sinh từ 13-15 tuổi tăng nhanh từ 3,5% (năm 2022) lên 8% (năm 2023); nhóm từ 15 - 24 tuổi là 7,3%; nhóm từ 25 - 44 tuổi là 3,2%; nhóm từ 45- 64 tuổi là 1,4%. Chỉ tính riêng năm 2023, có 1.224 ca nhập viện do sử dụng TLĐT, TLNN, với các triệu chứng do dị ứng, ngộ độc, tổn thương phổi.
Quy định có nhiều ý nghĩa
Bác sĩ Nguyễn Văn Lên, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho rằng, các nhà khoa học đã chứng minh, TLĐT, TLNN có nhiều hóa chất độc hại, ảnh hưởng sức khỏe, gây loạn thần và có thể gây ung thư như thuốc lá truyền thống. Thông tin của các nhà sản xuất, kinh doanh đang quảng cáo không đúng sự thật, gây hiểu nhầm rằng, TLĐT, TLNN không độc hại, dùng để cai được thuốc lá truyền thống. Thực tế có hiện tượng trong TLĐT, TLNN có trộn các chất ma túy, gây nghiện nên dễ gây ra những hậu quả khôn lường. Do vậy, việc cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, vận chuyển, sử dụng TLĐT, TLNN từ năm 2025 là rất đúng đắn.
Quy định này có nhiều ý nghĩa không chỉ sức khỏe mà còn nhiều mặt kinh tế, xã hội, an ninh, trật tự… Qua đó, giúp bảo vệ sức khỏe cộng đồng, nhất là giới trẻ. Giảm thời gian nghỉ do ốm đau, bệnh tật liên quan tới sử dụng TLĐT, TLNN, giảm chi phí khám, chữa bệnh, tăng thời gian và năng suất lao động. Ngoài ra, còn giúp người dân giảm chi phí mua TLĐT, TLNN. Đồng thời, giảm tội phạm do sử dụng ma túy trá hình dưới dạng TLĐT, TLNN hoặc loạn thần góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, hạnh phúc của các gia đình.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Lên, để thực hiện hiệu quả quy định nói trên, các cấp, ngành, địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng về Nghị quyết 173/2024/QH15 cũng như các tác hại của TLĐT, TLNN. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, chế tài nghiêm minh đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm. Mỗi cơ quan tăng cường tuyên truyền về Luật Phòng chống tác hại thuốc lá và xây dựng cơ quan, công sở, đơn vị, thôn, ấp, khu phố…không khói thuốc.
“Nghị quyết của Quốc hội quy định cấm nên vi phạm sẽ bị xử lý như hành vi sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng hàng cấm. Tùy mức độ sẽ xử lý hình sự hay hành chính theo các văn bản quy phạp pháp luật liên quan. Tuy nhiên, theo tôi cần có quy định riêng về xử lý vi phạm đối với nội dung này”, bác sĩ Nguyễn Văn Lên cho biết.
Bài, ảnh: TUỆ LÂM